Khi những mùa hoa bị nát dưới chân giày

VOV.VN -Đã có rất nhiều bức ảnh đẹp về những mùa hoa được chia sẻ, nhưng hỏi mấy ai biết “xót ruột” vì những mùa hoa bị nát dưới chân giày?

Chưa năm nào, những mùa hoa bị dẫm nát và câu chuyện ý thức lại có sức nóng dai dẳng như năm nay. Khi những bông hoa tam giác mạch ở Hà Giang vừa tàn cũng là lúc người ta đổ xô đến cánh đồng hướng dương ở Nghệ An, dã quỳ ở Mộc Châu hay cúc họa mi ở Quảng Bá (Hà Nội) với mong muốn chụp cho được những bức ảnh thật đẹp. Mạng xã hội tràn ngập ảnh hoa và người với lời lẽ thiết tha mê mải để rồi sau đó, những gì còn lại chỉ là những mùa hoa nát dưới chân giày. 

Gần đây nhất, người chủ vườn hoa Tam giác mạch ở Hồ Tây Hà Nội đã phải cay đắng quyết định đóng cửa vườn hoa này chỉ sau một ngày mở cửa miễn phí chỉ vì những bông hoa tam giác mạch đã bị người dân Thủ đô giẫm nát. Tại sao những hành động vô ý thức này cứ được lặp đi lặp lại như vậy? Phải chăng bên cạnh ý thức là trách nhiệm, quy định của những nhà quản lý, những đơn vị tổ chức còn quá lỏng lẻo?

Xót xa, đó là cảm giác của anh Bùi Mạnh Hiếu - chủ thung lũng hoa Hồ Tây (Tây Hồ, Hà Nội) khi được hỏi về câu chuyện đóng cửa vườn hoa tam giác mạch ở Hồ Tây để sửa chữa và thay thế những luống hoa bị nát. Theo anh Hiếu, ý tưởng trồng hoa tam giác mạch ở Hà Nội được anh thực hiện sau một chuyến đi Hà Giang. Được tận mắt ngắm vẻ đẹp của loài hoa núi rừng này, anh Hiếu đã mang hạt giống về gieo trồng ở thung lũng hoa của mình.
  
Hơn 2 hecta hoa tam giác mạch trông khá xơ xác, nhiều khu vực bị tàn phá. Ảnh Dân trí.

Gần 2 tạ hạt giống được anh Hiếu mang về gieo trên diện tích 2ha ở thung lũng hoa Hồ Tây. Khi tam giác mạch vào thời kì nở rộ, anh Hiếu quyết định mở cửa miễn phí để chào đón du khách đến với thung lũng hoa của mình. Thế nhưng chỉ trong vòng nửa ngày sau khi mở cửa, những khóm tam giác mạch đã bị “nát dưới chân giày”. Người ta chen nhau, trèo qua tường để vào, giẫm đạp lên cây cối, đè lên hoa để chụp ảnh…bất chấp sự nhắc nhở, cảnh cáo của lực lượng bảo vệ. Cảnh tượng này khiến nhiều người hốt hoảng nhớ tới cảnh tượng quá tải khi công viên nước miễn phí vào mùa hè vừa rồi, bạn Nguyễn Thu An, người có mặt tại công viên Hồ Tây hôm đó nhớ lại. 

Còn ở Nghệ An, cánh đồng hoa hướng dương đang vào độ rực rỡ nhất. Lượng người đổ về đây ngày càng đông. Theo ghi nhận của người dân thì có ngày lên tới hàng nghìn người. “Nhiều lúc người còn nhiều hơn cả hoa. Họ đến rồi đi ầm ĩ, bỏ lại bao nhiêu rác rưởi”, ông Hồ Văn Hậu, một người dân trong vùng cho biết.

Câu chuyện ý thức có lẽ là câu chuyện được bàn nhiều nhất cũng như dai dẳng nhất trong năm nay. Thế nhưng dường như nó vẫn luôn là chưa đủ mỗi khi đâu đó xuất hiện một điểm du lịch mới hay một mùa hoa lạ. 

Nhu cầu được khám phá, được tận hưởng là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Tuy nhiên, khi mà ý thức vẫn là câu chuyện dài ở tương lai, thì phải chăng những nhà tổ chức hoặc những đơn vị chức năng nên có những quy định kiên quyết hơn nữa với những hành vi kém văn hóa như vậy. 

Còn nhớ, rất nhiều khách du lịch đã lên tiếng phàn nàn về việc các chủ vườn tam giác mạch ở Hà Giang thu phí khách vào chụp ảnh. Mức tiền tuy không cao, nhưng nhiều người cho rằng làm mất đi hình ảnh thân thiện của người dân vùng cao. Thế nhưng, ở góc độ khác thì lệ phí đó là cần thiết để du khách có trách nhiệm hơn với hành động của mình. 

Gần đây nhất, chủ nhân của nhiều vườn cải trắng ở xã Tutra, huyện Đơn Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng cũng đã quyết định thu phí thăm quan chụp ảnh đối với du khách muốn chụp ảnh cũng như kiên quyết phạt tiền nếu phát hiện ai làm nát hoa, vì trước đó nhiều luống cải đã bị gẫy rạp dưới chân giày. 

Khi ý thức là câu chuyện còn xa ngái thì thiết chế là điều cần thiết. Và khi chưa có đủ thiết chế thì việc những người nông dân tự đưa ra quy định riêng đối với tài sản của mình là một việc làm hợp lẽ. Lòng tốt miễn phí, nhưng khi lòng tốt đó bị tổn thương thì cần phải xem xét lại. 
Gần đây cư dân mạng lại xôn xao khi một nhóm thanh niên đã có hành vi phá vườn hoa hướng dương tại tỉnh Nghệ An rồi quay lại clip tung lên mạng. Hành vi đáng lên án này nhận được nhiều chỉ trích từ xã hội. Có người cho rằng cần tìm ra đối tượng để phạt vì tội phá hoại. Thế nhưng cũng có nhiều người cho rằng hoa hướng dương này trồng chỉ để cho bò ăn, phạt cũng là hơi quá. Vâng, với suy nghĩ này thì có lẽ rất nhiều nơi trên đất nước này vốn dĩ rất đẹp, nơi có những vườn hoa thiên nhiên, những bãi biển cát trắng nắng vàng long lanh sẽ bị phá nát bởi rác rưởi và sự vô ý thức của một bộ phận người dân. Và rồi du lịch Việt Nam sẽ đi đâu về đâu? 
Hà Nội mùa này đang có cúc họa mi. Những vườn cúc trắng mê mải trong nắng cũng là lựa chọn của nhiều người dân để có những bức ảnh đẹp. Thế nhưng, rất nhiều chủ nhân của những vườn cúc ở Quảng Bá, Nhật Tân đã từ chối không cho khách vào chụp ảnh dù được trả bao nhiêu tiền. Họ bảo: “Nhìn những cành hoa bị gẫy, những bông hoa bị rụng, xót ruột lắm”. Vâng, đã có rất nhiều bức ảnh đẹp về những mùa hoa được chia sẻ, nhưng hỏi mấy ai biết “xót ruột” vì những mùa hoa bị nát dưới chân giày?
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên