Những bài báo của 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội

Âm thầm và lặng lẽ, các nhà báo cả nước thể hiện tình cảm với Thủ đô qua những tác phẩm, phản ánh sinh động nhiều góc nhìn về Hà Nội. Những bài báo hay nhất đã ghi được danh tại Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

“Trở lại Thủ đô lần này, riêng mảng môi trường thôi cũng đủ thấy Hà Nội hôm nay đổi thay nhiều lắm. Đây đó, những công trình kiến trúc hiện đại, những khuôn viên xanh... mọc lên san sát, tạo cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang hơn, xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn...”  Những dòng chữ chứa chan niềm tự hào về Thủ đô Hà Nội, Thành phố Vì hòa bình ấy nằm trong tác phẩm “Ký sự Thăng Long – Hà Nội” của nhà báo Anh Đức, Báo Sơn La, một trong 6 tác giả đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Là người con vùng Tây Bắc, nhà báo Anh Đức chọn thể loại ký sự để có thể truyền tải nhiều nhất thông tin và cảm xúc đến bạn đọc, và hơn thế là đến Thủ đô ngàn năm tuổi. Anh chia sẻ: Chỉ có 1 tuần để tác nghiệp ở Hà Nội, điều khó khăn nhất không phải là điều kiện ăn ở, sự đi lại, mà chính là viết về Thủ đô như thế nào? Nhà báo Anh Đức cho rằng, đề tài về Thăng Long - Hà Nội quá nhiều, quá hay nhưng quá khó.

Sau nhiều trăn trở, Anh Đức đã chọn được những điểm nhấn về Hà Nội vừa truyền thống vừa chuyển mình trong thời đại mới, viết nên một chùm bài về mảnh đất hồn thiêng. Đó là Văn miếu Quốc Tử Giám, cái nôi đầu tiên của nền giáo dục nước nhà; Đại học Bách Khoa Hà Nội, nơi phát huy mạnh mẽ truyền thống giáo dục ấy, rồi đến những giá trị truyền thống như làng lụa Hà Đông; gốm sứ Bát Tràng, ẩm thực Hà Thành, đặc biệt là nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân trong việc bảo vệ môi trường của Thành phố Vì hòa bình…

Nhà báo Anh Đức cũng khéo léo thể hiện sự gắn bó của người Sơn La với Hà Nội, người Hà Nội với Sơn La… Có thể nói, một trong những thành công quan trọng của tác phẩm ký sự này là tuyển chọn thông tin, ngôn từ giàu cảm xúc, làm bật lên những giá trị đáng tự hào của văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Theo nhà báo Anh Đức, thì viết để kỷ niệm Hà Nội nghìn năm là “cơ hội vàng” để người làm báo bày tỏ lòng mình với Thủ đô- trái tim của cả nước:

Sống và làm việc ở miền Trung, nhà báo Thanh Hà, cơ quan thường trú miền Trung của Đài TNVN đoạt giải B cũng trăn trở rất nhiều khi tìm đề tài viết về Thăng Long – Hà Nội. Ý tưởng viết Tác phẩm “Thiên long Việt đồ”- Tấm lòng của những người con xứ Quảng hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của anh ra đời tình cờ trong một lần về quê hương Quảng Nam.

Nhà báo Thanh Hà cho biết: khi viết về tấm bản đồ Việt Nam được làm từ nghìn con rồng này, anh không khỏi xúc động trước tấm lòng của những nghệ nhân đất Quảng với Hà Nội. Họ đã chuẩn bị kế hoạch làm bản đồ bằng 1000 con rồng kết từ vàng ròng cách đây 3 năm. Không biết bao nhiêu người đã lặn lội đi vào các đền chùa, miếu mạo để thu thập hình rồng, gắn kết nên một bản đồ hoành tráng, thiêng liêng, thể hiện chủ quyền của đất nước. 

Tác phẩm báo phát thanh này chỉ dài khoảng 7 phút nhưng nhà báo Thanh Hà truyền tải được rất nhiều thông điệp của các nghệ nhân từ mảnh đất miền Trung. Nhà báo Thanh Hà cho rằng, anh ấn tượng nhất là những nghệ nhân này bỏ ra biết bao công sức, nhưng lại làm việc trong âm thầm, lặng lẽ. Đó là cách thể hiện riêng của những người con miền Trung hướng về Hà Nội trong Đại lễ nghìn năm:

So với những nhà báo khác, nhóm nhà báo Hải Giang, Thu Hiền, báo Hà Nội Mới có nhiều điều kiện hơn khi được sống và làm việc ngay trên mảnh đất Hà thành. Tác phẩm đoạt giải A có tên “Phố cổ Hà Nội, ứng xử thế nào cho phải”, giải quyết vấn đề mang tính thời sự và quan trọng của phố cổ là bảo tồn và phát triển, liên quan đến biện pháp giãn dân để bảo đảm đời sống dân cư trong khu vực “phố Hàng”.

Nhà báo Hải Giang chia sẻ: Chị có may mắn khi 10 năm nay liên tục được viết về Hà Nội, có nhiều trải nghiệm với phố cổ, lại được công tác tại tòa soạn báo mang tên Thủ đô. Thế nhưng, khi bắt tay vào viết loạt 3 bài này, chị và đồng nghiệp vẫn cảm thấy vô cùng khó khăn, bởi phố cổ là một vấn đề khá nhạy cảm và “rất lớn” trong lịch sử 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Với một tình yêu với Thủ đô ngàn năm văn hiến, 2 nhà báo nữ cùng suy tư, cảm nhận và dồn hết tâm huyết trong việc phối hợp với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học phân tích, đánh giá, đưa giải pháp về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đô thị. Trong loạt bài này, phố cổ được coi như một chủ thể đòi hỏi cách nhìn nhận, cách “ứng xử” sao cho xứng tầm. Nhà báo Hải Giang cho biết, viết về một di sản của Thủ đô như phố cổ, nếu không có cảm xúc thì khó có thể viết được.

Có thể nói, những tác phẩm đoạt giải trong Giải báo chí toàn quốc về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tạo ra muôn màu sắc, muôn góc nhìn về Thủ đô. Nhưng điểm chung và cũng là điều kiện để viết nên những tác phẩm báo chí hay, sâu sắc về Hà Nội là tình cảm và sự trải lòng với mảnh đất này. Những bài báo như thế có sức lan tỏa rất lớn trong công chúng, thực sự là những bông hoa tươi thắm dâng lên Đại lễ 1.000 năm tuổi của Thủ đô đang tràn ngập hương sắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên