Thấy gì qua việc ngừng cấp phép những dự án sân golf ở Hà Nội?

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 60 sân golf đi vào hoạt động và đang trong quá trình xây dựng. So với con số khoảng 100.000 người có đủ khả năng kinh tế để chơi môn thể thao này, thì đây là vấn đề cần phải xem xét.

Một sân golf mới mọc lên cũng đồng nghĩa với hàng nghìn mét vuông đất bị san lấp để lấy mặt bằng. Tính bình quân 1 sân golf chiếm 200 hécta, thì tổng diện tích đất sân golf của cả nước hiện nay lên tới 12.000 hécta.

Điều đáng nói là hệ thống sân golf tại nước ta không chỉ nằm ở vùng đồi núi mà đang lấn các trung tâm đồng bằng… Chưa kể, sân golf kết hợp với khu du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp lại đang là xu hướng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Có những dự án sân golf 108 lỗ và khu nghỉ dưỡng rộng đến cả nghìn hécta đã được cấp phép. Lợi ích về kinh tế do các sân golf đem lại là đáng kể, nhưng đằng sau đó tiềm ẩn không ít những vấn đề rất đáng để quan tâm.

Chính vì thế, việc UBND thành phố Hà Nội đưa ra quyết định không tiếp tục triển khai 10 dự án sân golf được dư luận đồng tình. Như vậy, trong số 19 dự án sân golf Hà Nội hiện có thì 4 sân gôn vẫn hoạt động bình thường, 5 sân golf khác được tiếp tục xây dựng và 10 dự án sân golf sẽ bị loại. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu tính hiệu quả kinh tế thì sân golf có đem lại nhiều lợi nhuận không? Qua báo cáo của UBND thành phố Hà Nội với Thủ tướng Chính phủ, thì các sân golf đã đi vào hoạt động đang tạo công ăn việc làm cho 1.500 người và nộp ngân sách 100 tỷ đồng. Nhưng hãy thử so sánh, những sân golf này đã lấy mất bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp, đất trồng lúa và bao nhiêu lao động mất công ăn việc làm?

Theo tính toán, với khoảng 100.000 người có đủ khả năng kinh tế để chơi golf thì xung quanh các thành phố lớn (kể cả Thủ đô Hà Nội) cũng chỉ cần vài, ba sân golf là đủ. Vậy nhưng, có một hiện tượng “cung đáp ứng quá cả cầu” dù không cần biết khi đi vào hoạt động các sân golf này sẽ sinh lãi hay lỗ. Tại sao lại có nghịch lý này? Có nhiều ý kiến cho rằng, khi chọn phương án đầu tư kiểu này, nhà đầu tư không chỉ dễ dàng vượt qua các thủ tục thẩm định phức tạp, không cần đầu tư nhà xưởng, thiết bị như các ngành nghề khác, mà vẫn được phép “thu hồi” một diện tích đất vô cùng lớn.

Chính vì thế, cứ xin đầu tư dự án “sân golf – khu nghỉ dưỡng”, “sân golf – khu du lịch sinh thái”… là các chủ dự án có thể đầu tư, mở rộng tới mức tối đa. Để rồi sau đó, khi nắm được đất trong tay, họ có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển sang làm việc khác như là xây dựng nhà để bán, xây khách sạn cho thuê.

Chính vì thế ở nhiều nơi khác, thậm chí người ta phá cả rừng nguyên sinh, san lấp cánh đồng lúa nước để làm sân golf. Mất rừng là mất khả năng điều tiết cho các lưu vực sông, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực về môi trường, hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn. Rõ nhất là nguồn nước ngầm suy giảm, đất đai trong khu vực bị xói mòn và bạc màu nhanh chóng. Sinh cảnh thay đổi còn làm giảm số lượng các loài chim, thú; phá vỡ cân bằng sinh thái của một vùng. Mất cánh đồng lúa nước sẽ tác động tiêu cực đến an ninh lương thực, an ninh nông thôn…

Tác hại lớn như vậy, nhưng các chủ đầu tư rất mặn mà với các dự án sân golf. Nói điều đó vì các dự án này chiếm diện tích đất lớn, hàng trăm ha cho một dự án nhưng giá đất khi được đền bù, thu hồi thì lại rất rẻ mạt. Ngay tại Thành phố Hà Đông, người bị thu hồi đất cũng chỉ được trả 200.000 đ/m2 và một số khoản hỗ trợ khác, tổng cộng là 220.000 đ/m2. Các dự án sân golf ở các địa phương có mức giá đền bù đất ruộng thấp hơn nhưng khi xin chuyển đổi thành dự án bất động sản, các lô nhà biệt thự hay liền kề chắc chắn giá sẽ gấp hàng trăm lần. Lợi nhuận gấp 100 lần làm cho các nhà đầu tư sẵn sàng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án sân golf. “Kịch bản” này đã từng được diễn rất hoàn hảo tại dự án Ciputra – Hà Nội, nơi các lô đất biệt thự được rao bán với giá 60 – 70 triệu đồng/m2. Các lô đất này vốn nằm trên sân golf trong dự án từ những năm 1990. Khoảng đầu những năm 2000, nó được “điều chỉnh” quy  hoạch thành các lô nhà ở sang trọng.

Trong quá trình phát triển của đất nước, việc hình thành, phát triển các sân golf, khu sinh thái nghỉ dưỡng… phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện tượng hầu như tỉnh, thành phố nào ở vị trí “đắc địa” đều đua nhau dành đất cho phát triển sân golf – khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… lại là chuyện không bình thường. Chưa kể, nhiều dự án sân golf đã lấy đi những “bờ xôi, ruộng mật” khiến nông dân thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế việc UBND thành phố Hà Nội ngừng cấp phép một loạt dự án sân golf vừa qua cũng cho thấy phần nào quyết tâm của Hà Nội cũng như khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế gắn với đảm bảo đời sống an sinh xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên