Nuôi hoài bão cho những học sinh nghèo

Ước mơ được cắp sách tới trường của hàng vạn trẻ em nghèo đang được nhiều nhà hảo tâm tiếp tục nuôi dưỡng. Thật đáng quý biết bao, trong bộn bề công việc, họ vẫn luôn quan tâm và sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn….

Những ngày nắng nóng giữa tháng 7, chúng tôi có chuyến đi công tác thực sự bổ ích: trao học bổng cho học sinh nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Chuyến đi đã giúp chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống khó khăn, sự khát khao được tiếp tục đến trường của những học sinh nghèo.

Mỗi người một cảnh nghèo

Trong buổi Lễ trao học bổng cho 200 học sinh nghèo của tỉnh Thanh Hóa mới đây do Tập đoàn Tân Hiệp Phát tài trợ, nhìn các cháu vui cười, nô đùa, ít ai có thể hình dung được đằng sau sự vô tư đó là những cuộc sống hết sức khó khăn, thậm chí nhiều cháu tưởng chừng đã phải nghỉ học vì gia đình nghèo khó.

Cháu Lê Thị Hoa

Cháu Lê Thị Hoa, học sinh lớp 10, trường PTTH Nông Cống 2, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống là một trong những cháu có hoàn cảnh như vậy. Cha mất từ khi Hoa mới vào lớp 1, để lại người vợ thường xuyên đau yếu và 3 đứa con nhỏ. Người chị lớn của Hoa phải nghỉ học để phụ giúp mẹ, nhường 2 em nhỏ được cắp sách đến trường. Ngay từ lúc bé, ngoài giờ học Hoa đã thường xuyên phụ giúp mẹ việc nhà như băm bèo nuôi lợn, trồng rau, cấy lúa, giặt giũ quần áo…  Vất vả là vậy, nhưng Hoa quyết tâm học thật tốt để không phụ lòng mẹ và chị. Mười năm liền Hoa đều đạt học sinh khá, giỏi. Hoa tâm sự: “Cháu biết hoàn cảnh nhà mình nghèo nên luôn phải cố gắng. Để cho cháu được đi học, mẹ và chị cháu đã phải hy sinh rất nhiều, nên cháu phải học cả phần của chị. Các bạn cháu có điều kiện, ngoài giờ học trên lớp còn đi học thêm, nhưng cháu xác định phải tự học là chính. Cháu cố gắng để thi đỗ đại học”.

Tuy không mồ côi, nhưng hoàn cảnh của cháu Nguyễn Thị Loan (17 tuổi, lớp 12), ở thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang lại thật éo le. Bố bị bệnh tâm thần phân liệt gần 10 năm nay, mẹ Loan (chị Bùi Thị Hường) thì quanh năm đau yếu bởi căn bệnh đau lưng, huyết áp thấp hành hạ. Dù vậy, mọi lo toan cuộc sống đều đổ dồn vào đôi vai người mẹ.

Chị Bùi Thị Hường

Chị Hường cho biết, kể từ lúc chồng chị (anh Nguyễn Văn Phương) đổ bệnh, cuộc sống vốn khó khăn lại càng trở nên túng quẫn hơn. Anh Phương luôn ở trạng thái nửa tỉnh, nửa mê. Nhiều lúc lên cơn, anh đuổi đánh vợ con, phá phách đồ đạc trong nhà. Mọi sinh họat của anh đều phải nhờ người khác giúp đỡ. Để có tiền nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học và tiền thuốc thang cho chồng, chị Hường phải làm đủ nghề từ nghề làm phụ hồ, cấy thuê, gặt thuê ở xã bên, đi thu mua sắt vụn… Công mỗi ngày đi phụ hồ được 30.000-50.000 đồng/ngày, nhưng lại không ổn định, trời mưa và những lúc đau yếu không gượng được chị lại phải nghỉ ở nhà. Khó khăn là vậy, nhưng chị Hường vẫn động viên các cháu cố học cho bằng chúng bạn. Cháu Loan thương mẹ, nhiều lần xin mẹ cho nghỉ học để phụ giúp gia đình, nhưng chị Hường cương quyết: “Nếu không được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống của các cháu sau này lại cũng giống như của cha mẹ nó. Dù nghèo đến đâu, tôi cũng phải cố cho các cháu được học hành, sau này tự kiếm nghề nuôi sống bản thân”.

Không phụ lòng mẹ, hai năm lên cấp III, Nguyễn Thị Loan đều đạt học sinh khá. Hai em của Loan cũng đều được nhận Giấy khen của trường. Nguyễn Thị Loan tâm sự: “Cháu biết mẹ rất vất vả vì gia đình. Cháu cố gắng thu xếp học bài vào buổi tối để ban ngày còn giúp mẹ việc đồng áng, cơm nước, giặt giũ... Cháu chỉ mong thi đỗ vào trường Bách khoa, để có kinh tế chữa bệnh cho bố và giúp đỡ mẹ”.  

Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo

Những ước mơ của các em học sinh nghèo hiếu học tỉnh Thanh đang dần thành hiện thực khi có sự hỗ trợ của những tấm lòng vàng trong cả nước. Một trong những nhà hảo tâm ấy là Tập đoàn Tân Hiệp Phát-nhà tài trợ độc quyền và là Chủ nhiệm Quỹ học bổng mang tên “Dr. Thanh đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khó”. TS. Trần Quí Thanh – Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định: “Tập đoàn Tân Hiệp Phát cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc và tạo mọi điều kiện để Dự án thành công tốt đẹp. Chúng tôi quan niệm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Và sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai Dự án tài năng trẻ, dự kiến kéo dài đến 100 năm”.

Tại buổi Lễ trao giải cho học sinh nghèo tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên được lựa chọn thí điểm dự án này, trong đó có 200 học sinh nghèo vượt khó tại 8 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa như Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh, Thạch Thành sẽ được trao học bổng trong đợt này. Mỗi cháu sẽ được hỗ trợ 250.000 đồng/tháng (3 triệu đồng/năm) để các cháu có điều kiện đóng học phí, mua đồ dùng học tập.

Khi tôi hỏi Lê Thị Hoa rằng cháu sẽ làm gì với số tiền học bổng, câu trả lời của Hoa có vẻ “già” so với tuổi: “Cháu sẽ nhờ mẹ gửi tiết kiệm để sau này nếu vào đại học sẽ có tiền trang trải. Còn bây giờ, nghỉ hè cháu sẽ đi gặt thuê, mua chè về bán… để lấy tiền đóng học phí”.

Còn chị Bùi Thị Hường, mẹ cháu Nguyễn Thị Loan xúc động cho biết, món tiền đó đối với gia đình chị thực sự có ý nghĩa. Chị sẽ để dành để nộp học phí cho Loan và cho cháu đi học thêm. Sang năm Loan sẽ thi Đại học nên chị muốn dành hết cho việc học của con.

Không giấu nổi vui mừng, cháu Nguyễn Thị Loan cho biết: “Cháu rất vui khi nghe cô Chủ nhiệm thông báo được nhận học bổng của nhà tài trợ. Có số tiền này, cháu cũng yên tâm vì mẹ đỡ vất vả hơn. Cháu hứa sẽ học thật tốt để không phụ lòng bố mẹ, những nhà hảo tâm đã giúp đỡ cháu”.

Ông Nguyễn Đình Bưu

Ông Nguyễn Đình Bưu, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Thanh Hóa cho rằng,  đây là nguồn động viên hết sức có ý nghĩa và thiết thực đối với gia đình các học sinh nghèo. Sự ủng hộ của các nhà hảo tâm luôn được Hội hết sức trân trọng và từ đó phải sử dụng sự giúp đỡ này một cách hiệu quả nhất. Hội đã cùng với các Hội cơ sở, rà soát, lựa chọn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự, cùng với nhà tài trợ trao tiền đến tận tay các cháu. Trong nhiều năm qua, nhờ sự động viên, quan tâm kịp thời của các nhà hảo tâm trong cả nước, đã giúp cho hàng vạn cháu có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, nhiều cháu giờ đây đã thành đạt và lại tiếp tục có những đóng góp trở lại với các thế hệ tiếp theo. Sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đã thực sự khuyến khích, thúc đẩy phong trào học tập của tỉnh Thanh Hóa.

Chia tay với tỉnh Thanh-vùng đất hiếu học, dù không nói ra nhưng trong chúng tôi, ai cũng mang theo hy vọng: Rồi đây, trên khắp mọi miền đất nước, sẽ không còn trẻ em phải bỏ học bởi vẫn còn nhiều lắm những tấm lòng hảo tâm, biết san sẻ với các hoàn cảnh khó khăn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên