Long Biên- cây cầu của tình yêu và trăn trở

Cây cầu Long Biên mãi là “nhân chứng” sống của lịch sử, là cây cầu của ký ức và ước mơ, của văn hóa và nghệ thuật, của tình yêu và hạnh phúc, của kháng chiến và gian khổ, của hòa bình và tự do.

Cho đến bây giờ, Hà Nội có thêm nhiều cây cầu mới bắc qua sông Hồng, nhưng đối với người dân thủ đô và nhân dân cả nước, cầu Long Biên mãi là một giá trị không thể thay thế bởi độ tuổi đi kèm với cái duyên bền lâu và vai trò chứng nhân lịch sử của nó.

Thân thuộc và gần gũi, cây cầu hơn 100 tuổi này được ví như bậc trưởng lão trầm tư soi bóng mình trên dòng sông mẹ hiền hòa, sẽ còn là chứng nhân cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Được khởi dựng từ tháng 9/1898 với tên gọi Doumet (theo tên của Viên toàn quyền Đông Dương – Paul Doumet), cầu Long Biên thời bấy giờ gồm 19 nhịp dầm thép, 20 trụ cầu và mố cầu dựng trên nền đất cứng dưới độ sâu 30m. Cầu có đường sắt đơn chạy giữa và hai làn dành cho xe cơ giới và người đi bộ lưu thông hai bên đường.

Là cây cầu đặt khúc đường sắt đầu tiên chạy xuyên các nước Đông Dương, thông suốt tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, cầu Long Biên được thực dân Pháp xây dựng nhằm phục vụ cho việc khai thác, bóc lột tài nguyên và nhân lực Việt Nam đưa về chính quốc. Tuy nhiên, trái với mong muốn ấy, cầu Long Biên lại trở thành “một phần” của Thủ đô và đất nước Việt Nam bởi những gì nó chứng kiến và tham gia suốt từ khi ra đời cũng như ý nghĩa tinh thần, giá trị biểu tượng mà nó mang lại cho người dân cả nước.

Hoạt cảnh tái hiện sự trở về thủ đô của các chiến sỹ từ chiến khu trong sự chào đón của các
thiếu nữ Hà Nội tại cầu Long Biên

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, cầu Long Biên đã chứng kiến khoảnh khắc năm 1945 thực dân Pháp rút lui, trả lại quyền tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam, khi hàng ngàn, hàng ngàn người dân ngoại ô qua cầu về nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Cũng chính cây cầu này đã trung thành, bền bỉ, vững vàng trong suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt của dân tộc mà không hề gục ngã hay bị vô hiệu hóa.

Từ năm 1965 – 1972, cầu Long Biên hứng chịu 14 lần ném bom của giặc Mỹ, trong đó lần thiệt hại nặng nhất là vào tháng 9/1972 với 3 nhịp cầu gãy gục, 4 cột trụ và 1500 m cầu bị hỏng. Chỉ sau 4 tháng (vào 1-1973) cây cầu nối hậu phương với tiền tuyến của quân dân Việt Nam đã lại nhanh chóng được sửa chữa, đưa vào sử dụng, không chỉ thông suốt con đường cho xe tăng, súng đạn chi viện tiền tuyến mà còn chứng kiến trọn vẹn niềm hạnh phúc vỡ òa khi miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất.

Những con diều được trưng bày trên đoạn cầu bị mất nhịp bởi chiến tranh

“Sống” qua ba thế kỷ, lại trải qua bao biến động với nắng gió thời gian, chiến tranh tàn phá, cầu Long Biên giờ chỉ còn 1 nhịp kép phía Bắc, 1 nhịp kép phía Nam cộng thêm với nửa nhịp kép nằm giữa sông là còn giữ được vóc dáng nguyên bản. Các nhịp cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu có khẩu độ nắn đặt trên các trụ xây mới, tuy nhiên sức bền của cây cầu cũng đã trở thành vấn đề người dân Thủ đô phải quan tâm, cân nhắc.

Khi cầu Chương Dương và cầu Thăng Long ra đời, công năng giao thông của cầu Long Biên được giảm tải xuống rất nhiều, có thời điểm chỉ còn gói gọn trong các chuyến tàu qua lại, vòng quay cần mẫn của bánh xe đạp và bước chân thong dong của người đi bộ.

Là tác phẩm nghệ thuật của bàn tay, khối óc con người, vẻ đẹp của cầu Long Biên còn được tô đậm thêm lên nhờ thời gian và giá trị lịch sử mà nó mang trên mình. Kể từ thời điểm khánh thành (năm 1903) với danh xưng “một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới” hay “công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương” cho đến bây giờ, cầu Long Biên vẫn không bị “khuất lấp” giữa những cây cầu hiện đại khác mà trái lại, dường như huy hoàng hơn bởi chính vẻ gỉ sét, già nua, đầy thương tích của mình.

Những hình ảnh gợi nhớ ngày 10/10/1954

Hướng tới Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và 55 năm ngày Giải phóng Thủ đô, tại Hà Nội sẽ diễn ra một Festival “Ký ức cầu Long Biên” trong hai ngày 10 và 11/10/2009 do bà Nguyễn Nga, Giám đốc Festival và ông Daniel Roussel, Giám đốc thiết kế sản xuất lễ hội đảm nhiệm.

Ý tưởng về một Festival chung quanh cầu Long Biên đã được bà Nguyễn Nga ấp ủ trong những năm tháng sống ở Pháp, khi bà còn nhỏ và được chứng kiến những lễ hội chung quanh tháp Effel, trên Quảng trường đại lộ Champs Elise.

Trở về Hà Nội trong những năm gần đây, với những trải nghiệm cảm xúc khi tận mắt nhìn thấy cầu Long Biên, bà đã “quyết tâm” biến ước mơ lãng mạn của mình thành hiện thực. Được sự đồng ý về thủ tục từ phía UBND TP Hà Nội, Festival nghệ thuật “Ký ức cầu Long Biên” dự kiến sẽ diễn ra trong suốt 24 giờ của ngày 11/10, ngay sau ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô. Festival sẽ là dịp trình diễn của rất nhiều loại hình nghệ thuật trên cây cầu, biến cầu Long Biên thành một bảo tàng lịch sử và nghệ thuật sống.

Tham gia Festival, du khách sẽ có cơ hội được biết về bề dày văn hóa lịch sử của cây cầu Long Biên và tham dự các hoạt động sôi nổi tại Festival tới lễ khai mạc hoành tráng bắt đầu từ 9 giờ sáng với một đoàn tàu hỏa sẽ đưa quan khách, các nghệ sĩ và ban tổ chức  đến giữa cầu để cắt băng khai mạc. Tiếp đó, đồng loạt các loại hình nghệ thuật sẽ được trình diễn, du khách và người dân có thể đi theo suốt chiều dài của cây cầu như trải qua chiều dài lịch sử và chiều rộng, chiều sâu của sự phát triển trong suốt thời gian cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI.

Đầu cầu phía Hà Nội sẽ có một sân khấu lớn trình diễn các loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam như: Chầu văn, ca trù, quan họ, chèo… những thể loại âm nhạc ra đời từ thế kỷ XIX của Việt Nam và thế giới. Đầu cầu phía Gia Lâm, là sâu khấu đương đại của thế kỷ XXI với các loại hình mới mẻ như hip hop, rock…

Dọc đường lên cầu là tranh ảnh theo từng thập kỷ do các nhóm họa sĩ vẽ về những hoài niệm và ký ức cây cầu trong 105 năm qua. Đây cũng sẽ là nơi gặp gỡ của các làng nghề truyền thống, giới thiệu đặc sản, tinh hoa của từng vùng miền Bắc bộ. Các kiốt bán sách, bưu ảnh cũ cũng sẽ được trưng bày dọc hai bên thành cầu để người tản bộ có thể tìm hiểu sâu hơn về lịch sử cây cầu cũng như lịch sử của Hà Nội. Dưới sông, sẽ là những chiếc thuyền chài của ngư dân đi lại, nơi người dân có thể thưởng thức ẩm thực của cư dân Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt hơn nữa, lễ cầu siêu cho linh hồn của những người xây dựng cầu, những anh hùng liệt sĩ từng chiến đấu bảo vệ cây cầu, cũng như những linh hồn tha nhân ẩn khuất quanh cầu sẽ được các nhà sư chùa Bồ Đề thực hiện.

Đoạn cầu Long Biên mất nhịp nhìn từ bãi giữa sông Hồng

Khi đêm xuống, 100 đèn “hoa đăng” sẽ được thả xuống dòng sông trong lễ cầu siêu này. Festival cũng được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 55 năm Giải phóng Thủ đô, nghĩa là thời điểm hòa bình được tái lập trên đất nước, nên Tổng đạo diễn cũng đã mời các đại sứ quán có mặt tại Hà Nội tham dự Festival và mỗi sứ quán sẽ trao cho chúng ta một chữ “hòa bình” bằng ngôn ngữ và biểu tượng của nước họ trên một tấm phướn lớn. Cuối chương trình, sẽ có 999 hoa đăng được thả xuống dòng sông.

Vào đúng dịp Thăng Long – Hà Nội tròn 999 năm, cây cầu Long Biên lịch sử với chiều dài 1.682m sẽ là một bảo tàng sống và một không gian triển lãm văn hóa nghệ thuật lớn nhất Việt Nam. Cây cầu Long Biên sẽ là “nhân chứng” sống của lịch sử, là cây cầu của ký ức và ước mơ, của văn hóa và nghệ thuật, của tình yêu và hạnh phúc, của kháng chiến và gian khổ, của hòa bình và tự do. Mỗi nhịp dẫn cầu như thế chứa đựng một phần ký ức và một phần cuộc sống và ngược lại, trong ký ức những người già, trong cảm nhận của thế hệ trẻ, cầu Long Biên cũng là một hình ảnh thật đặc biệt với nhiều cung bậc tình cảm, chứa đựng nhiều câu chuyện riêng tư, kỳ lạ và hấp dẫn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên