Chính phủ Australia cân nhắc ngừng quảng cáo trên Facebook
VOV.VN - Đáp lại việc Facebook bất ngờ ngừng chia sẻ tin tức của các cơ quan báo chí Australia trên nền tảng của mình, Australia đang cân nhắc việc ngừng mọi quảng cáo công trên Facebook.
Hành động này không chỉ làm cho Facebook thiệt hại hàng chục triệu đô la mỗi năm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và có thể kéo theo làn sóng tẩy chay quảng cáo trên Facebook ở nước này.
Trong tuyên bố đưa ra vào sáng nay (22/2), Bộ trưởng Tài chính Australia Simon Birmingham cho biết chính quyền nước này đang cân nhắc việc ngừng mọi quảng cáo công trên nền tảng Facebook.
Bộ trưởng Birmingham cho biết: “Tôi cho rằng chúng tôi sẽ rút mọi quảng cáo công trên Facebook để đáp trả cho việc công ty này có hành động tồi tệ khi họ gỡ bỏ các trang không phù hợp đồng thời cố gắng tạo ra sự ảnh hưởng đối với hệ thống dân chủ của chúng ta. Chúng tôi không dung thứ cho hành động này và sẽ giữ nguyên quan điểm đối với dự luật đàm phán nội dung tin tức đồng thời sẽ nghiên cứu những quảng cáo của mình trên Facebook”.
Trước đó vào ngày hôm qua, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cũng khẳng định sẽ ngừng mọi quảng cáo của Bộ Y tế trên nền tảng này. Chính phủ Australia đã lên kế hoạch quảng cáo rầm rộ về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên các phương tiện trong đó mạng xã hội Facebook được coi là nền tảng chính.
Tuy vậy, sau khi Facebook ngừng chia sẻ tin tức của các cơ quan báo chí Australia và nhiều cơ quan dịch vụ công cộng của nước này thì Bộ Y tế đã chuyển hướng, ngừng quảng cáo trên Facebook mà tập trung vào các phương tiện truyền thông khác như truyền hình, phát thanh, báo chí... để truyền thông điệp tới người dân.
Động thái mới của chính phủ Australia dự kiến sẽ gây thiệt hại cho Facebook hàng chục triệu AUD. Theo thống kê của nước này, trong năm tài chính 2019-2020, Australia đã chi 42 triệu AUD cho các quảng cáo liên quan đến chính sách của chính phủ liên bang. Theo thống kê của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia, Facebook chiếm khoảng 28% thị phần quảng cáo trực tuyến tại nước này.
Không chỉ chính phủ, dư luận Australia cũng ngày càng xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng các công ty của nước này cũng nên cân nhắc rút quảng cáo khỏi Facebook.
Ông Peter Lewis, Giám đốc Trung tâm công nghệ cho biết, sự việc xảy ra cho thấy nhiều công ty phụ thuộc vào nền tảng Facebook song trong lúc Australia đang ở trong cuộc chiến với công ty công nghệ lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới, không chỉ chính phủ mà “các doanh nghiệp, tổ chức dân sự cũng cần thể hiện sự ủng hộ” đối với chính phủ, cơ quan đại diện được người dân nước này bầu nên.
Vào tuần trước, Facebook bất ngờ quyết định chặn mọi chia sẻ tin tức từ các cơ quan báo chí của Australia và tại Australia để phản đối việc nước này xem ban hành luật yêu cầu các hãng công nghệ phải trả tiền cho các nội dung tin tức được sản xuất tại Australia.
Không chỉ chặn chia sẻ tin tức của các cơ quan báo chí, Facebook còn chặn tin tức từ nhiều cơ quan, tổ chức dịch vụ công cộng và khẩn cấp như của cơ quan khí tượng, cơ quan cứu hỏa và tin tức từ nhiều cơ quan y tế của Australia khiến chính phủ và dư luận nước này vô cùng bất bình. Tuy vậy, sau vài tiếng để xảy ra tình hình này, Facebook đã kịp thời điều chỉnh để chỉ chặn tin tức từ các cơ quan báo chí chứ không chặn tin tức từ các cơ quan công quyền và các tổ chức dân sự.
Trong một diễn biến liên quan, sau khi được Hạ viện thông qua vào tuần trước, hôm nay, dự thảo Luật đàm phán nội dung tin tức được trình lên Thượng viện xem xét. Theo các nguồn tin của truyền thông địa phương, nhiều khả năng sẽ không có sửa đổi nào đối với bản dự thảo tại Thượng viện. Nếu dự luật được Thượng viện thông qua, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có điều luật yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia./.