Thiết bị diệt khuẩn: Có diệt được vi khuẩn?

Hiện nay, trên thị trường có nhiều thiết bị diệt khuẩn nano, máy sục ôzôn được quảng cáo có tác dụng diệt được 99,9% vi khuẩn, nấm mốc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, công nghệ này diệt được khuẩn đến đâu, hiện chưa có cơ quan nào nghiên cứu cụ thể.

Diệt được cả virus H1N1?

Thiết bị diệt khuẩn nano bạc (nano silver) và ôzôn đang làm mưa, làm gió trên thị trường sản phẩm tiêu dùng. Thậm chí các sản phẩm khăn ướt, bàn chải đánh răng, hộp đựng thức ăn, ca uống nước... cũng được quảng cáo sử dụng công nghệ diệt khuẩn. Có hãng còn quảng cáo điều hòa khử mùi, diệt đến 99,9% vi khuẩn, khử nấm mốc và có khả năng ngăn chặn và tiêu diệt virus cúm A/H1N1... Nhiều loại máy ôzôn còn được “thổi” lên với khả năng vô hiệu hóa được thuốc trừ sâu. Có những điểm bán máy ôzôn, để lấy được lòng tin của khách hàng, còn làm thí nghiệm cho một con cá sống vào thùng nước có pha thuốc trừ sâu, sau đó đưa con cá này sang ngâm trong thùng nước sục khí ôzôn. Sau một lúc, nước ôzôn chuyển màu đen sì và con cá được thuật lại là... quẫy đuôi vui vẻ. Họ kết luận, máy sục ôzôn có khả năng hóa giải mọi loại thuốc trừ sâu.

Giới chuyên môn nói gì?

PGS Nguyễn Danh Sơn - Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Máy sục ôzôn có khả năng phân hủy được rất ít các chất hóa học và chưa ai phân tích sau khi nó phá hủy thuốc trừ sâu, các chất hình thành ít độc hơn bản thân thuốc trừ sâu hay còn độc hại hơn. Đối với thức ăn trước và sau khi cho vào tủ cũng chưa có thiết bị để kiểm nghiệm xem bao nhiêu con vi khuẩn được diệt và khả năng khử mùi đến đâu. Đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào nghiên cứu cụ thể xem thật sự khả năng diệt khuẩn được quảng cáo trên các thiết bị này đến mức độ nào.

Theo ông Nguyễn Thế Hinh, Giám đốc dự án Khoa học và công nghệ, Bộ NN&PTNT, sử dụng công nghệ nano bạc vào sản phẩm điện từ sẽ giúp người tiêu dùng (NTD) hạn chế, phòng tránh được một số vi khuẩn nhất định. Chủ yếu là diệt loại vi khuẩn thường gây các bệnh đường ruột (bạc có tác dụng tích cực với cấu trúc vi khuẩn Ecoli chuyên gây các bệnh đường ruột, tiêu chảy). Còn khả năng diệt khuẩn 99,9% là không thể vì từng vi khuẩn có cách phân hủy rất khác nhau. Thức ăn cho vào tủ lạnh có hệ thống diệt khuẩn thì nano bạc chỉ tác dụng diệt khuẩn trên bề mặt (tức chiếm khoảng 50%, tương đương với khoảng vài trăm vi khuẩn đơn bào không mấy nguy hiểm và chỉ khống chế, sát khuẩn ở chừng mực nhất định). Những nguồn thức ăn đã nhiễm bệnh như H5N1 hoặc lở mồm long móng thì các ion bạc không thể diệt được. Chưa kể, để diệt khuẩn tốt còn phụ thuộc vào sự đối lưu không khí, độ ẩm trong tủ. Không hội đủ các yếu tố này, dù hàng ngàn các ion bạc hoạt động tích cực đến mấy cũng khó mà đánh bại vô số vi khuẩn gây bệnh khác.

Trao đổi với chúng tôi về thí nghiệm cho cá sống vào thùng nước pha thuốc trừ sâu mà không chết, TS Dương Thị Thủy, Viện Khoa học Việt Nam cho rằng, đấy là trò lừa bịp NTD. Màu nước đen sì có thể do một tác nhân khác “ẩn” trong máy làm nên chứ không phải hiệu quả của khí ôzôn. Còn việc con cá quẫy đuôi, nếu điều này là có thật, thì đó là phản xạ trước khi chết. Lúc đó, con cá gặp được một lượng ôxi tươi mới bổ sung trong nước do máy sục tạo nên và nó “tỉnh” lại trong chốc lát, còn chất độc đã ngấm vào cơ thể cá sẽ giết chết nó sau đấy.

Ở nước ta, khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng về các ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế nên NTD dễ bị lợi dụng. Phải khẳng định rằng, những hãng sản xuất có uy tín tạo ra những máy rửa rau, củ và hoa quả bằng công nghệ sục khí ôzôn đảm bảo diệt khuẩn rất tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại máy ôzôn trong gia đình, NTD nên thận trọng vì không ít các loại máy được bày bán không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Một chiếc máy ôzôn phải hội tụ đủ các điều kiện: tạo ra ôxi sạch, ôxi khô, loại bỏ được khí độc NO2, phải đạt công suất 50kW và có bộ xử lý làm lạnh. Để thực hiện được các “nhiệm vụ” trên, một chiếc máy ôzôn có giá thành đắt hơn 20 lần so với đa số các loại máy tạo ôzôn đang có mặt trên thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên