Thế giới hãy tìm cách cứu lấy loài dã nhân

Hình ảnh một dã nhân mẹ mắt đẫm lệ, ôm chặt đứa con vào lòng khi trút hơi thở cuối cùng trước họng súng người thợ săn được tờ The Star mô tả đang gây sốc cho độc giả ở Malaysia và những người có lương tâm.

Từ Trung tâm phục hồi dã nhân Nyaru Menteng, Noddy, một dã nhân sơ sinh, leo lên một cành cây và nhìn chằm chằm về phía khu rừng xa tít nơi từng là ngôi nhà của cậu. Trong tương lai, cậu sẽ không được sống ở đó nữa.

Mẹ cậu bị giết trong rừng rậm, trong trường hợp như thế nào, những người chăm sóc cậu thật sự không biết. Nhưng một điều chắc chắn rằng cô đã gặp một kết thúc nghiệt ngã và độc ác - bị chặt thành nhiều mảnh, bị đốt hoặc bị bắn chết như những con dã nhân khác.

Ở một khu rừng vùng Sampit, một thợ săn thú trộm đã bắn một con dã nhân cái khi đang ôm con. Khi rơi xuống, nó vẫn ôm chặt đứa con trong lòng. Người thợ săn đến gần con vật đang giãy chết, ông ta đã kinh sợ khi thấy những dòng nước mắt của con vật chảy ra.

Eko Haryuwono, người thành lập đơn vị cứu hộ dã nhân Nyaru Menteng kể lại: “Con mẹ ôm chặt con mình cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Người thợ săn đã xúc động trước những dòng nước mắt của con dã nhân và từ đó ông không bao giờ bắn chúng nữa.” Người thợ săn này hiện đang giúp cung cấp thông tin cho đội cứu hộ về các đàn dã nhân đang gặp nguy hiểm do bi giết hoặc bị săn bắn.

Dã nhân, hay người rừng, có quan hệ gần gũi với chúng ta. Dã nhân và con người giống nhau 98% về ADN. Chúng có tình cảm như con người. Chúng có thể khóc lóc, lo lắng, buồn rầu và vui sướng như chúng ta.

Trong khi chỉ khác biệt 2% ADN so với dã nhân, chúng ta luôn cho thấy mình có “phần người" lớn hơn “phần con.” Chúng ta chiếm phần lớn đất đai, chỉ để lại phần nhỏ nhoi hoặc không để lại gì cho muông thú.

Eko cho biết: “Họ đổ xăng lên người chúng rồi ném lửa để biến chúng thành ngọn đuốc. Điều này đã diễn ra năm 2003 tại một công ty trồng trọt lớn. Chúng tôi cũng phát hiện những phần thi thể dã nhân trên các đồi cọ dầu. Chúng bị chặt thành nhiều mảnh.”

Eko và đội của ông cũng phát hiện dã nhân bị đánh chết bằng các thanh sắt hoặc gỗ. Ông nghẹn ngào: “Một số bị đánh bất tỉnh và bị chôn sống. Chúng ta, loài người nên tự xấu hổ với bản thân”.

Trung tâm Nyaru Menteng, nằm trên khu vực rộng 6,5ha, là nơi sinh sống cho 100 dã nhân nhưng số lượng hiện nay đã tăng lên đến 648 con. Trung tâm này được Quỹ bảo tồn dã nhân Borneo (BOS) của Indonesia và BOS quốc tế cung cấp tài chính.

Trung tâm cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm những khu rừng để thả loài động vật có vú này trở về với thiên nhiên sau khi đã phục hồi vì đất rừng đang co lại.

Theo Bộ Lâm nghiệp Indonesia, nước này có 120 triệu ha rừng và đầm lầy trong đó 28,3 triệu ha đã bị khai hoang hoặc thoái hóa. Các công ty khai thác và chế biến gỗ lậu cũng đẩy nhanh tốc độ tàn phá rừng nguyên sinh và đất đầm lầy của Indonesia vì giá trị hàng triệu đô la do ngành thương mại gỗ mang lại.

Theo Michelle Desilets, giám đốc trung tâm Orang Utan Land Trust có trụ sở tại Anh, các công ty cọ dầu thậm chí được phép hoạt động trong các vườn quốc gia như Vườn quốc gia Tanjung Puting ở miền Trung Kalimantan, nơi cư trú của 6.000 dã nhân.

Ông nói: “khi các công ty trồng trọt tàn phá nơi cư trú, loài dã nhân phải di chuyển đến những mảnh rừng nhỏ hơn và thiếu thức ăn. Đói khát và thiếu thức ăn, dã nhân đánh liều xâm nhập vào khu trồng mới và ăn những chồi non. Kết quả, chúng bị quy kết là loài phá hoại nông nghiệp”.

Với khoảng 5.000 con dã nhân bị chết mỗi năm, không còn nhiều thời gian để cứu sống 45.000 con còn sót lại trong tự nhiên. Các chuyên gia dự báo rằng dã nhân bị tuyệt chủng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Desilets nói: “Sẽ khó bảo vệ tất cả chúng nếu không có trách nhiệm của chính phủ Indonesia và Malaysia. Thật đau khổ khi nghĩ rằng ngay khi chúng ta cứu được 10.000 con thì 35.000 dã nhân khác vẫn chết. Chúng ta cần mọi sự giúp đỡ để giảm thiểu con số này”.

Cứu sống loài dã nhân sẽ là lời minh chứng cho sự nhân đạo của chúng ta. Và thật sự có giá trị khi nhờ những việc như thế mà chúng ta được gọi là người chứ không phải là động vật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên