Người nặng lòng với đất Thăng Long

Xướng danh Phạm Văn Quý có lẽ ít người biết, nhưng tên các vở kịch nổi tiếng của ông về Thăng Long thì ai cũng quen thuộc. Nguyên do là bởi lâu nay ông cống hiến nhưng ít xuất hiện, chỉ thích đứng sau sân khấu

Mới đây nhất, khi Phạm Văn Quý vinh dự nhận giải thưởng “Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội” trong lễ trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, nhiều người mới ngỡ ngàng trước sức lao động sáng tạo, cũng như tình yêu của ông dành cho Hà Nội, dành cho sân khấu.

Niềm đam mê sân khấu

Ông là giảng viên của trường Kỹ thuật thông tin của Bộ Tư lệnh Thông tin. Một ông giáo làm kỹ thuật mà có một gia tài đồ sộ với khoảng 10 vở kịch viết về Thăng Long - Hà Nội, như: “Kỳ tích Thăng Long” (kịch nói), “Thái tổ Lý Công Uẩn” (tuồng), “Đám cưới người anh hùng” (cải lương), “Tình sử Thăng Long (cải lương)... và ba vở kịch mới nhất vừa ráo mực đã có nhiều nhà hát đến xin được dựng như “Lê Thái Tổ vào Thăng Long”, “Duyên kiếp Thăng Long” và “Danh sĩ Thăng Long” khiến mọi người bất ngờ.

Vở Tình sử Trần triều (Đoàn Cải lương Nam Định) do Phặm Văn Quý viết kịch bản

Nhà viết kịch Phạm Văn Quý sinh năm 1942. Khi là một cậu bé 9, 10 tuổi, ông đã rất yêu sân khấu. Ông thường theo những người có vé hạng nhất vào xem ké kịch. Ông kể: Thời đó, trẻ con làm gì có tiền đi xem kịch, cứ đi ké mọi người rồi khi họ ngồi thì mình đứng xem. Đứng từ đầu đến cuối, xem như hớp mất hồn vậy.

Tình yêu đó cứ đong đầy khiến khi lớn hơn một chút, ông đã tìm nhiều sách sử để nghiên cứu, học tập. Sau đó, ông dành nhiều thời gian hơn quan tâm đến đời sống xã hội, những mặt mạnh hay thói hư tật xấu trong xã hội. Kịch bản của ông viết bởi thế rất đa dạng, phản ánh mọi mặt của xã hội. Nghiệp chính là một giáo viên càng giúp ông có những sự phân tích, nhìn nhận đúng đắn về một sự vật, hiện tượng.

Với ông, nghề tay trái viết các kịch bản sân khấu như: tuồng, chèo, cải lương, kịch... mang đến nhiều niềm vui. Nhiều liên hoan, hội diễn số lượng kịch bản của ông chiếm phần lớn. Căn nhà nhỏ ở 47 Trúc Bạch luôn đông khách bởi nơi đây, những giám đốc các nhà hát phía Nam ra, đạo diễn sân khấu phía Bắc đến để đọc và nhờ ông viết kịch bản mang về dàn dựng.

Nhiều tác phẩm đặc sắc về Hà Nội

Khán giả TP HCM không quên tác giả của những vở kịch lớn: “Người thi hành án tử”, “Tả quân Lê Văn Duyệt”, “Phương thuốc thần kỳ”... hay những hài kịch ấn tượng. Mảnh đất Khánh Hoà không thể quên tác giả Phạm Văn Quý với vở kịch nổi đình đám “Cạm bẫy”, Đồng Tháp nhớ đến ông với “Tầm nhìn”, “Ông thầy thuốc kỳ dị”, “Người cha vĩ đại”... Yêu thích các kịch bản ông viết, Đài Truyền hình TW cũng đặt ông viết các kịch bản Táo quân từ năm 1998 - 2001 để phát sóng vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm.

Những cống hiến đó của ông đã được đền đáp khi ông được trao hàng loạt các giải thưởng tiêu biểu, như: Vở “Thái úy Lý Thường Kiệt” được giải "Vở diễn xuất sắc nhất" năm 2006, do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội trao cho Đoàn Chèo Hà Nội. Đồng thời giành thêm giải nhì Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Vở “Thái tổ Lý Công Uẩn” do Đài Truyền hình Đà Nẵng và Đoàn Tuồng Đà Nẵng cùng dựng - HCV Liên hoan sân khấu truyền hình năm 2007, trao cho Đài Truyền hình Đà Nẵng; Vở “Đám cưới người anh hùng” (Đoàn Cải lương Nam Định) - Giải ba Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2005; “Tình sử Thăng Long”, Giải ba Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2008.

Nhận giải thưởng “Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội” trong lễ trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” là niềm tự hào lớn của ông. Từ khi còn là một cậu bé, ông đã có những cảm xúc rất đặc biệt dành cho mảnh đất này. Đó là những lời kể của ông bà, cha mẹ về một mảnh đất địa linh, nhân kiệt.

Ông bảo: “Có những người yêu Hà Nội nhưng không biết hết về Hà Nội. Là một người chăm quan sát, tôi được tận mắt chứng kiến nhiều sự việc diễn ra nơi đây. Đó là những chứng kiến khi Pháp phá chùa Một Cột trước khi rút khỏi Thủ đô (10/1954) là những lần chính đôi vai tôi cùng nhiều người Hà Nội gánh đất làm đường Thanh niên... Những việc làm đó cứ nhen lên một tình yêu Hà Nội và quyết tâm làm được nhiều việc cho mảnh đất này”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên