Chuyện kể về chiếc Micro

VOV.VN - Chiếc micro đã được dành một chỗ xứng đáng ở Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Đã 43 năm, kể từ  khi “Một Đài Tiếng nói Việt nam thu nhỏ” đi sơ tán cách Hà Nội hơn 600km. Chúng tôi sống với nhau rất chân tình, mặc dù xa gia đình. Ngoài công việc thường ngày của một Đài Phát Thanh, chúng tôi có những buổi sinh hoạt văn nghệ, những buổi ngồi nghe nhau “kể chuyện ngày xưa”… Tôi nhớ nhất buổi trò chuyện của ông Lê Quý – Phó Tổng Biên tập Đài TNVN, người phụ trách chính của Đoàn 59 – mật danh của chúng tôi lúc đó. Ông Quý kể chuyên về chiếc Micro mà Đài chúng ta dùng trong suốt 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là chiếc micro của Mỹ vào loại cực tốt. Nó được trang bị cho phi công trên chiếc máy bay ném bom B26, là “chiến lợi phẩm” mà ta thu được, sau đó đưa về Đài để sử dụng.

Ông Lê Quý (người đội mũ, mặc áo đen ở giữa).

Ông Lê Quý kể: “Những tháng cuối năm 1946, tình hình ở Thủ đô Hà Nội rất căng thẳng và ngày càng nghiêm trọng, những vụ lính Pháp gây rối ở ngay nội thành ngày càng nhiều, một bằng chứng cho thấy rõ dã tâm của thực dân Pháp muốn trở lại đô hộ nước ta. Chính phủ và Bác Hồ lúc đó nhận định cuộc đấu tranh vũ trang là không tránh khỏi nên đã chỉ thị cho Đài TNVN, trong khi vẫn còn được ở Hà Nội để đề phòng khả năng Đài phải rời Hà Nội lên chiến khu.

Thực hiện chủ trương đó, cuối tháng 11/1946, lãnh đạo Đài đã cử một đoàn cán bộ biên tập và kỹ thuật gồm 4 người mang theo một máy phát thanh sóng ngắn đi vào Thanh Hóa với ý định tìm địa điểm ở vùng rừng núi Bái Thượng – Hồi Xuân để xây dựng một đài dự phòng kháng chiến đầu tiên. Thanh Hóa chỉ cách Hà Nội 200km, mà hồi ấy vì đường xấu và bị cắt đoạn nên chúng tôi phải đi mất một đêm và hơn nửa ngày mới đến.

Khi đoàn vừa đến Tỉnh đội Thanh Hóa để trình bày nhiệm vụ của chúng tôi và yêu cầu địa phương giúp đỡ thì được các đồng chí trao một bức điện khẩn của Đài TNVN gửi cho đoàn, quyết định không xây dựng đài phát thanh dự phòng ở Thanh Hóa được và gọi chúng tôi về gấp Hà Nội để đưa máy phát thanh đi thẳng vào Chùa Trầm ở Mai Lĩnh, Hà Đông.

Khi từ biệt Tỉnh đội Thanh Hóa để trở về Hà Nội, các đồng chí cho biết trước đây trong chiến tranh, một đơn vị lính Nhật đóng cạnh cầu Hàm Rồng không xa đã bắn rơi một chiếc máy bay ném bom Mỹ kiểu B26. Khi quân dân tự vệ của ta tìm ra chỗ máy bay rơi thì có thu hồi được một số đồ vật trong đó có một cặp tai nghe và một micro của phi công để khi bay liên lạc với căn cứ ở mặt đất. Các đồng chí địa phương không biết dùng làm gì nên khi biết chúng tôi làm ở Đài, liền biếu cho đoàn để may ra có dùng được gì cho phát thanh chăng? Bác Nguyễn Cung, phụ trách kỹ thuật của đoàn khi xem kĩ thì thấy chiếc micro chỉ to gần bằng cái đồng hồ quả quít thôi, nhưng còn tốt, có thể dùng được.

Về đến chùa Trầm, anh em kĩ thuật cho chạy thử thì thấy đây là một chiếc micro có chất lượng cao, rất nhạy, có thể dùng cho phát thanh viên đọc được. Anh em bèn nghĩ cách lấy dây đồng dẹp uốn làm thành một khung hình vuông, bốn góc có lò xo để treo cái micro vào giữa khung và gắn cài khung có micro này vào một cái đế thấp để được trên bàn phát thanh viên. Chính cái micro đó đã theo Đài TNVN kháng chiến di chuyển trên mười địa điểm ở hầu hết các tỉnh Trung du và Việt Bắc, phục vụ đều đều cho các chương trình phát thanh của ta.

Cũng xin nói thêm về chất lượng và độ nhạy của chiếc micro kháng chiến đầu tiên này: Vì đài phát thanh phải di chuyển nhiều nên các phòng bá âm cho phát thanh viên đọc thường phải xây dựng theo kiểu dã chiến, với vật liệu sẵn có ở địa phương: mái tranh, tường bằng nứa đan trát một lớp bùn trộn với rơm, cửa ra vào che một bức màn, và thường chọn một chỗ kín đáo ở dưới một bóng cây to để tránh máy bay địch phát hiện.

Tất nhiên ở đây không thể nói đến những tiêu chuẩn cách âm tuyệt đối được. Ở các tỉnh Việt Bắc mùa đông, mặt trời lên muộn, hàng ngày 6; 7h sáng sương mù còn dày đặc và trời mới lờ mờ sáng thôi. Cho nên các buổi phát thanh sáng của Đài TNVN vào lúc 6h, thính giả thường được nghe tiếng gà rừng  gáy, lọt vào đệm nhẹ cho tiếng phát thanh viên.

Khi Đài kháng chiến đặt ở vùng Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn), phòng bá âm được cất dưới bóng một cây sấu to. Đến mùa sấu chín, thính giả  đều được nghe tiếng bầy khỉ kêu chí chóe khi tranh nhau ăn quả sấu. Cả tiếng gà rừng và tiếng khỉ đều lọt vào phòng bá âm dã chiến, qua micro để lên sóng phát thanh. Chắc trên thế giới ít có đài phát thanh nào lại có thứ âm thanh làm nền độc đáo như vậy. Sau này, khi tôi kể lại cho các đồng nghiệp ngoại quốc nghe, họ rất thán phục về chi tiết này.

Khi “truy” lại thì thấy chiếc micro của Đài TNVN trong kháng chiến chống Pháp này có lí lịch khá lí thú: đồ của Mỹ sản xuất để trang bị cho máy bay quân sự Mỹ, bị lính Nhật bắn rơi ở Việt Nam lại được phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của ta. Và nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt hơn tám năm cho đến khi Đài TNVN về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tháng 10/1954. Hiện nay, theo anh em kĩ thuật cũ còn lại cho biết thì chiếc micro đó đã được dành một chỗ xứng đáng ở Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam…/.

Ông Lê Quý hiện vẫn còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh, cách đây đã 43 năm tôi không thể quên. Qua câu chuyện, ta thêm yêu các đồng nghiệp ngày xưa và tự hào về họ, về ngành Phát thanh. Nhân 70 năm ngày thành lập Đài TNVN (7/9/1945 – 2015) tôi ghi lại để tặng ông Lê Quý và để anh chị em “Nhà Đài” cùng các bạn yêu Đài nhớ về thuở ấy mà chiêm nghiệm, mà suy ngẫm giữa ngày vui hôm nay.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

VOV.VN gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN
VOV.VN gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN

VOV.VN - Báo điện tử VOV vừa tổ chức chương trình gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Đài quốc gia và tri ân các cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, đối tác và bạn đọc đã góp phần tạo nên thành công của VOV.VN.

VOV.VN gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN

VOV.VN gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN

VOV.VN - Báo điện tử VOV vừa tổ chức chương trình gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Đài quốc gia và tri ân các cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, đối tác và bạn đọc đã góp phần tạo nên thành công của VOV.VN.

Tâm sự của một người thủy chung đến cùng với Đài TNVN
Tâm sự của một người thủy chung đến cùng với Đài TNVN

VOV.VN - Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của thính giả Nguyễn Chí Diễn - một người thường xuyên nghe Đài TNVN.

Tâm sự của một người thủy chung đến cùng với Đài TNVN

Tâm sự của một người thủy chung đến cùng với Đài TNVN

VOV.VN - Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của thính giả Nguyễn Chí Diễn - một người thường xuyên nghe Đài TNVN.

“Lắng tiếng quê hương”-Bài hát đầu tiên về Đài TNVN
“Lắng tiếng quê hương”-Bài hát đầu tiên về Đài TNVN

VOV.VN -Bài hát “Lắng tiếng quê hương” đã nói hộ nỗi lòng của chúng tôi và chắc là của cả chúng ta khi xa đất nước.

“Lắng tiếng quê hương”-Bài hát đầu tiên về Đài TNVN

“Lắng tiếng quê hương”-Bài hát đầu tiên về Đài TNVN

VOV.VN -Bài hát “Lắng tiếng quê hương” đã nói hộ nỗi lòng của chúng tôi và chắc là của cả chúng ta khi xa đất nước.