Niềm khát sống mãnh liệt của bệnh nhân ung thư vú

(VOV) - Ung thư chưa phải là hết mà là một hành trình dài. Hành trình đó rất cần sự giúp đỡ, yêu thương của mọi người.

Đến “Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú” tại Bệnh viện K – Hà Nội một ngày thứ 7, cuối tháng 4, dường như thấy không khí nơi đây náo nhiệt hơn ngày thường vì có nhiều đoàn khách, nghệ sĩ đến thăm nhân kỷ niệm 4 năm ngày thành lập câu lạc bộ. Những lời thăm hỏi ân cần, biết bao tấm lòng sẻ chia và những món quà nặng nghĩa tình đã mang nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc đến bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú.

Nước mắt người mẹ có con mắc bệnh hiểm nghèo

Cho con gái ăn sáng xong, bà Đ.T.T (Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội) lại tất tả chạy lên hội trường của bệnh viện để nghe các bác sĩ chuyên khoa chia sẻ, giải đáp những thắc mắc của bệnh nhân xung quanh căn bệnh quái ác này. Bà thổ lộ, năm nay bà đã bước sang tuổi 60, trên đầu đã hai thứ tóc, tưởng nhờ cậy được con cháu lúc tuổi già, nhưng chưa có lúc nào bà được thảnh thơi. Cậu con trai nhiều năm nghiện ma túy đã khiến ông bà tủi nhục trăm bề, nay cô con gái đã gần 40 tuổi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo càng khiến bà thêm phần buồn bã.

Các thành viên của "Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú" tham dự buổi sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ tại Bệnh viện K - Hà Nội

Trước Tết Nguyên đán, con gái bà phát hiện ở vùng ngực trái có một cục u to bằng hạt lạc, không đau đớn gì. Sau đó, con bà đi khám ở bệnh viện gần nhà, nhưng kết quả thông báo không có dấu hiệu bất thường, chỉ cần uống vitamin E là khỏi. Lo lắng cho sức khỏe vì thấy cục u không biến mất mà thậm chí có phần to hơn trước, con bà tiếp tục đi khám tại bệnh K.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ cho biết chị bị ung thư vú, cần phải nhập viện ngay để tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u. Thông tin như sét đánh ngang tai, chị nào ngờ được số phận không may mắn đã đến với chị. Nhìn con gái chỉ trong mấy ngày đã sút mất 4kg, mặt mày xanh tái, tâm trạng thất vọng, buông xuôi, chán chường khiến bà không khỏi xót xa.

Được sự động viên và ủng hộ của hai bên gia đình nội ngoại, con gái bà T. dần dần cảm thấy yên tâm và thêm hy vọng bệnh sẽ được chữa khỏi. Bà T. kể thêm: “Nhìn thấy hai đứa con còn nhỏ dại, bố mẹ, chồng động viên yên tâm chữa trị, hiện tại tinh thần con bé đã khá hơn, tập trung điều trị theo phác đồ của bác sĩ”.

Mặc dù đã phẫu thuật cắt bỏ khối u được 5 ngày, nhưng sức khỏe con gái bà T. vẫn còn rất yếu, không tự đi lại được khiến lòng bà càng rối như tơ vò. Bà càng lo lắng hơn khi nghĩ tới các khoản chi phí điều trị lâu dài của con gái, trong khi hiện tại tiền viện phí đang phải phụ thuộc vào đồng lương làm bảo vệ của con rể bà.

Sợ con nhìn thấy vẻ lo lắng, nhiều lúc không cầm được nước mắt, bà chỉ biết chạy ra hành lang đứng khóc một mình. Với tình thương của một người mẹ, bà nói: "Dù có phải bán nhà, tôi cũng phải chạy chữa để con gái khỏi bệnh".

Hành trình không đơn độc

Phát hiện bị ung thư vú ở giai đoạn 3 và đã di căn vào xương, nhưng trông chị Nguyễn Khánh Thương (SN 1982, giảng viên khoa Báo chí và truyền thông – ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), vẫn luôn tràn đầy niềm lạc quan vào cuộc sống.

Chị Khánh Thương hạnh phúc bên chồng

Khác với biểu hiện nổi u cục ở bầu ngực như con gái bà T. chị Khánh Thương lại không có biểu hiện gì khác thường trên cơ thể. Chỉ đến khi làm các xét nghiệm, kết luận cho thấy ở vùng ngực có khu vực bị tổn thương rất nhỏ là 0,9mm, những tế bào lạ tập hợp nhau lại chưa thành u cục, chị mới biết mình đã mắc căn bệnh hiểm nghèo. Chị nhận được thông báo kết quả ung thư vú giai đoạn 3 đúng vào ngày 20/10/2012, trước khi kết hôn với bạn trai người Australia.

Giữa tháng 11/2012, Thương sang Australia để phẫu thuật. Và chị thực sự suy sụp khi nhận được tin, căn bệnh ung thư của đã di căn vào xương, chỉ có thể duy trì sự sống chứ không thể chữa khỏi. Thương đã bật khóc, bởi chị còn quá trẻ, còn rất nhiều dự định còn dang dở phía trước.

Không muốn trở thành gánh nặng cho người mình thương yêu, Thương đã nghĩ đến việc rời Australia và về Việt Nam. Chị không bao giờ oán trách số phận, và chỉ mong người bạn ngoại quốc sẽ có một lựa chọn khác tốt đẹp hơn cho cuộc đời anh ấy. Song, chính tình yêu chân thành đã giúp anh không chỉ vượt qua cả rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, tâp tục mà còn cả sự tai ương nghiệt ngã của số phận, để có thêm sức mạnh cùng Thương đi tiếp chặng đường chông gai phía trước.

Hiện chồng chị đã nghỉ việc ở Australia để sang Việt Nam đồng hành cùng chị trong quá trình điều trị và giúp chị hoàn thành những dự định còn dở dang.

Lúc này, chị cảm nhận thấy mình là bệnh nhân may mắn nhất thế giới, bởi trong hành trình dài và nhọc nhằn ấy chị không phải đơn độc một mình.

Chia sẻ cùng với các bệnh nhân có hoàn cảnh giống mình, Thương cho biết, chị chưa bao giờ oán trách số phận. Mặc dù phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đã trải qua những trạng thái tâm lý đau đớn, tuyệt vọng, song chị không cho phép bản thân được gục ngã. Chị luôn tâm niệm câu nói của đạo Phật “Không có bệnh nào là không cứu chữa được, chỉ có những con người không chữa được mà thôi” để có thêm động lực, niềm tin, niềm lạc quan vào cuộc sống, và mong muốn chia sẻ thông điệp yêu thương đến cộng đồng.

Trải qua những cảm giác đau đớn, mặc cảm khi mang trọng bệnh, hơn ai hết, Thương thấu hiểu được nỗi niềm của những người cùng cảnh ngộ. Theo chị, ung thư chưa phải là hết mà là một hành trình dài. Hành trình đó rất cần sự giúp đỡ, yêu thương của mọi người. “Chúng tôi là người bệnh, chúng tôi muốn nói với mọi người rằng: Tôi sẽ ham sống, nhưng tôi vẫn cần tình yêu, sự quan tâm, chia sẻ của tất cả mọi người”, chị Khánh Thương xúc động nói.

Giờ đây, chị vẫn đang từng ngày từng giờ chạy đua với thời gian, song song với quá trình điều trị, chị vừa làm tốt công tác giảng dạy tại khoa Báo chí và truyền thông (ĐH Khoa học xã hội Nhân văn Hà Nội), vừa sáng lập nhóm Thiện nguyện, khơi dậy ngọn lửa yêu thương, gây quỹ phòng chống và nghiên cứu ung thư.

Dù biết thời gian của mình không còn nhiều, nhưng nữ giảng viên có vóc dáng nhỏ nhắn vẫn không ngừng miệt mài bên những trang giáo án, những dự định còn dang dở. Bởi chị biết, trên hành trình đầy khó khăn ấy, người chồng thân yêu và tất cả mọi người vẫn luôn đồng hành và ủng hộ chị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Một người khỏe mạnh có nguy cơ mắc 12% ung thư vú
Một người khỏe mạnh có nguy cơ mắc 12% ung thư vú

(VOV) - Bệnh ung thư vú nếu được phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi rất cao, kéo dài được thời gian sống, giảm chi phí cho việc điều trị.

Một người khỏe mạnh có nguy cơ mắc 12% ung thư vú

Một người khỏe mạnh có nguy cơ mắc 12% ung thư vú

(VOV) - Bệnh ung thư vú nếu được phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi rất cao, kéo dài được thời gian sống, giảm chi phí cho việc điều trị.

Bệnh nhân ung thư vú không còn đơn độc
Bệnh nhân ung thư vú không còn đơn độc

(VOV) - Bệnh ung thư vú có thể phòng và chữa khỏi, nếu chúng ta có kiến thức về bệnh ung thư vú,

Bệnh nhân ung thư vú không còn đơn độc

Bệnh nhân ung thư vú không còn đơn độc

(VOV) - Bệnh ung thư vú có thể phòng và chữa khỏi, nếu chúng ta có kiến thức về bệnh ung thư vú,