Cảnh báo nguy cơ máy ATM bị gắn chip trộm dữ liệu

Chủ thẻ nên tự bảo vệ mình bằng cách tìm những ATM đặt ở những nơi an toàn, có bảo vệ để tránh gặp rủi ro  

Trong thời gian gần đây trên địa bàn Thành phố Hà Nội xuất hiện tình trạng có máy rút tiền tự động ATM bị phát hiện có gắn chip ăn cắp thông tin chủ thẻ, điều này khiến nhiều người sử dụng thẻ đều tỏ ra lo ngại về tính an toàn của máy ATM. Trước tình trạng này, cơ quan chức năng đang điều tra truy bắt bọn tội phạm, và các ngân hàng cảnh báo người sử dụng thẻ phải luôn cảnh giác để tự bảo vệ mình.

Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ như hiện nay, việc sử dụng thẻ rút tiền tự động ATM trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, không ít chủ thẻ bày tỏ sự lo ngại về những rủi ro của tài khoản khi một số ngân hàng đã ra thông báo yêu cầu tạm khóa tài khoản và đề nghị chủ thẻ đến ngân hàng làm lại thẻ mới.

Mới đây vào ngày 10/11/2011, một chủ thẻ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong đã nhận được thông báo thẻ tạm thời phải khóa do có nguy cơ bị mất trộm thông tin khi giao dịch trên máy ATM trên phố Đại La – Quận Hoàng Mai – Hà Nội. Theo nhận định của các ngân hàng, rất có thể máy ATM này đã bị gắn thiết bị ăn cắp thông tin của chủ thẻ.

Ông Hoàng Ngọc Thuyết – Trưởng phòng thẻ - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong cho biết: “Loại tội phạm này không mới nhưng gần đây bùng phát mạnh trở lại do sự đa dạng và khởi sắc của dịch vụ thanh toán không tiền mặt Thông thường bọn tội phạm thường gắn chíp điện tử tại đầu đọc thẻ của cây ATM hoặc gắn camera chéo ở cây ATM để ăn cắp mật khẩu khi có thông tin tội phạm sẽ tạo ra thẻ ATM giả để ăn cắp tiền các thiết bị này tháo lắp rất dễ dàng. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng và ngân hàng.”

Theo các chuyên gia ngân hàng, tình trạng kẻ gian gắn thiết bị điện tử vào máy rút tiền tự động để từ đó lấy những dữ liệu của chủ thẻ như tên, mật khẩu truy cập đã có từ lâu. Thông thường, kẻ gian gắn loại chip cạnh khe nhét thẻ của máy, cùng một camera gắn xung quanh máy rút tiền để khi khách hàng thực hiện giao dịch sẽ lấy thông tin. Từ đó kẻ gian có thể dùng các dịch vụ khác của ngân hàng để ăn trộm tiền của chủ thẻ hoặc sao chép toàn bộ dữ liệu vào một thẻ giả để rút tiền.

Tuy nhiên thiết bị chip thường có kích thước khá lớn, nên nếu chủ thẻ quan sát kỹ máy, đặc biệt là khe cắm thẻ, quanh buồng máy trước khi thực hiện giao dịch sẽ khó bị rủi ro.

Ông Ngô Ngọc Đông – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam khuyến cáo: “Khách hàng nên thực hiện các giao dịch ở những địa điểm tin cậy. khi nhập mật khẩu khách hàng nên chú tâm để ý đến chuyện che dấu mật khẩu ví dụ như một tay nhập một tay che mật khẩu hoặc quay lưng vào để che mật khẩu đi. Khi đến các điểm giao dịch tranh thủ quan sát xem camera đặt tại ATM có hiện tượng chĩa vào bàn phím thì phải cảnh giác tốt hơn nữa là báo ngay với khách hàng để ngân hàng có biện pháp xử lý kịp thời.”

Ông Lê Hồng Phong – Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu Điện Liên Việt cho biết: để đối phó với tội phạm công nghệ cao tấn công thẻ ATM, Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt cũng triển khai những biện pháp như kiểm soát phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa điểm đặt cây ATM để đảm bảo an ninh và thường xuyên cắt cử người đi kiểm tra tại các cây rút tiền tự động nếu có phát hiện sự cố gì sẽ lập tức xử lý.

Ông Lê Hồng Phong cho biết, các cây ATM của ngân hàng được đặt ở những điểm thuận lợi, có hệ thống bảo vệ 24/24h cộng với hệ thống camera giám sát. Ngoài ra cũng có những biển quảng cáo chỉ dẫn đề phòng kẻ gian lợi dụng lấy mã số khi khách rút tiền để lấy trộm tiền.”

Mặc dù các ngân hàng khẳng định đã và đang triển khai những biện pháp để bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ rút tiền tại các cây ATM, nhưng theo nhiều chuyên gia, ngoài việc quan sát, cách tốt nhất là chủ thẻ nên tự bảo vệ mình bằng cách tìm những ATM đặt ở những nơi an toàn, có bảo vệ để tránh gặp rủi ro./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên