Áp lực lì xì...

VOV.VN - Tết Nguyên đán, người Việt có tục mừng tuổi, hay còn gọi là lì xì cho nhau, đặc biệt là cho những người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Với lời chúc sức khỏe và bình an.

Không biết phong tục mừng tuổi – lì xì đầu năm đã có trong đời sống của người Việt từ bao giờ, nhưng có thể nói, đó là một nét văn hoá độc đáo trong ngày Tết Nguyên đán.

Với người lớn tuổi trong nhà, nó thể hiện tình cảm của con cháu với lời chúc cũng như mong muốn họ có được sức khoẻ tốt để sống vui cùng con cháu. Và với lớp con cháu trong nhà, mỗi dịp tết đến xuân về, có cơ hội được mừng tuổi bố mẹ, ông bà, người thân lớn tuổi, là niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Còn đối với trẻ nhỏ, khi lì xì, người lớn thường chúc chúng hay ăn, chóng lớn, có sức khoẻ và học giỏi… cũng là thể hiện mong muốn của cha mẹ, người thân, họ hàng với lũ trẻ trong nhà.

Thế nên, có thể nói rằng, ngày tết, nhận được quà mừng tuổi của người thân, đó là một điều may mắn, cho cả người nhận lẫn người trao. Vì có khi, trong năm bận bịu công việc, cuộc sống cá nhân, chúng ta không có nhiều thời gian dành cho người thân, chỉ đến cuối năm, là dịp để có thời gian trở về nhà với cha mẹ, ông bà, họ hàng...

Ngày bé, lũ trẻ chúng tôi mỗi khi được người lớn mừng tuổi, là niềm vui vô bờ bến. Thông thường, những phong bao lì xì bên trong không có nhiều tiền, chỉ là tờ 200 đồng, hoặc 500 đồng đỏ chót, thỉnh thoảng sẽ có một ai đó mừng tuổi tờ 10 ngàn đồng, cũng là màu đỏ.

Ngày ấy, hầu như ai cũng có cùng suy nghĩ, màu đỏ trong ngày tết là mang lại điều may mắn cho người nhận. Nên dù những chiếc phong bao lì xì đó, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, tình thần chứ không nặng nề về số tiền, tất cả mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc.

Việc mừng tuổi người lớn cũng vậy, chẳng ai câu nệ là phải mừng thật nhiều tiền, mới là thể hiện tình cảm…

Theo Tiến sĩ Đinh Đức Tiến – Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thì: Tục lì xì/mừng tuổi (người lớn mừng trẻ con thêm tuổi mới, con cháu mừng ông bà thêm trường thọ) là một nét văn hóa, mang ý nghĩa tốt đẹp. Qua đồng tiền được lì xì, trẻ  con có được "tự do" tiêu hoặc mua đồ chơi mà mình thích; người già, có thêm đồng ra, đồng vào mua trầu cau hoặc đồng quà tấm bánh...

Người lớn mừng tuổi trẻ con, để nhận sự yêu quý từ đứa trẻ, con cháu mừng tuổi ông bà, để người già ban tặng thêm tuổi (theo tinh thần, kính già, già để tuổi cho). Về cơ bản, đây là một tập tục hay và có ý nghĩa, đặc biệt qua đó, nó thể hiện sự quan tâm đến nhau giữa các thế hệ thành viên trong gia đình, dòng họ; mở rộng ra là các mối quan hệ xã hội khác: hàng xóm láng giềng, bạn bè, thầy trò…

Tất nhiên, kể chuyện cũ mãi cũng nhàm, vì mỗi thời một khác, chẳng nên mang mãi quá khứ ra mà gặm nhấm. Bây giờ, chuyện mừng tuổi đã khác xưa nhiều lắm rồi. Nhiều ông bố bà mẹ trẻ, mới sinh em bé, lại đúng vào dịp tết, còn đùa nhau, năm nay, con là lao động chính trong nhà. Ý là sẽ được mừng tuổi nhiều.

Vì thông thường, ai cũng “tự nguyện” mừng tuổi đứa trẻ ấy, cũng như một hành động chia vui với hạnh phúc của cha mẹ nó.

Thế rồi, qua năm tháng, những đứa trẻ ấy lớn hơn, đã có nhận thức được về việc được lì xì của người lớn mỗi dịp tết. Và thường là sau tết tổng kết, cũng có một khoản kha khá, tuỳ vào mối quan hệ, hay thậm chí là địa vị trong xã hội của bố mẹ nó.

Nên chuyện được nhận lì xì, và nhận được bao nhiêu, khá quan trọng với nó, hoặc với bố mẹ của đứa trẻ ấy.

Thế mới có chuyện, có đứa trẻ khi được mừng tuổi, liền xé luôn phong bao trước mặt người lớn, để kiểm tra trong ruột có bao nhiêu tiền. Khi nhìn thấy chỉ là tờ 5 ngàn, hay 10 ngàn đồng trong đó, liền vứt toẹt luôn xuống đất, trước sự ngỡ ngàng pha phần xấu hổ của người vừa mừng tuổi nó, với những lời chúc tốt đẹp, theo truyền thống ngày Tết.

Cũng đôi khi, người mừng tuổi sẽ nhận được những lời nhận xét, của chính bố mẹ đứa trẻ, khi “trót” mừng tuổi cháu nó ít quá. Rất may là những lời nói ấy, chỉ dừng ở mức sau lưng mà thôi. Nhưng rồi ai cũng biết rằng, việc mừng tuổi ngày tết đang dần mang những ý nghĩa khác thường, xa hẳn với quan niệm là một điều may mắn, vui vẻ trong ngày đầu năm mới…

Thậm chí, với nhiều người người việc chuẩn bị tiền mừng tuổi bây giờ còn lo hơn chuyện sắm tết. Nhiều khi, để không bị mang tiếng sau lưng là “ki bo”, “keo kiệt”, số tiền mừng tuổi “ra đi” sau vài ngày tết cũng chiếm một góc khá lớn tiền lương thưởng cuối năm của một anh công chức nghèo, ăn lương theo ngạch bậc.

Nhưng, đó mới chỉ là chuyện lì xì phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Còn chuyện nhân dịp tết, để biếu xén, quà cáp lãnh đạo mong nhận được chút “ân sủng” nào đó trong tương lai về công việc, vị trí, hay hợp đồng nào đó… là chuyện không hiếm. Đã có rất nhiều vị lãnh đạo đã thân bại danh liệt vì nhận quà biếu không minh bạch của cấp dưới, của những người muốn nhờ cậy quyền lực của họ để mưu cầu làm ăn thuận lợi, được lãnh đạo phê chuẩn dự án nọ, dự án kia.

Kẻ cầm quà đi biếu cũng chẳng sung sướng gì, vì sau đó lại phải nghĩ đến việc cắt chỗ nọ, xén chỗ kia trong dự án để mà bù vào chỗ quà cho lãnh đạo mà làm thâm hụt ngân sách của dự án. Còn người nhận quà thì mỗi ngày lại muốn gói quà lớn hơn…

Cũng giống như những đứa trẻ bây giờ, đã được tập thành một phản xạ có điều kiện, là mỗi năm lại mong được nhận tiền lì xì nhiều hơn.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến cho rằng: Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, ngoài tập tục được duy trì với ý nghĩa tốt đẹp, thì nhiều người lợi dụng việc này để trao đổi với các động cơ khác nhau. Chẳng hạn như hối lộ, nhận hối lộ bằng việc lì xì. Hoặc lợi dụng chuyện lì xì để chạy chức, chạy quyền, mua bán địa vị... Rõ ràng những hành vi đó là biến tướng, hoặc mỗi cá nhận lợi dụng vào tập tục này để trục lợi. Vì vậy, việc lì xì xưa, số tiền ko nhiều, nhưng có ý nghĩa về mặt văn hóa. Ngày nay, số tiền lì xì nhiều hơn và trở thành gánh nặng cho người đi lì xì, vì mừng ít sẽ ko nhận được sự hài lòng từ người được nhận. Rõ ràng giá trị văn hoá đang bị thay đổi và chuyển sang sức nặng của vật chất. Điều này, lâu dần sẽ làm méo mó của tập tục lì xì ngày Tết.

Có lẽ, tất cả chúng ta, dù vô tình hay cố ý, đều đang cùng tự đẩy mình vào áp lực của chiếc phong bao lì xì, giữa cho và nhận. Khi nhận được bao lì xì lớn thì cũng phải nghĩ cách mà đáp trả lại một cách tương xứng, nếu không muốn lâm vào cảnh đứa trẻ đứng trước mặt ném thẳng cái phong bao lì xì xuống đất…

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tôi can đảm...
Tôi can đảm...

VOV.VN - Khi nghĩ về lòng can đảm, ta thường nghĩ chỉ có những chiến binh. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, lòng can đảm vẫn luôn hiện diện, ngay cả trong bản thân chúng ta.

Tôi can đảm...

Tôi can đảm...

VOV.VN - Khi nghĩ về lòng can đảm, ta thường nghĩ chỉ có những chiến binh. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, lòng can đảm vẫn luôn hiện diện, ngay cả trong bản thân chúng ta.

Chăm lo Tết cho người lao động, cần nói thật làm thật
Chăm lo Tết cho người lao động, cần nói thật làm thật

VOV.VN - Việc đảm bảo phúc lợi, chính sách cho người lao động nhất là dịp năm hết Tết cần được nói thật làm thật, tránh qua loa hình thức. Chỉ có vậy thì người lao động mới yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp, chung sức với địa phương.

Chăm lo Tết cho người lao động, cần nói thật làm thật

Chăm lo Tết cho người lao động, cần nói thật làm thật

VOV.VN - Việc đảm bảo phúc lợi, chính sách cho người lao động nhất là dịp năm hết Tết cần được nói thật làm thật, tránh qua loa hình thức. Chỉ có vậy thì người lao động mới yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp, chung sức với địa phương.

Không để những rủi ro rình rập
Không để những rủi ro rình rập

VOV.VN - Học sinh là tương lai của đất nước và của mỗi gia đình. Do vậy hàng trăm học sinh thiệt mạng do tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay là nỗi đau quá lớn đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.

Không để những rủi ro rình rập

Không để những rủi ro rình rập

VOV.VN - Học sinh là tương lai của đất nước và của mỗi gia đình. Do vậy hàng trăm học sinh thiệt mạng do tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay là nỗi đau quá lớn đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.

Cao quý tình thầy-trò
Cao quý tình thầy-trò

VOV.VN - Sự quan tâm và coi trọng một ngành nghề, một công việc “đặc biệt" thể hiện sự tôn trọng và cả sự kỳ vọng. Nghề giáo là nghề đòi hỏi cao và chịu nhiều áp lực. Càng được tôn vinh lại càng áp lực...

Cao quý tình thầy-trò

Cao quý tình thầy-trò

VOV.VN - Sự quan tâm và coi trọng một ngành nghề, một công việc “đặc biệt" thể hiện sự tôn trọng và cả sự kỳ vọng. Nghề giáo là nghề đòi hỏi cao và chịu nhiều áp lực. Càng được tôn vinh lại càng áp lực...

Hoàn thiện vị trí việc làm tạo tiền đề cho cải cách tiền lương từ năm 2024
Hoàn thiện vị trí việc làm tạo tiền đề cho cải cách tiền lương từ năm 2024

VOV.VN - Cải cách tiền lương mới từ năm 2024 đang là vấn đề được cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt quan tâm, chờ đợi. Theo Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị về "xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành", mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm sẽ có mức lương riêng.

Hoàn thiện vị trí việc làm tạo tiền đề cho cải cách tiền lương từ năm 2024

Hoàn thiện vị trí việc làm tạo tiền đề cho cải cách tiền lương từ năm 2024

VOV.VN - Cải cách tiền lương mới từ năm 2024 đang là vấn đề được cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt quan tâm, chờ đợi. Theo Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị về "xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành", mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm sẽ có mức lương riêng.