Nhà của mẹ, Tòa chia cho con?

Tranh chấp bất ngờ xảy ra khi người đứng tên giấy tờ nhà đột ngột bị tai nạn qua đời không để lại di chúc

Nhà được mua theo tiêu chuẩn của người cha, được mua và xây dựng bằng tiền của cha mẹ nên được cấp sổ đỏ mang tên người cha. Hai phiên tòa đều đã tuyên nhà là của bố mẹ. Thế nhưng, đến phiên tòa thứ ba (sơ thẩm vòng tố tụng thứ hai), mọi chuyện lại tréo ngoe khi HĐXX xác định nhà được mua bằng tiền của vợ chồng người con và chia cho con được quyền sở hữu!? 

Nhà đất của bố mẹ

Nguyên đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp đòi lại tài sản và thừa kế” là cụ Dương Thị Nhật (85 tuổi, trú tại tổ 12, khu 8, phường Gia Cẩm, TP. Việt Trì, Phú Thọ). Năm 1955, cụ Nhật kết hôn với cụ Nguyễn Văn Thới, sinh được 4 người con, trong đó có người con trai út là ông Nguyễn Việt Hùng (bị đơn vụ án).

Khi những người con khác có gia đình và ra ở riêng, vợ chồng cụ sống cùng gia đình người con út là ông Hùng (vợ là bà Bùi Thị Mai) tại ngôi nhà ở phường Nông Trang. Đến năm 1990, cụ Thới khi đó là Trưởng phòng kế hoạch Công ty Xăng dầu Phú Thọ được tiêu chuẩn mua thửa đất đã dựng sẵn móng nhà ở khu 8, phường Gia Cẩm (nay là số nhà 1552 đại lộ Hùng Vương, TP Việt Trì). Sau đó, hai cụ xây dựng ngôi nhà hai tầng trên đất này để chuyển gia đình đến sinh sống, vợ chồng ông Hùng bà Mai cũng chuyển đến ở cùng các cụ tại địa chỉ này.

Nhà được mua theo tiêu chuẩn của cụ Thới nên toàn bộ các giấy tờ về mua móng nhà đều do cụ Thới làm và ký tên trong Hợp đồng mua bán nhà ở căn hộ, các giấy mời và giấy thông báo liên quan đến quyền sở hữu ngôi nhà, đơn xin làm nhà, các giấy tờ gốc tại địa chính phường và tài nguyên môi trường thành phố đều đứng tên cụ Thới.

Ngày 8/7/2004, ngôi nhà 1552 Hùng Vương được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Văn Thới. Tất cả những nội dung đó, những người con của cụ Nhật và cụ Thới đều biết rõ và nhất trí, không ai có ý kiến gì. Đột ngột, ngày 3/2/2006 cụ Thới bị tai nạn qua đời, không để lại di chúc.

Một tháng sau ngày cụ Thới qua đời, cụ Nhật và những người con của hai cụ té ngửa khi ông Hùng đưa ra bản di chúc là Giấy giao nhận quyền sử dụng đất lập ngày 26/8/1997 có chữ ký của cả cụ Nhật và cụ Thới với nội dung: các cụ cho vợ chồng ông Hùng toàn bộ ngôi nhà 1552 Hùng Vương.

Ông Hùng còn đưa ra bản Hợp đồng chuyển nhượng nhà lập ngày 5/2/2004 có xác nhận UBND phường Gia Cẩm. Từ những văn bản trên, vợ chồng ông Hùng yêu cầu được sang tên sổ đỏ ngôi nhà, và đồng ý cho cụ Nhật được ở nhờ trong nhà của vợ chồng họ đến hết đời. Hành vi đó của vợ chồng ông Hùng khiến cụ Nhật và những người con khác vô cùng uất ức, cụ Nhật đã khởi kiện vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản và thừa kế” ra TAND TP. Việt Trì.

Ra tòa, biến thành của con!

Tại vòng tố tụng thứ nhất của vụ án, hai cấp tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của cụ Nhật, giao ngôi nhà 1552 Đại lộ Hùng Vương cho cụ Nhật, với điều kiện cụ Nhật phải thanh toán cho vợ chồng ông Hùng một khoản tiền. Bản án có hiệu lực nhưng không thể thi hành do ông Hùng liên tục có đơn xin hoãn thi hành án để khiếu nại giám đốc thẩm. Rốt cục, không ngờ vụ án lại có kháng nghị và bản án giám đốc thẩm đã tuyên hủy cả 2 bản án của 2 cấp tòa để xử lại từ đầu.

Tại phiên tòa sơ thẩm vòng tố tụng thứ hai của vụ án được TAND TP. Việt Trì xét xử hồi tháng 12/2010, cụ Nhật cho rằng bản thân cụ có ký vào di chúc do ông Hùng viết sẵn nhưng do tuổi cao, mắt kém nên cụ tưởng rằng ký để làm sổ đỏ như lời của ông Hùng mà không biết đó là Giấy giao nhận quyền sử dụng đất.

Cụ Nhật không chấp nhận bản giao nhận trên vì cụ cho rằng có sự lừa dối, nhầm lẫn, không thể hiện đúng ý chí của cụ. Theo cụ Nhật, bản Hợp đồng chuyển nhượng nhà lập ngày 5/2/2004 có xác nhận UBND phường Gia Cẩm mà ông Hùng đưa ra cũng cần phải xem xét lại vì có quá nhiều điểm bất hợp lý. Bởi lẽ, đúng vào thời điểm đó các cụ đã làm thủ tục kê khai sổ đỏ, và ngày 8/7/2004, UBND TP. Việt Trì đã cấp sổ đỏ cho thửa đất trên cho cụ Thới.

Bởi vậy, giả sử bản Hợp đồng chuyển nhượng nhà lập ngày 5/2/2004 có tồn tại chăng nữa, thì nó cũng đã bị phủ quyết bởi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Thới được cấp sau đó (8/7/2004) - có giá trị pháp lý cao hơn. Hiện cụ Nhật đang còn sống nên có quyền hủy di chúc trên.

Ông Hùng thì khẳng định toàn bộ tiền mua nhà là do vợ chồng ông bỏ ra, bố mẹ ông chỉ có công đóng góp một phần tiền xây dựng bằng 1/6 giá trị ngôi nhà. Phần tài sản của cụ Thới đã di chúc cho vợ chồng ông, nên ông Hùng chỉ chấp nhận trả cho cụ Nhật phần tài sản của cụ, không đồng ý chia cả ngôi nhà cho cụ Nhật.

Dù những căn cứ pháp lý về lời khai của ông Hùng rất yếu nhưng lại được TAND TP. Việt Trì bảo vệ. Bản án sơ thẩm ngày 23/12/2010 đã xác định ngôi nhà 1552 Hùng Vương là tài sản chung hợp nhất cuả vợ chồng cụ Nhật, cụ Thới, ông Hùng, bà Mai trong đó vợ chồng cụ Nhật chỉ được chia kỷ phần bằng 1/6 giá trị ngôi nhà. Tòa chấp nhận giao toàn bộ ngôi nhà cho vợ chồng ông Hùng, buộc vợ chồng ông Hùng phải thanh toán trả cho cụ Nhật tổng cộng trên 139 triệu đồng.

Hiện cụ Nhật đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 248/2010/DSST ngày 23/12/2010 của TAND TP. Việt Trì. Với những căn cứ pháp lý rõ ràng về nguồn gốc ngôi nhà trên, thiết nghĩ TAND tỉnh Phú Thọ trong phiên xử phúc thẩm tới đây sẽ xem xét lại vụ án một cách khách quan, minh bạch, trả lại quyền lợi hợp pháp chính đáng cho cụ Dương Thị Nhật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên