Nhiếp ảnh gia nặng lòng với các cộng đồng dễ bị tổn thương

“Chỉ có sự bao dung và tình yêu thương mới có thể mang những người trong cộng đồng này trở về với cuộc sống”- Hoài Thanh chia sẻ.

Tôi gặp nhiếp ảnh gia Hoài Thanh trong cuộc triển lãm gần đây của anh mang tên “Đối mặt với ma túy”. Ánh mắt, nụ cười hiền hậu và những cử chỉ thân thiện của anh với các nhân vật trong bộ ảnh có mặt tại buổi triển lãm làm tôi nhớ mãi. Họ là những người đã hoặc vẫn đang hàng ngày đối diện với ma túy. Những con người đó, dù đã rất cố gắng nhưng vẫn đang chịu sự kì thị của không ít người trong xã hội. Đó là trăn trở của Hoài Thanh trong suốt quá trình thực hiện bộ ảnh Đối mặt với ma túy cũng như hai bộ ảnh trước đó của anh về những người nhiễm HIV mang tên “Cuộc sống vẫn tiếp diễn 1 & 2”.

Thay đổi suy nghĩ

Hoài Thanh chia sẻ: “Một cách tình cờ và rất có duyên, tôi đã đến với những cộng đồng dễ bị tổn thương. Tôi đã sống cùng họ, chia sẻ cùng họ và viết nên những câu chuyện bằng hình ảnh về họ”.

Đầu những năm 2000, với tư cách là một nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế, trong chương trình xây dựng tài liệu truyền thông về HIV của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Hoài Thanh đã bắt đầu tiếp xúc và làm việc với những người có HIV. Anh đã dần thay đổi những suy nghĩ về HIV và người nhiễm HIV. “Thời đó tất cả xã hội đều nghĩ người có HIV như là những kẻ gắn liền với tệ nạn. Khi gặp họ trong các hội nghị để lấy ý kiến về các tài liệu truyền thông, tôi thấy họ hoàn toàn khác với những định kiến xã hội. Đặc biệt, khi biết được nguồn gốc lây bệnh của họ, nhất là phụ nữ thì tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình” .

Nhiếp ảnh gia Hoài Thanh

Hoài Thanh chia sẻ: “Một trong những người tác động lớn đến tôi là chị Phạm Thị Huệ. Huệ bị lây HIV từ chồng. Cuộc sống lúc đó cũng rất khó khăn do bị kỳ thị vậy mà chị đã dũng cảm đứng trước ống kính của tôi. Huệ cũng là người đầu tiên xuất hiện trước công chúng nói rằng: "Tôi là người có H”. Tiếp xúc với chị, tôi nhận ra đây là một cô gái thôn quê chân thật, chất phác vậy mà vẫn là nạn nhân của căn bệnh này”.

Từ bữa cơm đầu tiên chị Huệ mời không dám ăn, cho tới khi Hoài Thanh sống, làm việc cùng chị, anh càng khâm phục ý chí, nghị lực phi thường của người con gái thôn quê ấy. Ân hận vì những hành động của mình trước đó, anh đã tới xin lỗi Huệ và quyết tâm làm một việc gì đó để thay đổi suy nghĩ của những người xung quanh về HIV.

Tạm gác lại công việc kinh doanh, anh bôn ba khắp nẻo đường của Tổ quốc, tìm gặp những người có HIV, tìm hiểu và chia sẻ cùng họ để viết nên những câu chuyện cảm động.

Hành trình đến với “Cuộc sống vẫn tiếp diễn 1 & 2”

Sáu năm- đó là khoảng thời gian kể từ khi nhiếp ảnh gia Hoài Thanh lần đầu tiên bấm máy chụp hình về những người nhiễm HIV đến khi hai cuộc triển lãm Cuộc sống vấn tiếp diễn 1 & 2 ra mắt. Sáu năm ấy, Hoài Thanh đã lặn lội đi khắp các nơi trên mọi miền Tổ quốc, gặp và chia sẻ với không biết bao nhiêu người nhiễm HIV.

Một khách tham quan tới xem triển lãm của nhiếp ảnh gia Hoài Thanh (Ảnh Internet)

“Cách tốt nhất để tiếp xúc, gặp gỡ với những người nhiễm HIV là chân thành và tôn trọng họ”- đó là nguyên tắc mà Hoài Thanh luôn tuân thủ khi làm việc. Nhờ nguyên tắc này mà đã không ít người có H đã dũng cảm đứng trước ống kính của Hoài Thanh để chia sẻ về cuộc sống của mình.

Bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, Hoài Thanh đã kể lại câu chuyện về cuộc đời những người phụ nữ, những người đàn ông, những con người còn rất trẻ và cả những người đã từ lâu không còn ở tuổi hoa niên. Bằng nhiều con đường khác nhau, họ đều bị nhiễm HIV. Anh  đã ghi lại những nụ cười rạng rỡ, những giây phút thanh thản bình yên và ấm áp của họ. Thay vì nói về mất mát và đau thương, anh kể về những con người đang làm việc miệt mài, những giọt mồ hôi, về niềm vui giản dị của họ khi gặt hái thành quả lao động của mình.

Những bức ảnh của anh đã góp phần đáng kể làm giảm sự kỳ thị trong xã hội và khơi dậy niềm tin cho nhiều người đang phải sống chung với HIV. Nhiều người đã đứng dậy, tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động chống kỳ thị với người nhiễm HIV.

Ra mắt bộ ảnh “Đối mặt với ma túy”

Gần đây nhất, tháng 6/2011, Hoài Thanh đã cho ra mắt bộ ảnh “ Đối mặt với ma tuý”. Đây là triển lãm ảnh đầu tiên chụp lại chân dung của người sử dụng ma túy tại Việt Nam. Lại một năm Hoài Thanh bôn ba, tìm tới những người nghiện ma túy, tìm hiểu cuộc sống của họ và cố gắng thể hiện một cách khách quan nhất.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn bên bức chân dung của mình do nhiếp ảnh gia Hoài Thanh chụp (Ảnh Internet)

Anh đã kể lại câu chuyện của họ về cuộc sống sau làn khói heroin với nhiều những góc tâm trạng khác nhau. Không ít người hàng ngày vẫn đang phải đối mặt với ma tuý, với những đau đớn, mất mát. Nhưng cũng có rất nhiều người đã vượt qua ma túy, trở thành người có ích cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội.

Vẫn là cái nhìn đầy nhân văn với những số phận kém may mắn, những cộng đồng dễ bị tổn thương, Hoài Thanh tâm sự: “ Tôi muốn xoá đi màn đen che phủ cuộc sống của họ, ngăn cách họ với những người khác trong cộng đồng. Tôi mong họ có thêm nghị lực và nhận được thêm nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ trong cuộc sống. Tôi cũng mong chúng ta có cái nhìn đầy đủ, khách quan hơn với những vấn đề mà tôi đề cập để có thái độ ứng xử phù hợp”.

Khi được hỏi về những dự định sắp tới, Hoài Thanh khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài về các cộng đồng dễ bị tổn thương. Không chỉ là những người có HIV, người sử dụng ma tuý, người làm nghề mại dâm, người đồng tính mà còn nhiều nhóm khác nữa như người khuyết tật, người thiểu số, người không được đi học…Nếu xã hội nhìn nhận không công bằng thì sẽ đẩy họ tới những tình thế cô lập và hệ quả là sẽ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội”.

Tôi đùa, anh là người nặng lòng với các cộng đồng dễ bị tổn thương. Hoài Thanh nói giản dị : “Chỉ đơn giản là khi mình có các điều kiện, năng lực để làm gì đó thì không nên đứng nhìn. Nếu ai đó có thể làm được gì đó thì chắc sẽ làm cả thôi”./.

Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh sinh năm 1963 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1985, nhiều năm công tác tại Hội Mỹ thuật Hà Nội, phụ trách mỹ thuật tại một số công ty quảng cáo, báo và tạp chí. Hiện anh làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng và công ty truyền thông Ngày mới.

Năm 2003, Phạm Hoài Thanh đoạt giải ba cuộc thi phòng chống ma túy do Bộ Y tế tổ chức. Năm 2005 và 2008, anh tổ chức triển lãm “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” 1 và 2 với những phóng sự ảnh độc đáo, được chụp dưới nhiều góc độ về những thân phận kém may mắn mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Tháng 6/2011, Hoài Thanh tiếp tục ra mắt triển lãm ảnh Đối mặt với ma túy. Đây là triển lãm ảnh đầu tiên chụp lại chân dung của người sử dụng ma túy tại Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên