Đà Lạt: Ai giết những cây thông ở Hang Cọp?

Chừng một năm nay, hơn 100 cây thông gần 50 tuổi ở khu vực Hang Cọp (tiểu khu 153), xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã bị quật ngã, xẻ thịt trắng trợn.

Thủ phạm là ai? Đương nhiên là lâm tặc? Nhưng lâm tặc là ai thì chưa có câu trả lời. Thông đã bị chặt, gỗ đã bị tẩu tán, mà chủ rừng vẫn bình chân như vại, và vẫn vô can. Điều này khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Xuân Thọ được mệnh danh là “xã thông” của thành phố Đà Lạt. 80% trong số 6.000 ha đất tự nhiên của xã là rừng thông. Cây thông ở Xuân Thọ đã làm nên thương hiệu thông Đà Lạt. Trong tổng số 1.300 ha thông làm bộ giống ở Lâm Đồng, có đến 1.000 ha ở Xuân Thọ được tuyển chọn. Nhưng lâm tặc thì chỉ cần biết rằng: thông là gỗ!

Ông Ngô Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ tỏ ra dè dặt khi chúng tôi đặt vấn đề việc 119 cây thông bị lâm tặc đốn hạ tại tiểu khu 153, trong đó, 10 cây, gốc vẫn còn ứa nhựa. Ông Dũng cho rằng, do thị trường đang có nhu cầu lớn về gỗ thông, và bởi những lý do xưa nay vẫn rất dễ để vin vào là lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng, lại đang vào mùa mưa công tác tuần tra khó khăn, nên khi phát hiện vụ việc thì chỉ còn lại gốc cây và mùn cưa!

Nhưng những cây thông ở tiểu khu 153 đâu chỉ bị chặt hạ trong một ngày, một tuần? Có cây đã bị đốn cách đây cả năm, có cây cách đây vài tháng, cũng có cây gốc còn đang ứa nhựa. Điều này chứng tỏ, việc cưa trộm nhựa thông đã kéo dài và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nếu quả thực chủ rừng không tiếp tay cho lâm tặc, liệu có sự bưng bít, giấu giếm? Ông Dũng lý giải thế này: “Chúng tôi xác định rằng chính quyền, kiểm lâm địa bàn cũng như của công ty giống trong thời gian qua đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Về trách nhiệm của chính quyền chúng tôi thấy có một phần sai sót trong quá trình điều hành chỉ đạo, kiểm tra giám sát thiếu thường xuyên. Từ đó đã xảy ra hậu quả là khai thác rừng thông trái phép tiểu khu 153”.

Một thực tế là, rừng thông thuộc địa bàn Xuân Thọ, nhưng người dân và chính quyền xã không hề được hưởng lợi từ rừng. Đây phải chăng là mấu chốt của việc mất rừng?

Đơn vị chủ rừng là Công ty Cổ phần giống Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên. Trước kia là đơn vị hoạt động công ích. Năm 2007, đơn vị này chuyển thành Công ty Cổ phần. Ông Nguyễn Thành Chương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên nói rằng, do chuyển sang cổ phần hóa, mọi chi phí hoạt động đều phải tự cân đối, dẫn đến ngân sách để đầu tư cho cho công tác quản lý và bảo vệ rừng quá hạn hẹp. Mặt khác, sau khi cổ phần, nhiều cán bộ quản lý bảo vệ rừng có kinh nghiệm đã nghỉ việc.

Khi trả lời câu hỏi của chúng tôi: - Vì sao Công ty không giao khoán rừng cho người dân sống ven rừng quản lý, bảo vệ? Ông Chương biện bạch: “Diện tích này cho đến bây giờ là diện tích rừng giống, không thể dùng diện tích rừng giống mà xé lẻ ra giao khoán cho người dân. Nhưng trong thời gian tới chúng tôi sẽ giao đất, giao rừng cho người dân. Trước tiên là thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, làm thí điểm tại tỉnh Lâm Đồng. Tức là mỗi hộ gắn chặt với nghề rừng, và mỗi hộ sẽ được giao đất không quá 30 ha rừng, và giao trên cơ sở giới thiệu của chính quyền thôn, xã”.

Trong buổi làm việc gần đây với phóng viên Đài TNVN về vụ khai thác gỗ thông trái phép tại tiểu khu 153, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Lạt khẳng định: Đây là vụ phá rừng có tính chất tổ chức cao nên cần khởi tố vụ án. Theo ông Đông, quá trình khai thác thông ở đây được tiến hành công khai, trắng trợn giữa thanh thiên bạch nhật. Sự việc diễn ra trong một thời gian dài thì hà cớ gì các cơ quan chức năng và chủ rừng lại không hề hay biết?

Mặt khác, công tác bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần giống Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên phải được chấn chỉnh. Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông cho rằng: “Qua đây tôi cũng đặt vấn đề là cần phải xem lại về mặt trình độ, năng lực quản lý của các chủ rừng hiện nay, có đủ sức, có đủ mô hình để làm công tác quản lý bảo vệ rừng hay không? Ví dụ, một đơn vị quản lý rừng trên 5.000 ha mà chỉ có 8 bảo vệ thì liệu có quản lý nổi hay không? Cho nên phải xem lại năng lực của họ, xem lại phương thức về công tác phối hợp giữa chủ rừng với cơ quan chức năng, với chính quyền địa phương. Ba bộ phận này không thể tách rời được”.

Thành ủy Đà Lạt đã chỉ đạo cơ quan Kiểm lâm và Công an thành phố khởi tố vụ án phá rừng thông ở hang Cọp, tiểu khu 153 trên địa bàn xã Xuân Thọ. Một quyết định đúng đắn, cần thiết, dù hơi muộn. Thế nhưng, sau quyết định này, vấn đề quan trọng là rừng thông phải được bảo vệ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên