TP. Hồ Chí Minh: Quá nhiều bánh Trung thu kém chất lượng

Còn khoảng chục ngày nữa là đến Tết Trung thu. Đây cũng là thời điểm mà bánh Trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn ngập trên thị trường gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm đối với người tiêu dùng.  

Những ngày này, trên các tuyến đường ở TP.HCM tràn ngập những gian hàng bánh Trung thu đa dạng về chủng loại, ấn tượng về màu sắc, mẫu mã… Tại chợ Hoà Bình, quận 5, các sạp bánh kẹo mùa này đã thêm vào nhiều mặt hàng bánh Trung thu để phục vụ khách hàng bình dân. Bánh chủ yếu do các hộ gia đình nhỏ lẻ sản xuất thủ công không có nhãn hiệu, nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng. Mặc dù tiểu thương ở đây luôn quảng cáo “bánh ngon, chất lượng, uy tín đảm bảo” thế nhưng chúng tôi không khỏi e ngại khi hàng trăm chiếc bánh không được đóng gói nằm phơi ra giữa bụi bặm và đông người qua lại. Giá bánh ở đây khá rẻ, chỉ từ 8.000 - 10.000 đ/cái. Chị Nguyễn Thị Tuyến, một khách hàng đang chọn mua bánh Trung thu cho con chia sẻ, bánh Trung thu ở tiệm đắt quá, đành ra chợ mua bánh rẻ cho con ăn để “nhớ” ngày Trung thu.

Chợ Bình Tây, quận 6 là khu vực chuyên bán sỉ bánh Trung thu và các nguyên vật liệu sản xuất, đóng gói bánh như: bột, hạt dưa, gói chống ẩm, vỏ hộp, bao bì… Vào mùa Trung thu, khách hàng dễ bị hoa mắt trước một rừng nhãn hiệu bánh như: Thanh Tâm, Kim Ngân, Thành Phát - Hà Long, Minh Dung, Kinh Đô, Đồng Khánh... Giá bánh ở đây khá đa dạng, từ 5.000 đồng đến hơn 40.000 đồng/cái. Ngoài bánh sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh, các tiểu thương còn nhập thêm bánh ở Bình Thuận, Tiền Giang với giá giảm từ 10 - 20%. Mới bày bán chưa bao lâu, nhiều loại bánh dẻo đã nhoè nhoẹt phẩm màu xanh đỏ thấm cả ra vỏ hộp. Một số loại bánh đã lộ ra những đường nứt. 

Điều đáng nói là trong khi các thương hiệu bánh lớn được sản xuất bởi dây chuyền công nghệ khép kín có hạn sử dụng trong một tháng thì nhiều loại bánh ở chợ Bình Tây có thời hạn sử dụng đến… 3 tháng. Người bán hàng còn sẵn sàng tráo bánh đóng gói vào bao bì của thương hiệu bánh Kinh Đô, Đồng Khánh nếu khách hàng muốn mua làm quà biếu. Một tiểu thương ở chợ Bình Tây tiết lộ là hễ Kinh Đô, Đồng Khánh ra mẫu mã gì mới thì ngay lập tức các nhãn hiệu khác đều có mẫu y như vậy. Người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn trước các sản phẩm có bao bì, tên gọi, màu sắc, hoa văn na ná nhau. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt hại về uy tín.

TP. Hồ Chí Minh hiện có 228 cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Phần lớn các cơ sở tập trung tại các quận 1, 3, 5, 6, 8, 11, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú. Từ đầu tháng 8 đến nay, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thanh tra hơn 80 cơ sở, qua đó ghi nhận các cơ sở đã cải tiến đáng kể trong quá trình sản xuất và ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn phổ biến. Tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Song Phụng - Đồng Khánh ở quận 11, thanh tra y tế phát hiện cơ sở này sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sơ chế ngay dưới sàn bếp gần nhà vệ sinh, thành phần nguyên liệu ghi trên bao bì không đúng nội dung công bố… Sở Y tế đã đình chỉ hoạt động, lấy mẫu bánh đem đi kiểm nghiệm.

Ngoài ra, thanh tra Sở đã nhắc nhở và xử phạt hơn 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu không đảm bảo các điều kiện sản xuất như: vệ sinh dụng cụ, vệ sinh nhân viên chưa đạt, chế độ bảo quản bánh không tốt, môi trường sản xuất chưa đảm bảo vệ sinh, nhân viên không có giấy khám sức khoẻ… Tuy nhiên, đây chỉ là những cơ sở có đăng ký giấy phép kinh doanh. Còn đối với các hộ gia đình nhỏ lẻ sản xuất thủ công và trái phép thì việc quản lý, xử phạt khá khó khăn. Ông Phan Kim Bình, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những cơ sở này thường mở tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi hẻm hút. Do đó, việc phát hiện những cơ sở này rất khó khăn. “Không thể nào Sở Y tế chúng tôi quản lý hết được” - ông Phan Kim Bình nói.

Do điều kiện kinh tế và thói quen tiêu dùng, nhiều người dân vẫn chọn mua bánh Trung thu mà không hề quan tâm đến nguồn gốc, hạn sử dụng. Chính vì vậy, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu kém chất lượng, bánh nhái, bánh không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại. Thiết nghĩ, người dân hãy là người tiêu dùng thông minh bằng cách kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình mình trong mùa Trung thu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên