Phòng, chống bệnh dại ở động vật còn nhiều khó khăn

Tập quán và nhận thức người dân ở địa phương còn hạn chế đang là lực cản trong việc thực hiện

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm cả nước có khoảng 100 trường hợp tử vong do chó dại cắn. Từ đầu năm đến nay, số người chết do chó dại cắn khoảng 40 người. Điều đáng lưu ý là mặc dù Thông tư hướng dẫn phòng, chống bệnh dại ở động vật đã có hiệu lực, trong đó quy định người dân nuôi chó phải đăng ký, nhưng tại một số địa phương việc triển khai ở cấp xã, phường còn gặp nhiều khó khăn.

Lâu nay, việc nuôi chó giữ nhà ở các làng quê Việt Nam đã trở thành thói quen. Trên các đường làng, ngõ xóm, rất dễ gặp những chú chó nhởn nhơ đi lại. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lây truyền bệnh dại từ động vật sang người dẫn tới tử vong khi mà tình trạng chó thả rông cắn người ở nhiều làng quê hiện nay vẫn phổ biến. Đây cũng là một trong những khó khăn gặp phải ở nhiều địa phương khi triển khai Thông tư hướng dẫn phòng, chống bệnh dại ở động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lai Châu là một ví dụ. Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh này có hơn 600 người bị chó cắn phải đến tiêm vaccine phòng dại tại Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh, trong đó 4 trường hợp đã tử vong. Theo ông Đậu Xuân Hào, Phó chi cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh Lai Châu, việc triển khai Thông tư giúp quản lý và tiêm phòng vaccine trên chó phòng chống bệnh dại, nhưng tập quán và nhận thức người dân ở địa phương còn hạn chế đang là lực cản trong việc thực hiện Thông tư rất cần thiết này.

Ông Đậu Xuân Hào khẳng định: “Biện pháp tiêm phòng đàn chó có hiệu quả và có khả năng làm được nhưng việc yêu cầu nhân dân nuôi nhốt chó và đăng ký với chính quyền là vấn đề rất khó. Chúng tôi chỉ nêu ra những biện pháp để cùng với chính quyền thực hiện, thế nhưng chính quyền không thực hiện quyết liệt thì cơ quan chuyên môn cũng không triển khai được”.

Xung quanh việc triển khai Thông tư hướng dẫn phòng, chống bệnh dại ở động vật, Cục Thú y cũng tổ chức nhiều hội nghị hội thảo phổ biến Thông tư với các địa phương trên cả nước. Theo ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ Thú y (Cục Thú y), để triển khai hiệu quả Thông tư thì vai trò và vị trí của chính quyền cơ sở là rất quan trọng. Đầu tiên phải phổ biến Thông tư xuống người dân nắm được vấn đề, sau đó người ta thực hiện tiêm phòng cho động vật và nuôi nhốt chó. Thứ hai là tăng cường hệ thống giám sát theo dõi sức khoẻ của chó và quản lý bệnh dại, đồng thời nhanh chóng triển khai chương trình tiêm phòng bổ sung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên