Ý kiến trái chiều việc phá bản mẫu tượng Thánh Gióng

Câu chuyện được dư luận quan tâm gần đây là việc bản gốc bằng thạch cao bức tượng Thánh Gióng tại Sóc Sơn- Hà Nội của tác giả Nguyễn Kim Xuân bị dỡ bỏ từ giữa tháng 1/2012.

Xung quanh sự việc này có nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin nêu ý kiến của tác giả, các nhà quản lý văn hóa, mỹ thuật để làm rõ về vấn đề.

Tác giả mẫu tượng Thánh Gióng – Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân khẳng định, mẫu tượng Thánh Gióng bằng thạch cao bị phá vỡ là bản gốc nguyên mẫu.

Bản nguyên mẫu này được tác giả dồn hết tâm huyết, sức lực để sáng tạo và thực hiện trong 6 năm trời (từ năm 2003-2009). Theo kế hoạch thì bản mẫu bằng thạch cao này khi làm xong việc sẽ được tặng cho Bảo tàng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đúc thành 3 bức tượng để tặng 3 miền của đất nước.

Điều mà nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân mong muốn là thái độ cư xử có văn hóa và trách nhiệm vì “Khi tượng vỡ, không có ai đứng ra nhận ra trách nhiệm, không có lời xin lỗi nào”, ông Xuân bức xúc.

Mẫu tượng đài bằng thạch cao đã bị phá hủy

Xây dựng tượng đài bắt buộc phải tuân theo 3 bước: Bước 1: Xây dựng phác thảo. Bước 2: Thể hiện bằng mẫu đất, thạch cao. Bước 3: Đúc tượng đài và lắp đặt. Điều này đã được thể hiện rõ trong Quy chế quản lý, xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng của Bộ VH,TT&DL.

Về phía đơn vị quản lý, ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc Sở VH - TT&DL Hà Nội khẳng định, tượng Thánh Gióng làm bằng thạch cao chỉ là bước trung gian để đúc tượng Thánh Gióng bằng đồng dựng trên núi Vệ Linh. Mẫu tượng để làm khuôn từ đất đến thạch cao, quá trình làm xong thì bỏ đi.

Ông Hòa cho rằng, báo chí đưa tin bức tượng bị dỡ bỏ là không đúng và người viết cũng không hiểu vấn đề.

“Muốn làm tượng phải có tượng đất từ 0,6 - 1,2m để làm tượng mẫu rồi đúc tượng thạch cao 1:1 để làm khuôn. Tất cả làm khuôn để rót đồng vào làm tượng thật. Còn những quy trình từ đất, thạch cao sẽ bỏ đi sau khi làm xong. Tượng thạch cao không có giá trị gì. Việc phá tượng là thông tin sai sự thật, mà chỉ bỏ đi khuôn đúc thôi”, ông Hòa phân tích.

Trước khẳng định của Sở VHTT&DL, tượng bị phá huỷ chỉ là bản trung gian bằng thạch cao, không có giá trị lớn và đây là việc cần làm của đơn vị thi công khi đã hoàn thành bức tượng chính, PGS-TS Nguyễn Đỗ Bảo - Chủ tịch Hội đồng Lý luận và Phê bình Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam), nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội cho rằng: Về thể loại điêu khắc, bức tượng mà chính tay tác giả đắp lên và có chỉnh sửa theo sự góp ý của Hội đồng chuyên môn xác định là nguyên bản. Nguyên bản chỉ có một bởi nó gắn liền với cảm xúc, thời gian, không gian sáng tác. Kể cả tác giả có làm bản giống như vậy cũng chỉ là bản sao.

PGS–TS Nguyễn Đỗ Bảo nói: “Bản anh Xuân làm là bản nguyên mẫu thuộc về tác giả. Mà đã là nguyên mẫu thì phải giữ, bảo vệ bản quyền tác giả. Công ước Bern Việt Nam đã ký kết và thừa nhận, vì thế không thể sai phạm bằng cách loại đi”.

Để làm rõ việc này cần bắt đầu với quy trình làm tượng đài: Bản điêu khắc mà tác giả Nguyễn Kim Xuân mang đi dự thi và được Ban tổ chức chấm thắng giải trong cuộc thi, tượng sẽ được làm với kích thước gấp 5 lần phiên bản này. Phiên bản này gọi là Bản thảo.

Sau khi được chọn, tác giả sẽ xây dựng một bản có kích thước phóng đại 5 lần bản thảo để chủ đầu tư nghiệm thu tác phẩm điêu khắc, làm căn cứ ra quyết định thi công tượng đài. Phiên bản được nghiệm thu sẽ được dùng làm khuôn đúc tượng và được gọi là Bản phôi. Tượng đài sau khi thi công, được nghiệm thu gọi là Bản chính. Bản chính chỉ có một. Những bản sau này giống bản chính gọi là Bản sao và thông lệ bản sao sẽ nhỏ hơn bản chính. 

Theo Luật Tác quyền, tuỳ theo tác phẩm mà tác giả có được giữ bản thảo hay không. Quyền định đoạt một bức tranh thắng giải sẽ thuộc về Ban tổ chức cuộc thi. Ví dụ: Như một bức hoạ của Van Gogh không thuộc về Van Gogh mà thuộc về một nhà sưu tập nào đó. Bức Mona Lisa không thuộc về De Vinci mà thuộc về Bảo tàng...

Cũng như vậy, với bức tượng Thánh Gióng, bản thảo bức tượng thuộc về nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân nếu ban tổ chức không yêu cầu giữ lại, tác giả có thể đem về nhà như một vật lưu niệm. Sau khi nghiệm thu tượng đài, nếu không còn dùng đến nữa, chủ đầu tư có thể đồng ý cho tác giả mang phôi bức tượng về nhà.

Theo ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh), chính vì việc chưa thống nhất những thuật ngữ này nên một số báo đã đưa thông tin không chính xác, dẫn đến sự nhầm lẫn và hiểu sai bản chất của vấn đề.

Phải xác định bản chính thức được đưa ra công bố và sử dụng là tượng đồng đang đặt trên núi Sóc. Còn các bản bằng đất, bằng thạch cao là quá trình để làm, gọi là bản phác thảo mẫu của công trình hay bản trung gian. Thường người ta phải phá đi bản phác thảo mẫu để đảm bảo nguyên gốc là bản duy nhất.

Ông Vi Kiến Thành cho rằng cần phải thông tin về vấn đề này một cách khách quan: “Tượng thạch cao bị vỡ thì hành động phá là không đúng. Bản quyền tác giả chỉ bảo vệ bản cuối cùng, bản chính thức trên đỉnh núi Sóc chứ, còn bản phác thảo đấy là quy trình, các bước để đi đến bản sử dụng. Tác giả cũng không hiểu, chủ đầu tư và các bên đều không hiểu rõ vấn đề”.

Xung quanh sự chưa thống nhất ý kiến việc dỡ bức tượng Thánh Gióng bằng thạch cao cho thấy nhiều người hiểu vấn đề chưa đúng. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ và công khai trả lời trước công luận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên