Khôi phục hát bài chòi miền Bắc

Việc phục hồi này là ước mơ của nhiều nghệ sĩ tiền bối của nghệ thuật bài chòi suốt ba mươi năm qua

GS. Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam - nơi được giao nhiệm vụ phục hồi nghệ thuật bài chòi miền Bắc cho biết, sẽ có một liên hoan bài chòi quy mô toàn quốc tổ chức tại thành phố Quy Nhơn vào đầu năm 2011. Tiếp đó, sẽ lập hồ sơ trình UNESCO công nhận "bài chòi" là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bài chòi “sống” chủ yếu ở Liên Khu V tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Ở Liên khu V, bài chòi hoạt động theo hình thức dân gian được nhiều người yêu thích. Bài chòi thu hút người chơi bởi nghệ thuật “hô” như hát, đòi hỏi người hát ngoài có chất giọng, năng khiếu, còn phải có sự am hiểu về văn hóa của cộng đồng người dân nơi đây. Hơn nữa, bài chòi có tính hài hước nên khiến nhiều người xem thích thú.

Một cảnh trong vở “Thoại Khanh – Châu Tuấn”

Dù đã ra đời rất lâu nhưng hát bài chòi chưa bao giờ lên sân khấu hiện đại như nghệ thuật tuồng, cải lương mà chỉ diễn xướng trong dân gian. Hát bài chòi không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, những cư dân Hội An (Quảng Nam) đã chơi và truyền lại cho con cháu. Đến nay, bài chòi trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước...

Năm 1955, khi nhiều người hát bài chòi tập kết ra Bắc, ca kịch bài chòi mới chính thức trở thành đoàn chuyên nghiệp. Năm 1957, bài chòi đã đoạt HCV Hội diễn SK chuyên nghiệp với vở "Thoại Khanh - Châu Tuấn". Sau 20 năm “sống” tốt ở miền Bắc, đến năm 1975, cả đoàn lại tiến về Nam, từ đó, dấu vết bài chòi không còn ở Bắc nữa. Tuy còn một số nghệ sĩ trong đoàn ở ngoài Bắc, nhưng bài chòi không có đơn vị để hoạt động.

Trước tình hình đó, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam đã lập dự án phục hồi nghệ thuật bài chòi ở miền Bắc. Việc phục hồi này là ước mơ của nhiều nghệ sĩ tiền bối của nghệ thuật bài chòi suốt ba mươi năm qua. “Chúng ta không thể để các nghệ nhân này mang vốn liếng về tiên tổ mà không truyền lại được cho các thế hệ trẻ. Nhu cầu thưởng thức của người dân miền Bắc là có thật, không nên để miền Bắc thiếu bộ môn ca kịch này” - GS. Hoàng Chương cho biết.

Tuy nhiên, theo GS. Hoàng Chương, cái khó của khôi phục bài chòi miền Bắc là các diễn viên miền Bắc khi bước lên sân khấu bài chòi phải đổi giọng. Nếu bài chòi được hát tiếng Bắc sẽ khiến người nghe thấy khó chịu và mất chất bài chòi. Bởi vậy, diễn viên vừa phải học nghệ thuật, vừa phải luyện phát âm. Tiếp đó là những điệu hát của bài chòi như xàng xê, các điệu hò, điệu lý...  đòi hỏi diễn viên giọng Bắc phải luyện tập trong một thời gian mới có thể hát tốt.

Dự án phục hồi bài chòi ở miền Bắc được đưa ra đã vấp phải một số ý kiến phản đối, cho rằng lấy tiền đâu, người đâu, tổ chức nào đứng lên. Nhiều ý kiến còn cho rằng, làm sao có thể phục hồi được bài chòi miền Bắc vì cộng đồng nơi đây không quen nghe loại hình nghệ thuật này. Và nếu phục hồi thì ai muốn xem.

Tuy nhiên, khi dự án được khởi động, nhiều nghệ nhân giỏi ở miền Trung, nghệ nhân gốc Bắc từng hát bài chòi như Điệp Nữ, Văn Hồng, Văn Mùi, Quỳnh Em..., cùng các diễn viên trẻ ở miền Bắc như Kiều Oanh, Lộc Huyền, một số sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh đã rất hưởng ứng.

Sau 6 tháng khởi động dự án, các nghệ nhân, diễn viên đã luyện tập và ra mắt vở diễn đầu tiên "Thoại Khanh - Châu Tuấn" vào trung tuần tháng 11/2010 được đông đảo công chúng hoan nghênh. Đặc biệt, đêm diễn ngày 18/1/2011, chương trình chào mừng thành công của Đại hội Đảng cũng là một trong những hoạt động quảng bá kết quả của việc phục dựng bài chòi thành công. Tiếp đó, trong dịp Tết này, bài chòi sẽ được biểu diễn liên tục tại Hà Nội.

Sau khi được người dân Thủ đô đón nhận, bài chòi sẽ được biểu diễn tại các tỉnh, thành khác ở miền Bắc: Hải Phòng, Nam Định… thậm chí còn biểu diễn ở nước ngoài. GS. Hoàng Chương cho biết, tháng 11/2010 vừa qua, loại hình nghệ thuật này đã được giới thiệu tại một trường Đại học của Mỹ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên