Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói về chiến lược xuất khẩu năm 2012

Đầu Xuân Nhâm Thìn, Bộ trưởng Bộ Công Thương dành cho VOV online cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn về những khó khăn và kế hoạch năm tới để đẩy mạnh hàng Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Năm 2011 có thể xem là một năm thành công của hoạt động xuất khẩu khi có tới 22 nhóm, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 nhóm, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Dự báo năm 2012, hoạt động xuất khẩu sẽ không dễ dàng. Nếu không có những chiến lược dài hạn về nguồn nguyên liệu, nghiên cứu thị trường thì "thời cơ vàng" của xuất khẩu những mặt hàng chủ lực sẽ không kéo dài.

Nhu cầu của các nước đối với hàng hoá Việt Nam là có, nhưng để tận dụng được cơ hội này trong năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức.

PV: Bộ trưởng có dự báo gì về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2012?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo tôi, hoạt động xuất khẩu của chúng ta trong năm 2012 có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn năm 2011. Bên cạnh những khó khăn ở trong nước về lạm phát, lãi suất cao, khả năng tiếp cận vốn hạn chế của năm 2011 tuy từng bước được khắc phục nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn thì những khó khăn từ thị trường thế giới và nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới có thể xẩy ra sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.

Trong vài tháng gần đây, chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng lan rộng với cường độ mạnh hơn tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu, bắt đầu từ Hy Lạp và lan rộng sang các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia và kể cả những nước có nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới như Đức và Pháp cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi của cuộc khủng hoảng này.

Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 tăng 13%, tỷ, nhập siêu ở mức 11-12% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 sẽ phải đạt trên 108,5 tỷ USD. Nhập khẩu khoảng 121,5 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2011. Như vậy, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng 12% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay, việc đạt được chỉ tiêu này tương đối khó khăn vì: thứ nhất, giá cả hàng hóa khó có thể tăng trong năm 2012 do nhiều mặt hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản, nhiên liệu và khoáng sản đã tăng cao trong năm 2011; thứ hai, kinh tế thế giới có thể rơi vào khủng hoảng sẽ khiến cho nhu cầu tiêu dùng và giá hàng hóa trên thị trường thế giới đi xuống; thứ ba, những khó khăn từ trong nước sẽ tiếp tục cản trở việc mở rộng và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Phát huy kết quả của năm 2011, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ phấn đấu thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu mà Quốc hội đề ra. 

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt với Bộ NN & PTNT để đẩy sản xuất xuất khẩu mặt hàng công nghiệp chế biến giai đoạn 2012-2015 và trong giai đoạn tiếp cần ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến này làm lợi thế cạnh tranh thực theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ Công Thương mới đây.

PV: Dự báo xuất khẩu sang thị trường EU sẽ gặp khó khăn trong năm tới do khủng hoảng nợ Châu Âu đang có diễn biến xấu. Tuy nhiên, với cái nhìn lạc quan, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn khả quan vì Việt Nam xuất sang EU chủ yếu là hàng thiết yếu… nên nhu cầu hàng hóa Việt Nam co giãn theo giá không lớn. Bộ trưởng có bình luận gì?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Như đã nói ở trên, cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng có diễn biến xấu ở Châu Âu và chúng ta không thể chủ quan về những tác động của nó đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Năm 2009, khi cuộc khủng khoảng kinh tế tài chính toàn cầu xẩy ra, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 8,9%, trong đó, xuất khẩu vào thị trường EU có mức giảm mạnh nhất 13,7%, trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ - tâm của khủng hoảng tài chính thì xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm có 4,3%.

Hiện nay, chúng ta đang xuất khẩu sang EU nhiều mặt hàng như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, dệt may, giày dép… Đây là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên dù khủng hoảng có xảy ra thì nhu cầu tiêu dùng sẽ không giảm nhiều, nhưng giá các hàng hóa nhiều khả năng sẽ giảm và như vậy sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của chúng ta.

Khủng hoảng kinh tế châu Âu làm hầu hết nhà nhập khẩu bị ảnh hưởng về dòng vốn, các ngân hàng thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp lớn bị hạ thấp định mức vay, đối với doanh nghiệp thuộc tốp nhỏ hơn thì bị ngưng.

Các doanh nghiệp nên thường xuyên rà soát lại công nợ, khách hàng và kiểm soát các điều khoản hợp đồng chặt hơn.

Nhiều nhận định cho thấy thị trường châu Âu khó có khả năng hồi phục trước quý 1 năm 2012.

PV: Hoa Kỳ là thị trường có nhu cầu nhập khẩu rất lớn những mặt hàng mà Việt Nam đang có tiềm năng và thế mạnh. Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể tình hình xuất khẩu hàng của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ trong năm qua?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hoa Kỳ nổi lên là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong năm 2010 kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 18 tỷ USD và năm 2011 lần đầu tiên dự kiến kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ vượt con số 20 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm thì trong vòng 5 năm tới khả năng con số này sẽ còn tăng gấp đôi, đạt 40 tỷ USD vào năm 2015, trong đó Việt Nam xuất siêu là chủ yếu.

Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn và tốc độ tăng trưởng cao như giày dép đạt 1,9 tỷ USD, tăng 37%; thủy sản đạt 1,16 tỷ USD tăng 24%; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 556 triệu USD, tăng 77%; phương tiện vận tải đạt 344 triệu USD, tăng 57%; hạt tiêu đạt 164 triệu USD, tăng 158%... Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng tăng trưởng thấp hoặc giảm so với năm 2010, cụ thể là: dệt may đạt trên 7 tỷ USD, tăng 14,2%; sản phẩm gỗ đạt 1,4 tỷ USD, giảm nhẹ 0,5%; máy tính, điện tử đạt 533 triệu USD, giảm 4,8%.

Dự kiến năm 2012, xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng, nhưng mức độ không cao như năm 2011.

PV: Trong khi khủng hoảng và suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ đang ngày càng có chiều hướng xấu, vai trò của thị trường này đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam được Bộ Công Thương đánh giá như thế nào? Các doanh nghiệp có nên chú trọng đến thị trường này như trước đây hay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ có suy giảm, nhưng nhu cầu này giảm đến một mức độ nào đó thì sẽ phục hồi lại.

Đối với xuất khẩu của chúng ta hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất (nếu tính theo nước). Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này luôn chiếm khoảng 19-20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước như dệt may chiếm 50%, sản phẩm gỗ chiếm 36%, giày dép chiếm 30%, hạt điều chiếm 29%, thủy sản chiếm 20%...

Có thể thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là quan hệ đặc biệt, không giống các thị trường khác, vì quan hệ thương mại giữa hai nước đã bị chi phối bởi những nhóm lợi ích của Hoa Kỳ và những nhóm lợi ích đó thường xuyên có xu hướng muốn ngăn cản hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Do đó quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ cần phải có những biện pháp chống lại những vụ kiện thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần quan tâm tốt tới bạn hàng, tham gia hội viên của các hiệp hội ngành hàng Mỹ để khi có xảy ra tranh chấp có nhiều người ủng hộ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng lưu tâm đến các thủ tục pháp lý, hàng rào kỹ thuật của thị trường Mỹ. Để cho hàng hóa của Việt Nam có chỗ đứng và phát triển được ở thị trường này, các doanh nghiệp cần sẵn sàng đáp ứng các thủ tục khắt khe của thị trường và cũng sẵn sàng tâm lý cho các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Để duy trì được tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp tốt với các cơ quan chính phủ vì các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng cần có sự hỗ trợ pháp lý của Nhà nước. Hơn nữa, các hoạt động xúc tiến thương mại phải chú trọng đến xây dựng quan hệ đối tác dài hạn với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối hàng Việt Nam ở thị trường nước ngoài cũng như tăng các hoạt động xúc tiến thương mại tại các bang và trung tâm thương mại lớn của Mỹ.

Trong bối cảnh khủng hoảng, doanh nghiệp cần nắm bắt được tình hình của thị trường này để có được những bước đi phù hợp, lựa chọn thời điểm thích hợp đẩy mạnh xuất khẩu hoặc đưa ra giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu này. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng có các giải pháp điều hành thị trường xuất nhập khẩu để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường và giảm thiểu rủi ro khi thị trường có biến động.

PV: Triển vọng đối với các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc trong năm 2012 được Bộ Công thương nhận định như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2012 tiếp tục tăng cao nhằm phục vụ việc khôi phục sản xuất và tái thiết vùng bị thiệt hại trong trận động đất, sóng thần năm 2011. Nhật Bản đang nới lỏng dần đối với những hàng hoá nhập khẩu mà nước này từng bảo hộ mạnh, như hàng nông sản. Cùng với đó, Nhật Bản cũng có xu hướng chuyển nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc sang hàng hoá của các nước khác, do sức cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc đã giảm so với trước vì giá lao động cao, những bê bối về chất lượng...

Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực từ tháng 10/2009. Trong 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, 84,6% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ dần được miễn thuế, tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất sang nước này, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản, đồ gỗ, dệt may và các mặt hàng công nghiệp khác.

Đối với Hàn Quốc, các mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có rau quả tươi, đã có mặt tại thị trường này. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với hàng tiêu dùng và thủy sản của Việt Nam cũng rất lớn. Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đang xúc tiến để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phở và bánh tráng vào Hàn Quốc.

PV: Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi tới các doanh nghiệp Việt Nam?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới, để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2012, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Đề xuất với Chính phủ các giải pháp, nhất là chính sách tài chính, tiền tệ để hỗ trợ thiết thực cho lĩnh vực quan trọng này. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu mới có lợi thế cạnh tranh, không bị hạn chế về thị trường xuất khẩu và sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu trong nước. Đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tổ chức hiệu quả, đồng bộ hoạt động thông tin, dự báo tình hình thị trường trong nước và thế giới để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và thâm nhập thị trường hiệu quả; tận dụng cơ hội từ các FTA.

Năm 2012 sẽ là một năm với nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin thế giới và trong nước, nắm bắt thời cơ, giải quyết các khó khăn, phản ánh kịp thời với các cơ quan Nhà nước những khó khăn ngoài tầm giải quyết của mình, phấn đấu đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh những thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cũng nên khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng mậu dịch biên giới. Hiện các thị trường sát nách như Lào, Campuchia, Trung Quốc đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, Việt Nam chưa tận dụng được hết tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này.

Bộ Công Thương tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2012./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên