Mùa mưa 2014, Hà Nội còn 12 "điểm đen" úng ngập

VOV.VN -Theo đánh giá của đơn vị thoát nước, nhìn chung tình hình tiêu thoát nước khu vực nội thành năm 2014 sẽ có sự cải thiện đáng kể.

Chiều 3/6, tại cuộc họp báo giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, báo cáo về công tác thoát nước mùa mưa năm 2014 của Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay, với kết quả duy tu duy trì cũng như các dự án, công trình đầu tư, cải tạo hoàn thành bàn giao, dự kiến năm 2014 sẽ giảm được một số điểm úng ngập như Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn, Trương Định, Lĩnh Nam, Nguyễn Lương Bằng, Điện Biên Phủ- Nguyễn Tri Phương, Hàng Chuối- Phạm Đình Hổ, Tôn Đản- Lê Lai; Các khu vực khác thời gian tiêu thoát cũng nhanh hơn, nhìn chung tình hình tiêu thoát nước khu vực nội thành (lưu vực sông Tô Lịch) năm 2014 sẽ có sự cải thiện đáng kể.

Phố Đội Cấn sáng 27/4 ngập khá sâu, có chỗ lên tới 50cm.

Về cơ bản các trận mưa nhỏ hơn 50 mm trên địa bàn thành phố không có điểm úng ngập chỉ tồn tại một số điểm ứ đọng. Đối với các trận mưa lớn hơn sẽ xuất hiện một số khu vực ngập nước từ 1,5 đến 2h, trong đó có những khu vực phát sinh tại các vành đai; đang thi công dở dang hoặc chuẩn bị đầu tư dự án như đường Phạm Văn Đồng, đường 70, lưu vực sông Nhuệ, khu vực Tây Hồ Tây, chân cầu Vĩnh Tuy Thanh Đàm- Vĩnh Hưng… Ngoài ra, trong mưa một số trọng điểm thoát nước được Công ty Thoát nước triển khai lực lượng ứng trực, phương tiện, thiết bị… theo đúng phương án được duyệt.

Về các "điểm đen” úng ngập, ông Nguyễn Lê Tổng- Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, trên địa bàn thành phố còn 12 điểm úng ngập như khu vực Quan Nhân- Vũ Trọng Phụng, khu vực đường 70, cầu Bươu, Phan Trọng Tuệ... Việc thoát nước rất khó, thời gian úng ngập sẽ dài. Đặc biệt đường Phạm Văn Đồng trước đây xây dựng hoàn toàn không có hệ thống thoát nước hai bên đường do sự phát triển xây dựng bị xây kín, khu vực Đội Cấn cũng là mộ điểm nóng hiện đã chuẩn bị xong dự án thoát nước cho khu vực này và đang chờ thành phố bố trí kinh phí.

"Việc có nhiều dự án đang được xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chung của thành phố. Vì thế chúng tôi cũng sẽ phải chấp nhận một vài điểm úng ngập và thoát nước chậm để đảm bảo mục tiêu chung vì không thể dừng các dự án khác lại được như dự án tuyến đường sắt trên cao trước cửa trường Đảng Lê Hồng Phong đang thi công xây dựng nhà 1 ga, chiếm 1/3 lòng sông Tô Lịch. Vì mục tiêu chung chúng tôi, Sở Xây dựng đồng ý chấp nhận thu hẹp lòng sông để đảm bảo mục tiêu của dự án đường sắt trên cao”, ông Lê nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên