Hà Nội đang đẹp lên từng ngày

Trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đều có chung cảm nhận hãnh diện và tự hào về Thủ đô ngàn năm tuổi, với bề dày truyền thống đấu tranh anh dũng và nét đẹp văn hoá đặc trưng  

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội là sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội lớn đối với người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Thông qua Đại lễ, người dân trong nước và khách quốc tế sẽ hiểu hơn về Việt Nam - đất nước anh hùng và một Thủ đô Hà Nội “Vì hoà bình”.

Công tác chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đang được hoàn tất

Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại hơn

Để chuẩn bị cho các hoạt động trong chuỗi ngày diễn ra Đại lễ, Tiến sĩ Chu Ngọc Lâm, Giám đốc Thư viện Hà Nội cùng nhiều cán bộ, nhân viên khác đã sưu tầm, khai thác rất nhiều tài liệu, tranh ảnh, sách báo để phục vụ độc giả Thủ đô. Mỗi ngày, từ 8h sáng cho đến 20h, Thư viện Hà Nội đón khoảng từ 1.000-1.500 độc giả. Công tác phục vụ bạn đọc tuy vất vả nhưng ai cũng đều rất vui vì đã góp công sức nhỏ bé của mình để giúp bạn đọc có thêm tri thức về thành phố 1.000 năm tuổi.

Là người nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá đã lâu và sống ở Thủ đô 30 năm nay, Tiến sĩ Chu Ngọc Lâm nhớ rất rõ về Hà Nội những năm chiến tranh. “Qua sách báo và tư liệu cũng như sinh sống ở Hà Nội, tôi thấy nhà của người dân từ xưa lợp toàn gạch đỏ rêu phong, công trình kiến trúc mang đệm nét cổ kính của thời Pháp thuộc, đường phố vắng vẻ và không nhiều cửa hàng như vây giờ.

Tiến sĩ Chu Ngọc Lâm

Cứ 5 giờ sáng lại nghe thấy tiếng chuông nhà thờ, thỉnh thoảng trên các con phố, ngõ hẻm lại vang lên tiếng leng keng phát ra từ chiếc xích lô. Nhớ vô cùng tiếng rao bán bánh mỳ và bánh khúc nóng lúc đêm đông. Cái cảm giác se lạnh khi thu sang và mùi hoa sữa thơm ngào ngạt ở từng góc phố Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo…” – Tiến sĩ Chu Ngọc Lâm nhớ lại.

“Ngày nay, Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại hơn với nhiều công trình xây dựng, nhà ở cao tầng, đường sá, công trình giao thông được mở rộng. Kinh tế và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tôi đã có dịp đi nước ngoài nhiều lần và bạn bè quốc tế đều nói rằng: Việt Nam được biết đến với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; Hà Nội là thành phố “Vì hoà bình”. Thật sự trong tâm trí tôi cảm thấy rất hãnh diện, tự hào và xốn xang khó tả.

Nếu như người dân biết trân trọng giữ gìn những nét văn hoá truyền thống, đặc trưng của người Hà Nội kết hợp với sự phát triển của Thủ đô trong thời đại mới thì Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ hoàn thiện hơn” - Tiến sĩ Chu Ngọc Lâm tâm sự.

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội thực sự là một dấu ấn trọng đại

Bác Lê Văn Mai, 78 tuổi, sống ở phường Tràng Tiền, đã sống ở Hà Nội từ năm 1954. Bác Mai nhận xét: Trong 15 năm gần đây, Hà Nội có nhiều thay đổi lớn, cơ sở hạ tầng ngày được cải thiện, nhiều nhà cao tầng được xây dựng. Đặc biệt, Thủ đô ngày càng được mở rộng, quy hoạch thành một thành phố xanh, sạch, đẹp.

Bác Lê Văn Mai

Khi nói về người Hà Nội, bác Mai nhận xét “người Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp thanh lịch, dịu dàng. Nhưng lối sống kinh tế thị trường cũng khiến cuộc sống của người Hà Nội trở nên sôi động và hối hả hơn”.

Đối với bác Mai, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội thực sự là một dấu ấn trọng đại của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung. Mỗi ngày đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm, bác lại thấy có nhiều đổi thay. Phố phường thì khang trang, sạch đẹp, những ngôi nhà cũng được sơn lại tạo nên sự nổi bật cho cả tuyến phố.

Tuy đã nhiều tuổi nhưng bác Mai ngày nào cũng mong tới ngày Đại lễ để được hoà cùng người dân cả nước chào đón Thủ đô tròn 1.000 năm tuổi. Bác Mai mong muốn đất nước ngày một phát triển, bền vững và đời sống người dân cũng ngày được nâng cao.

Nơi hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo

Không chỉ có những người cao tuổi mong đợi đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, mà cả những bạn trẻ cũng đang háo hức với các hoạt động diễn ra trong dịp này.

Bạn Nguyễn Phương Dung

Bạn Nguyễn Phương Dung, sinh viên năm cuối khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội là một sinh viên ngoại tỉnh đã sống và học tập ở Hà Nội được 5 năm. Hà Nội đã để lại trong bạn rất nhiều ấn tượng. Với Phương Dung, Hà Nội là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo, nhưng có lẽ điều cuốn hút nhất là cách sống của Hà Nội, mang vẻ thanh lịch, dịu dàng. Đặc biệt là sắc Thu ở Hà Nội với mùi hoa sữa nồng nàn, nó khác biệt so với khí thu ở nhiều tỉnh, thành khác.

Phương Dung nhận xét: “Trong những ngày này, đi tới đâu em cũng cảm thấy được không khí háo hức, tưng bừng trong công tác chuẩn bị các hoạt động chào mừng Đại lễ. Các tuyến đường đều được trang trí rất bắt mắt, khang trang và sạch đẹp hơn. Những băng-rôn, khẩu hiểu trên các tuyến phố góp phần vào việc tạo cho không khí của Hà Nội thêm nhộn nhịp”.

Đặc biệt là khu vực hồ Hoàn kiếm, Phương Dung luôn bị cuốn hút bởi các hình cây, hoa được trang trí cẩn thận và kỹ lưỡng. Là một thế hệ của tương lai, Phương Dung luôn mong muốn đất nước ngày càng phát triển, văn minh và hiện đại hơn.

Góp phần làm đẹp hơn cho Thủ đô yêu quý

Chị Nguyễn Thị Hồng Phiến, công nhân bậc 7 thuộc tổ 2, tổ trọng điểm của Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội đang chăm sóc những ô hoa, cây cảnh bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Vừa cắt tỉa những bông hoa ngũ sắc, chị cho biết đã có 27 năm trong nghề trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh cho thành phố.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phiến

Hàng ngày, mọi người trong tổ của chị chia nhau làm việc tại khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm với các công việc thường lệ: Trồng cỏ, cây, hoa, vun xới, tưới nước, cắt tỉa từng nhánh cỏ, cành hoa, chỉnh trang, ghép hình hoa nghệ thuật… Chị rất vui và cho biết rất yêu thích công việc này bởi nó làm đẹp cho Thủ đô và có ý nghĩa rất lớn đối với Hà Nội không chỉ trong dịp Đại lễ mà trong mọi ngày thường nhật.

Công việc tuy vất vả, nhưng được góp phần làm đẹp cho Thủ đô nên không chỉ riêng chị mà tất cả các thành viên, các tổ, đội trong công ty đều vui vẻ, nhiệt tình, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, bám sát khu vực mình phụ trách, góp phần cho thành công của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Về sự kiện lịch sử 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, chị vô cùng háo hức và phấn khởi: “Tôi thấy Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại và đông đúc, đời sống vật chất phát triển, nên nhu cầu thưởng thức văn hoá tinh thần của người dân cũng tăng cao. Chúng tôi luôn gắn bó với nghề, với cỏ, cây hoa lá, làm đẹp hơn cho đời, cho Thủ đô yêu quý”.

Thành phố của mình đang đẹp lên rất nhiều

Ông Bùi Văn Thành

Ông Bùi Văn Thành, 69 tuổi, hội viên Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đam mê nhiếp ảnh từ nhỏ. Trong hơn 10 năm trở lại đây, ông Thành được kết nạp là hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, cầm máy chuyên nghiệp săn tìm những khoảnh khắc đẹp trên mọi miền của Tổ quốc. Là người Hà Nội, từng đi nhiều nơi, đã có biết bao nhiêu khoảnh khắc, sự kiện, con người và vùng đất được ống kính của nhà nhiếp ảnh này ghi lại.

Khi được hỏi về cảm xúc trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, ông Thành bộc bạch: “Chứng kiến sự đổi thay hàng ngày của Hà Nội, tôi thấy thành phố của mình đang đẹp lên rất nhiều. Từng góc phố, con đường, những con người hàng ngày mà tôi tiếp xúc đều có những nét rất riêng Hà Nội, mang tầm vóc của một Thủ đô văn minh, hiện đại”.

Hướng tới Đại lễ là hướng tới khoảnh khắc của 1.000 năm lịch sử. Sự kiện này càng nâng cao vai trò cũng như vị thế của Hà Nội, của Việt Nam với bạn bè trên thế giới, qua đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của mỗi người dành cho Thủ đô thân yêu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên