Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ thành công viên mở, phá bỏ hàng rào
VOV.VN - Đề án quy hoạch khuôn viên Nhà hát Lớn thành công viên mở đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và dư luận.
Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ sẽ mời tư vấn nước ngoài để quy hoạch khuôn viên Nhà hát lớn, kết nối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia thành không gian văn hóa đặc biệt và xây dựng tour du lịch đến đây.
Nhà hát Lớn sẽ được quy hoạch thành công viên mở kết nối với Thư viện quốc gia và các công trình văn hóa lịch sử lân cận |
Theo đó, khuôn viên Nhà hát lớn sẽ được chỉnh trang, xóa bỏ hàng rào và quán cà phê bên trong để tạo công viên mở, kết nối với quảng trường cách mạng tháng 8, vườn hoa Cổ Tân, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Bộ sẽ tạo cơ chế để Nhà hát thành phố là điểm văn hóa đặc biệt, tránh thương mại hóa, thay vào đó, là nơi biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang tính đặc trưng Thủ đô và giàu bản sắc dân tộc.
“Nhà hát Lớn không phải là nơi cho những sô diễn chạy theo số đông. Bộ rất mong TP Hà Nội chung sức cùng quy hoạch, xây dựng nơi đây thành điểm văn hóa, du lịch hàng đầu của đất nước”, ông Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Trao đổi với PV VOV.VN, KTS Hoàng Thúc Hào, một trong những nhà kiến trúc từng có dự án quy hoạch không gian Hồ Gươm, Hà Nội cho hay, không nhất thiết phải thay đổi các chương trình ca nhạc mang tính giải trí vốn được khán giả yêu thích.
KTS Hoàng Thúc Hào. Ảnh: Hà Thành |
“Nhà hát Lớn và Bảo tàng lịch sử Quốc gia đều là di sản, biểu tượng của Hà Nội. Hai công trình này đều được trùng tu và bảo quản theo thời gian rất tốt. Là những di sản văn hóa, lịch sử của thủ đô thì phải để người dân và du khách đến đây có thể dễ dàng chiêm ngưỡng và khám phá. Nếu bỏ được hàng rào bên ngoài công trình Nhà hát Lớn thì rất tốt, bởi như thế sẽ đưa công trình đến gần hơn với người dân”, KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ.
Trả lời về việc Nhà hát Lớn sẽ chỉ tổ chức những chương trình ca nhạc mang tính đặc trưng Thủ đô và giàu bản sắc dân tộc để tránh việc bị thương mại hóa, KTS Hoàng Thúc Hào cho biết: “Nghệ thuật đỉnh cao thì rất tốt nhưng thử hỏi xem một năm chúng ta có được mấy chương trình như thế. Xã hội vẫn đang rất cần những show diễn ca nhạc mang tính giải trí. Quan trọng là tổ chức được những hoạt động phục vụ đông đảo người dân và thiết thực với đời sống, đáp ứng được nhu cầu của đủ mọi tầng lớp khán giả. Tôi không cho rằng Nhà hát Lớn đang chạy theo các chương trình thương mại. Những chương trình đó có chất lượng hay không chất lượng thuộc về trách nhiệm của những người có thẩm quyền”.
Khai mạc chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn
Cũng theo KTS Hoàng Thúc Hào, có 2 vấn đề trong việc quy hoạch không gian của Nhà hát Lớn. Ông nói: “Khoảng sân kiêm đảo giao thông phía trước công trình. Cần phải nghĩ thêm xem có thể kết hợp với bãi đỗ xe ngầm và giao thông tập thể. Từ bậc thềm ra đảo giao thông bị hẹp, làm giảm không gian thân thiện, giảm khả năng lưu lại của con người trên quãng trường đó. Thực tế, Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay chủ yếu làm nhiệm vụ giao thông. Ngoài ra, hai bên Nhà hát Lớn có hai vườn hoa, làm thế nào để kết nối các không gian này với nhau”.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến Trúc sư Việt Nam chia sẻ: “Ý tưởng quy hoạch Nhà hát Lớn thành công viên mở nối liền với Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được đưa ra từ mấy chục năm nay. Đây là một ý tưởng rất hay, lẽ ra các cơ quan chức năng nên thực hiện lâu rồi. Việc phá dỡ hàng rào quanh công trình này là đúng. Bởi hàng rào được người Pháp dựng lên vì ngày xưa, dưới thời thực dân Pháp, Nhà hát Lớn được xem là công trình của giới quý tộc. Vì thế người ta đã rào chắn như một giới hạn”.
PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến Trúc sư Việt Nam. Ảnh: TL |
PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông cho biết thêm: “Không nên lo ngại về vấn đề quản lý Nhà Hát Lớn sau khi phá bỏ hàng rào. Hiện nay, hệ thống công nghệ camera rất hiện đại. Đặt bất cứ chỗ nào cũng có thể xem được. Cả một quần thể Vịnh Hạ Long, Cát Bà lớn như thế, đoàn thám hiểm vẫn tìm ra nạn nhân đang ở đâu để cấp cứu cơ mà. Vậy thì, với công trình Nhà hát Lớn chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát bằng camera. Vấn đề là không nên làm mất tự do của du khách. Kể cả quán cà phê bên cạnh cũng không nên phá bỏ. Quán cà phê mới thể hiện nhịp sống của con người. Mấy chục hay một trăm năm sau, nếu hệ thống cà phê đó vẫn còn tồn tại được thì biết đâu chúng cũng trở thành một phần của di sản này”.
Trả lời về vấn đề Quy hoạch Nhà hát Lớn thành công viên mở, ông Nguyễn Thái Bình (Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL) cho biết: “Ý tưởng chỉnh trang khu vực Nhà hát Lớn thành không gian văn hóa đẹp nhất thành phố đã được lãnh đạo Hà Nội ủng hộ. Việc lựa chọn tư vấn thiết kế và lập đề án đang được tiến hành, phấn đấu hoàn thành trong năm nay, nguồn vốn dự kiến một phần từ ngân sách, một phần kêu gọi xã hội hóa".
Theo ông Nguyễn Thái Bình, vào Nhà hát Lớn không thể hát theo kiểu hàng chợ, hát bằng đĩa hay hát nhép. "Bộ không quá chú trọng tổ chức những chương trình nghệ thuật đỉnh cao mà chủ trương tổ chức những chương trình thiên về văn hóa truyền thống như chèo, tuồng, cải lương... Những chương trình nghệ thuật mang tính đặc trưng thủ đô Hà Nội cũng được chú trọng. hay những chương trình nghệ thuật mang tính hàn lâm như múa ba lê, âm nhạc thính phòng.... Quán cà phê trong khuôn viên Nhà hát Lớn hiện nay đang hạn chế khả năng tiếp cận công trình của người dân. Họ phải vào uống cà phê mới có thể nhìn Nhà hát Lớn từ phía này, vậy những người không có nhu cầu thưởng thức cà phê nhưng vẫn muốn ngắm nhìn công trình di sản lịch sử văn hóa này thì làm thế nào? Đây là một vấn đề bất cập mà đề án quy hoạch sẽ phải giải quyết", Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho hay./.
Dấu ấn văn hóa 2016: “Mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội
Nhà hát Lớn Hà Nội: Giấc mơ của sân khấu đỉnh cao