Bộ trưởng Thăng: “Xe cháy nổ phải có người chịu trách nhiệm”

Ngành GTVT với chức năng quản lý nhà nước, sẽ “tiên phong” chịu trách nhiệm về các vụ cháy ô tô, xe máy từ năm 2012.

Chiều 3/1, trong buổi họp mặt với báo giới, ông Trịnh Ngọc Giao (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, trong thời gian 1 năm (từ tháng 12/2010 - 12/2011), riêng tại TP Hà Nội đã xảy ra 42 vụ cháy ô tô và xe máy. Chỉ tính riêng trong năm 2011, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy xe, trong đó có 50 vụ cháy xe ô tô, 39 vụ cháy xe máy (2 người chết, 2 người bị thương).

Trước tình hình đó, Cục Đăng kiểm đã có văn bản gửi Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) về việc giám định chặt chẽ, xác định nguyên nhân gây cháy để Cục có biện pháp xử lý. Đồng thời, Cục Đăng kiểm cũng yêu cầu các hãng xe tăng cường kiểm tra chất lượng xe sản xuất, lắp ráp, gửi báo cáo lên cục nhằm chi tiết hóa quá trình đăng kiểm phương tiện.

Về vụ cháy nổ xe máy tại Bắc Ninh, ông Giao cho biết: Theo phúc đáp từ phía cơ quan điều tra thì vụ việc có dấu hiệu hình sự. Tuy nhiên, cụ thể như thế nào thì còn phải đợi kết luận từ Viện Khoa học Hình sự.

Hiện trường của vụ cháy xe Honda trên cầu Chương Dương vào chiều 13/12

Ông Trịnh Ngọc Giao cũng đưa ra một số khuyến cáo, nhằm hạn chế tối đa tình trạng trên, trong đó điểm nhấn là tăng cường quản lý với các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô, xe máy. Đây sẽ là một trong những biện pháp làm giảm thiểu nguyên nhân cháy xe do sơ suất từ quá trình bảo dưỡng, sửa chữa xe.

Kết luận về vấn đề trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định: “Trong những vụ cháy nổ hiện vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm. Rõ ràng đã có khoảng trống về pháp luật”.

Về phần mình, Bộ trưởng quả quyết: “Từ 2012, đã cháy ô tô, xe máy là phải có người chịu trách nhiệm mà ngành GTVT với chức năng quản lý nhà nước thì phải chịu trách nhiệm, và cụ thể hơn là Cục Đăng kiểm. Theo đó, Cục này sẽ phải sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật xác định rõ: đăng ký, đăng kiểm, khi sản xuất phải như thế nào, khi vận hành phải như thế nào, ai là người kiểm soát…”.

Thống kê của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho thấy, nguyên nhân xe cháy nổ có dấu hiệu hình sự là 1 xe; cháy do chập điện là 5 xe; cháy do va chạm là 2 xe; xe cháy do hỏa hoạn để tại nơi trông giữ là 3 xe; cố ý đốt 1 xe; và xe cháy chưa rõ nguyên nhân là 31 xe.

Đối với ô tô cháy nổ do chập điện là 3 xe; xe cháy do va chạm là 2 xe; 4 xe cháy do ống xả tiếp xúc với vật dễ cháy; hỏa hoạn tại nơi trông giữ 14 xe; 2 xe cháy do nghi ngờ bị đốt; và cháy chưa rõ nguyên nhân là 25 xe. Trong số 50 xe ô tô bị cháy, có 35 xe sử dụng nguyên liệu là dầu Diezen (chiếm 70%) và ô tô chạy xăng bị cháy là 15 xe (chiếm 30%)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên