Bếp gas giả: Quản thế nào?

Theo thống kê sơ bộ, hiện có 60% hộ gia đình tại các thành phố lớn sử dụng bếp gas nhưng việc quản lý hoạt động mua bán, tàng trữ bếp gas giả lại nhiều bất cập.

Trong vòng 1 tháng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện và bắt giữ gần một chục vụ tàng trữ, vận chuyển bếp gas giả, với số lượng hàng nghìn bếp các loại. Bếp gas giả không chỉ móc túi người tiêu dùng, mà còn đe dọa cả tính mạng người dùng. 

Chất lượng không an toàn

Chị Giang ở khu tập thể Thành Công Hà Nội kể: “Có 2 người tự xưng là nhân viên của một hãng bếp gas khá nổi tiếng đến nhà tôi chào bán sản phẩm. Họ đưa ra một chiếc bếp gas đôi với giá chỉ có 250.000 đồng, kèm theo phiếu bảo hành. Thấy rẻ, tôi mua 1 chiếc dùng thử nhưng khi bật bếp, tôi thấy lửa phụt mạnh rồi tắt ngấm, theo đó là mùi khét lẹt. Bật đi, bật lại nhiều lần thì lửa không lên. Tôi mang bếp đến đại lý bảo hành thì nhân viên cho biết tôi mua phải bếp giả...”.

Không chỉ có chị Giang mà nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị Yến ở Đa Sỹ, Hà Đông cho biết: “Có một thanh niên đến quảng cáo sản phẩm bếp gas nhập từ Đức với giá khá rẻ, bảo hành 2 năm, lại kèm theo hàng khuyến mại nên tôi đã mua một bếp nhãn hiệu Golsun, mặt kính, trông rất đẹp mắt và có giấy tờ bảo hành đầy đủ dấu đỏ. Nhưng mới sử dụng được 1 tháng, mặt bếp bằng kính bỗng nhiên vỡ vụn, đến tìm đại lý bảo hành có ghi trong tờ giấy để đổi sản phẩm thì đó là địa chỉ ma”.

Anh Nguyễn Xuân Lẫm, một người từng trong nghề cho biết: Bếp gas giả thường có 2 loại: một là bóc tem nhập khẩu từ bếp thật dán sang bếp giả; hai là giả các linh kiện như mâm chia lửa, kính, bộ phận cảm ứng nhiệt... Thủ đoạn của những đối tượng làm giả, làm nhái bếp gas là mua một bếp gas chính hãng, sau đó mua các linh kiện sản xuất thủ công hoặc từ Trung Quốc rồi lắp ráp theo đúng mẫu bếp gas của hãng.

Ví dụ như mâm chia lửa của bếp, nếu là hàng chính hãng thì trên 300.000 đồng/chiếc, còn hàng sản xuất thủ công giá chỉ vài chục nghìn đồng/chiếc. Vì thế, giá thành những chiếc bếp gas giả chỉ trên dưới 200.000đ nhưng được bán ra thị trường với giá rất cao. Bên cạnh đó, độ an toàn của những bếp gas giả cũng không được đảm bảo. Người tiêu dùng nếu không có kiến thức về bếp gas sẽ không biết được bộ phận cảm ứng nhiệt, nên có thể mua phải bếp không có, hoặc có đầu cảm ứng nhiệt nhưng là đầu giả.

Nhập nhèm giá cả

Hầu hết các cửa hàng kinh doanh bếp gas ở Hà Nội đều không có bảng niêm yết giá sản phẩm. Bếp gas Rinnai 6 slim tại một công ty trên phố Kim Liên là 1.700.000 đồng, trong khi giá thị trường là 1.900.000 đồng. Cũng mẫu bếp này, tại một cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám thì được báo giá 1.400.000 đồng. Còn tại một cửa hàng khác tại quận Hoàn Kiếm thì được báo giá 1.260.000 đồng. Điều đáng nói là, trên thân những chiếc bếp này không có tem seri của sản phẩm, không tem hướng dẫn sử dụng sản phẩm nhưng vẫn được đóng vào bao bì mang các thương hiệu khá nổi tiếng như Paloma, Rinnai, Goldsun….

Theo các kỹ sư điện máy, chất lượng của đa số bếp gas hiện nay trên thị trường là “tiền nào của nấy”. Các loại bếp gas giá rẻ có thiết kế đơn giản, không có các tính năng ngắt gas tự động, mạch điều khiển bằng điện tử, bộ phận cảm ứng nhiệt… thường có khuyết tật về lắp ráp, bộ phận đánh lửa hay bị tụt, lỏng ốc khi dùng...

Quản thế nào?

Thời gian qua, một số cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển bếp gas giả đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý. Ngày 2/1/2009, tại số nhà 5/424 đường Láng, Hà Nội, QLTT  phối hợp với công an đã phát hiện và bắt giữ 1 vụ vận chuyển và tàng trữ bếp gas giả với số lượng lớn. QLTT đã lập biên bản và tạm giữ khoảng 400 bếp gas mang nhãn hiệu Rinnai, Goldsun...

Theo nhận định ban đầu, số bếp gas này không có chứng từ hóa đơn xuất xứ. Trong quá trình kiểm tra, ngoài giả nhãn mác, chất lượng bếp rất kém, do linh kiện lắp ráp đều nhập từ nước ngoài không rõ nguồn gốc. Đây cũng là nguyên nhân rất dễ gây cháy nổ.

Theo Chi cục QLTT Hà Nội, trong vòng 1 tháng, lực lượng QLTT đã phát hiện bắt giữ gần một chục vụ tàng trữ, vận chuyển bếp gas giả, với số lượng hàng nghìn bếp các loại. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn ngang nhiên bày bán các loại bếp gas siêu rẻ, không đảm bảo an toàn, có thể gây ra cháy nổ bất kỳ lúc nào...

Một chuyên viên quản lý thị trường cho biết: “Việc xử lý các trường hợp vi phạm không hề đơn giản khi lực lượng chức năng vừa mỏng lại vừa yếu. Việc phát hiện rất khó khăn trong khi phần lớn các cơ sở kinh doanh sẵn sàng tái phạm vì mức xử phạt quá nhẹ”. Một số vụ lực lượng QLTT phát hiện và xử lý nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ manh mún mà không có được giải pháp quản lý tổng thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên