Hà Nội gắn liền với thời khắc lịch sử và những ca khúc bất hủ

Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ ý chí, niềm tin và tự hào của cả dân tộc, là nơi thăng hoa tâm hồn của biết bao thế hệ nghệ sĩ.  

Qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những bài hát hay về Hà Nội và trở thành những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng…

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập chưa bao lâu thì giặc Pháp quay lại đánh chiếm nước ta. Tổ quốc lâm nguy, toàn quốc đứng lên kháng chiến (12/1946), cả Hà Nội sôi sục khí thế “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”, đường phố trở thành chiến lũy, nhà nhà thành pháo đài thép bảo vệ Thủ đô.

Hòa mình trong khí thế chiến đấu của quân dân Hà Nội, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã sáng tác “Người Hà Nội” vào năm 1947 với giai điệu và lời ca làm say mê rung động lòng người: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…”. Nhạc sĩ đã đưa được hình ảnh Hà Nội thu nhỏ, cô đọng và súc tích vào trong tác phẩm của mình, giai điệu âm nhạc có lúc mạnh mẽ như bão tố. Bài hát ngay lập tức được nhiều người yêu thích, trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội sau này. Bài hát cũng trở thành “bài mẫu” trong giáo khoa âm nhạc và được chuyển soạn cho nhiều nhạc cụ độc tấu.

Cùng năm ấy, nhạc sĩ Huy Du đã sáng tác bài “Sẽ về Thủ đô” với giai điệu chậm rãi, tình cảm và lãng mạn: “Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời, Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó. Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà, đi học về qua luôn hát vui ca. Hoa phượng đỏ vui in đỏ đường dài. Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi… Lên đường kháng chiến, tiêu diệt quân thù. Năm cửa ô reo bước quân ca…”. Bài hát làm gợi nhớ lại tuổi thơ, tên đường và phố, kỷ niệm cây cầu bên dòng sông Hồng, đã in đậm sâu trong lòng những người lính Hà Nội ở chiến khu, mong cho đến ngày được cầm súng trở về giải phóng Thủ đô.

Những năm tháng đó, nhạc sĩ Văn Cao cũng ở chiến khu, nỗi nhớ và tình yêu Hà Nội luôn day dứt trong lòng ông. Văn Cao đã sáng tác bài “Tiến về Hà Nội”, như một dự báo bằng âm nhạc cho ngày trở về giải phóng Thủ đô: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về… Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về, cả cuộc đời tươi vui về đây. Năm cửa ô đón chào mừng đoàn quân tiến về…”. Bài hát của ông ra đời giữa lúc bộ đội ta đang chiến đấu gian khổ ở chiến khu. Tháng 10/1954, ước mơ trở về giải phóng Thủ đô trở thành sự thật, các Đại đoàn bộ đội ta từ năm cửa ô hùng dũng tiến vào. Cả Hà Nội rợp trời cờ hoa và tràn đầy những nụ cười, nước mắt hạnh phúc sung sướng…

Tái hiện ký ức cầu Long Biên (ảnh: Hà Thành)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Nội vẫn vững tâm sản xuất và chiến đấu. Từng đoàn thanh niên Hà Nội nô nức tòng quân, nối tiếp nhau vào chiến trường đánh giặc. Ở hậu phương Hà Nội, chị em phụ nữ sao vuông lấp lánh cài trên mũ, vai đeo súng vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Hà Nội lại sôi sục khí thế căm thù, đứng lên cùng cả nước đánh Mỹ. Bài hát “Tiếng nói Hà Nội” (nhạc Văn An, lời thơ Cảnh Trà) chững chạc vang lên, khích lệ và động viên người Hà Nội đánh giặc: Tôi đứng đây giữa nhịp cầu Long Biên lộng gió. Dưới chân cầu Hồng Hà vẫn nghìn năm sóng vỗ. Hà Nội hiên ngang tay súng sẵn sàng. Tôi lắng nghe từ phố phường thân yêu đang vọng về đây tiếng nói sớm chiều…”.

Nhạc sĩ đã gửi qua âm nhạc và ý thơ nói thay lời tâm huyết người Hà Nội, được rút ra từ đáy lòng hòa quyện với ý chí quyết tâm đánh giặc, giai điệu làm rung động người hát và người nghe. Bài hát là câu trả lời đanh thép của người Hà Nội quyết tâm đánh giặc để bảo vệ Thủ đô yêu quý. Cùng thời gian này, nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác “Bài ca Hà Nội” với giai điệu nhẹ nhàng, thanh thoát và ẩn chứa những lời tâm sự, bộc bạch tự hào của người Hà Nội: Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công, đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân, nghe náo nức trong lòng, Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ…”.

Tháng 12/1972, giặc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược B52 hòng hủy diệt tinh thần và ý chí của Hà Nội, chúng muốn Hà Nội phải cúi đầu khuất phục. Thời kỳ ấy, cả Hà Nội ngày đêm rực lửa đánh giặc, những con rồng bay vút lên cao bắn gục B52 rơi tan xác trên đường phố Hà Nội.

Cảm xúc và niềm tự hào trào dâng trong lòng nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông đã sáng tác ngay bài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với lời ca hào hùng mạnh mẽ, toát lên ý chí quyết đánh và quyết thắng của người Hà Nội: “Hà Nội ơi… Trong trận Điện Biên mới oai hùng, sáng rực hào quang chiến thắng. Hà Nội ơi! dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương. Ta bước trên đầu thù, tự hào thay dáng đứng Việt Nam…”. Bài hát ngay lập tức được thu thanh phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, kịp thời cổ vũ và khích lệ quyết tâm chiến thắng quân giặc trên bầu trời Hà Nội.

Cũng trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không” ấy, nhạc sĩ Phan Nhân đã sáng tác bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Một bài hát mà nếu không có hình ảnh “Kìa nòng pháo đang vươn lên trời cao…” thì không ai có thể hình dung được một ca khúc trữ tình lắng đọng tràn đầy tình yêu và hy vọng như thế, lại được ra đời trong tiếng bom gào đạn xé của máy bay thù và những tiếng súng phòng không dõng dạc đáp trả của quân và dân ta: “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô, nghe tiếng cười không quên niềm thương đau. Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau…”.

Còn rất nhiều bài hát hay của các nhạc sĩ khác viết về Hà Nội và mảnh đất Thăng Long lịch sử. Chủ đề “Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội” sẽ là một đề tài vô tận, mảnh đất với bề dày nghìn năm lịch sử mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh, để các nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm “để đời” cho Hà Nội và những người yêu Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên