Hà Nội lại xuất hiện bọ xít đốt người

Nhiều người dân lo lắng về sự xuất hiện của loài bọ này nhưng các cơ quan chuyên môn vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để diệt trừ.

Gần đây, ở một số quận của thành phố Hà Nội, như: Hà Đông, Thanh Xuân, Gia Lâm lại xuất hiện tình trạng một số người bị bọ xít đốt sưng tấy phải đến bệnh viện điều trị.

Trong một tuần qua, anh Nguyễn Văn Lệnh, thuê ở số nhà 36, ngách 26+27, dốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội bị bọ xít hút máu tấn công 2 lần và đều phải đi bệnh viện vì thấy đau rát, ngứa ngáy toàn thân. Đêm qua (14/7), khi phát hiện bị bọ xít đốt, anh Lệnh bật sáng điện thấy con bọ vẫn nằm trên màn, ngay gần cánh tay của mình. Để xác định là loài bọ xít hút máu người, anh Lệnh bắt con bọ xít cho vào chai và tới Bệnh viện 354 để khám vì người có triệu chứng nóng sốt, vết bọ xít đốt bị sưng tấy.

Còn bà Ngô Thị Yến, chủ nhà số nhà 36, ngách 26+27 – nơi anh Nguyễn Văn Lệnh thuê trọ thì cho biết: “Bọ xít đốt người về đêm, chỗ bị đốt thì sưng tấy, cứng đỏ lên. Khi bị đốt đem đi tiêm thì nó sẽ dịu ngay, nhưng nếu không tiêm thì nó còn đau đến 1 hoặc 2 ngày. Tôi cũng có đem con bọ này lên y tế phường thì được trả lời là không biết con này. Tôi rất hoang mang vì không biết như thế nào, trong khi nhà lại có con nhỏ”.

Loài bọ xít hút máu thường trú ngụ tại những nơi chật hẹp, ẩm thấp. Như tại khu vực dốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội, có rất nhiều nhà trọ giá rẻ với cảnh chật chội, đông người ở và không đảm bảo vệ sinh. Bởi vậy, đây rất có thể là môi trường thích hợp cho bọ xít hút máu người ẩn nấp và phát triển.

Các cá thể bọ xít phát hiện trong thời gian gần đây vẫn là loài bọ xít được phát hiện trong năm ngoái. Tuy nhiên, khả năng tấn công con người của chúng dường như tăng lên, có tính chất nguy hiểm hơn vì chúng dạn người hơn.

Theo Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng Phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thì chưa có cơ sở để khẳng định bọ xít hút máu thời điểm này "độc" hơn nên gây sưng tấy, mà phần lớn là do người dân nhận thức tốt hơn về vấn đề bị bọ xít hút máu (cũng như với nhiều loại côn trùng khác), bị đốt thì tới trung tâm y tế để khám, hoặc thông báo cho cơ quan chuyên môn.

Tiến sĩ Trương Xuân Lam cho biết: “Đến nay chưa có một loại thuốc nào để loại trừ bọ xít hút máu, nên trong thời gian tới tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc để có khuyến cáo cho bà con dùng loại thuốc nào đó diệt ấu trùng, trứng của bọ xít. Tuy nhiên vẫn khuyến cáo với gia đình nếu bọ xít bay vào nhà khoảng 3- 4 con thì có thể dùng phương pháp thủ công để bắt. Những hộ nào phát hiện có số lượng ổ lớn thì nên báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, tránh phát tán ra diện rộng”.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu cần ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào màn đốt người. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, phun diệt bằng các sản phẩm hóa chất diệt côn trùng đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành nếu phát hiện thấy bọ xít. Khi bị bọ xít đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tránh không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng./.

Các tin, bài đã đăng:

  • Việt Nam chưa có loài bọ xít lây truyền bệnh cho người 

  • Bọ xít hút máu xuất hiện tại Thừa Thiên Huế 

  • Bọ xít hút máu sinh sản nhanh 

  • Ký sinh trùng ở bọ xít hút máu người lây nhiễm sang chuột

  • Bọ xít hút máu nguy hiểm đến thế nào?

  • Tiêu diệt hoàn toàn ổ bọ xít hút máu người 

  • Tìm thấy ổ bọ xít hút máu người hơn 200 con  

  • Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên