Vụ chùa Bồ Đề: Vì sao mẹ bán con không bị truy trách nhiệm hình sự?
VOV.VN - Tại sao chị Trần Thị Thu H, là mẹ cháu Công không bị khởi tố về tội mua bán trẻ em với vai trò đồng phạm?.
Theo thông tin qua báo chí, chiều 4/8, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, ở Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình) và Nguyễn Thanh Trang (SN 1978, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) để điều tra hành vi mua bán trẻ em, theo Điều 120 BLHS.
Đối tượng Trang là quản lý nhà mở (khu nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, cơ nhỡ ở chùa Bồ Đề) đã nhận của Nguyệt 35 triệu đồng để bán cháu bé Cù Nguyên Công.
Trước đó, vào tháng 10/2013, chị Trần Thị Thu H. (SN 1979, quê Cẩm Khê, Phú Thọ) sinh con và không có khả năng nuôi nên đã đưa con vào chùa Bồ Đề nuôi dưỡng và chăm sóc.
Đổi lại, H được Nguyệt bồi dưỡng cho một khoản tiền là 10 triệu đồng, Trang cũng nhận được một số tiền. Sau khi giao cháu bé cho Nguyệt nuôi, H hoàn toàn không được gặp con, chỉ biết tin tức của con thông qua Trang, cho đến cuối tháng 6/2014, H. nhận được thông tin báo: cháu Công đã nhập viện vì bệnh nặng, sau đó thì qua đời.
Hành vi của Nguyễn Thanh Trang và Phạm Thị Nguyêt đã phạm tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”. Tội danh và hình phạt được qui định tại điều 120 BLHS
Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là tại sao chị Trần Thị Thu H, là mẹ cháu Công không bị khởi tố về tội mua bán trẻ em với vai trò đồng phạm?.
Dựa trên cơ sở pháp lý, để xử lý tội mua bán trẻ em cần thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm:
Mặt khách thể: Tội phạm xâm phạm quyền tự do, thân thể của trẻ em và quyền được quản lý, chăm sóc giáo dục của trẻ em.
Mặt khách quan: hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để thỏa thuận trao đổi trẻ em.
Mặt chủ quan: tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp với động cơ vụ lợi
Mặt chủ thể: người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên trong cấu thành cơ bản và từ đủ 14 tuổi trở lên trong cấu thành tăng nặng.
Hành vi của chị Trần Thị Thu H, là mẹ cháu Công trong vụ án, cho thấy về ý thức chủ quan của chị H đã nhờ nhà chùa nuôi cháu Công từ thời điểm tháng 10/2013 với động cơ mục đích là do không có điều kiện để nuôi dưỡng.
Việc nuôi dưỡng, chăm sóc cháu thuộc quyền quản lý của nhà chùa từ thời điểm đó và do đối tượng Trang được phân công chăm sóc.
Xét về mặt chủ quan của tội phạm mua bán trẻ em đối với H, là mẹ cháu Công trong vụ án này là không thỏa mãn dấu hiệu động cơ tư lợi.
Xét về hành vi khách quan của chị H khi giao cho nhà chùa nuôi cháu Công là hoàn toàn tự nguyện, không có sự thỏa thuận mua bán.
Chị H nhận từ đối tượng Trang 10 triệu đồng là sau khi đã nhờ nhà chùa nuôi cháu. Đây là số tiền mà Trang đã bồi dưỡng cho chị H. và để nhờ viết giấy hợp thức thủ tục cho cháu Công làm con nuôi.
Chị H không biết việc thỏa thuận mua bán cháu Công giữa Trang và Nguyệt với số tiền 35 triệu đồng. Do đó chị H đã không có chung ý chí cùng thực hiện hành vi phạm tội mua bán cháu Công theo các dấu hiệu đồng phạm được qui định tại Điều 20 BLHS.
Để nhằm hợp pháp hóa việc giao cháu Cù Nguyên Công cho đối tượng Nguyệt nhận làm con nuôi, Trang đã lừa chị H bằng cách tư vấn cho H với nội dung nhận là cặp bồ với chồng Nguyệt và bé Cù Nguyên Công ra đời từ đó.
Từ những căn cứ nếu trên, hành vi của chị H, là mẹ cháu Công đã không cấu thành tội mua bán trẻ em theo Điều 120 BLHS với vai trò đồng phạm. Do đó, CQĐT không đề cập xử lý là có căn cứ, đúng pháp luật./.
Điều 20. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em
1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đối với nhiều trẻ em;
đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
e) Để đưa ra nước ngoài;
g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.