Ô Quan Chưởng còn mãi với thời gian

Hà Nội có 36 phố phường, nhưng chỉ duy nhất Ô Quan Chưởng gần như còn nguyên vẹn kiến trúc từ lúc xây dựng đến bây giờ. Người xưa kể, mặt thành cổng Ô Quan Chưởng một thời rộng đến mức ngựa có thể phi được

Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ thứ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Ngày nay, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, Hà Nội chỉ còn 5 cửa ô. Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài “Tiến về Hà Nội” nêu: 5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. 5 cửa ô đó là: Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy. Hiện nay, duy nhất còn Ô Quan Chưởng là còn gần như nguyên vẹn về kiến trúc từ lúc xây dựng đến bây giờ.

Ô Quan Chưởng hay còn gọi là Ô Đông Hà, tên chữ là Đông Hà môn, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (năm 1749), đến năm Gia Long thứ ba (năm 1817) được xây dựng lại.

Thời xưa, Ô Quan Chưởng nằm trên đường từ trong thành phố đi ra bờ sông, thuộc địa phận thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài 80m. Phía ngoài cửa ô trước kia coi như đất ngoại thành. Ngày nay, Ô Quan Chưởng nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu. Một mặt hướng về phố Ô Quan Chưởng, một mặt hướng về phố Hàng Chiếu, đi từ Hàng Chiếu lại thì bên tả cửa ô là phố Thanh Hà, bên hữu là phố Đào Duy Từ.

Cổng xây có vọng lâu, được canh gác và kiểm soát cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố bên trong buôn bán. Hiện cửa ô còn nguyên cửa chính và hai cửa con hai bên, trên tường cửa chính có gắn một tấm bia đá do Thống đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. Bên trên cửa lớn có ba chữ Hán - Đông Hà Môn.

Ô Quan Chưởng gần như còn nguyên vẹn kiến trúc sau bao thăng trầm lịch sử

Cụ Triều Đông, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ phường Đông Xuân, sinh sống gần trọn cuộc đời ở phố Thanh Hà gần cửa ô, cho biết: “Cổng Ô Quan Chưởng ngày xưa cổ kính, vĩ đại lắm. Tôi nghe người xưa nói rằng, mặt thành cổng Ô Quan Chưởng rộng đến mức ngựa có thể phi trên đó được.”

Ô Quan Chưởng không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một danh thắng của đất Hà Thành. Ở mọi góc nhìn, cửa ô luôn có được vẻ cổ kính và trang nghiêm. Trong cái nắng ngày hè, bóng cửa ô đổ dài trên đường gạch, thấp thoáng tà áo dài thướt tha và gánh hàng rong ngang qua cửa ô... tất cả tạo nên một bức tranh thơ mộng và rất bình dị. Nhiều nhà nhiếp ảnh và hoạ sĩ đã lấy đây làm nguồn cảm hứng sáng tác.

Ông Nguyễn Bằng Lâm - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Các hoạ sĩ Việt Nam vẽ rất nhiều về Ô Quan Chưởng. Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ Ô Quan Chưởng với những nét riêng độc đáo. Hoạ sĩ - nhiếp ảnh Hoàng Minh cũng đã lột tả được cái “thần” của Ô Quan Chưởng với nhiều bức ảnh thể hiện đời sống sinh hoạt phong phú…”

Lớn lên cùng với sự già đi của cửa ô, những cậu bé ngày nào bây giờ đã ngoài 60 tuổi, trầm ngâm nhớ lại tuổi thơ gắn liền với cửa Ô Quan Chưởng, ông Vũ Mạnh Hiền tâm sự: “Ngày xưa Ô Quan Chưởng còn hoang sơ, ở đây có những cây quả mâm xôi, chim hay đến ăn. Lũ trẻ chúng tôi thường ra đấy bắn chim và lấy lá cây dán vào ngực làm huân chương. Cổng ô này từ ngày hoà bình lập lại mới có một lần trùng tu. Thường những ngày vào hè, ra hè, những ngày tất niên, bà con đều đóng góp làm một cái lễ ở trên cổng ô”.

Chứng kiến bao sự đổi thay của Hà Nội qua gần một thế kỷ, cụ Triều Đông năm nay đã ngoài 90 tuổi, xúc động trước một di tích hào hùng của Thủ đô nên đã sáng tác "Vịnh Ô Quan Chưởng":

Kim cổ Thăng Long vượng khí hùng

Còn lưu trang sử thắm non sông

Cổng xưa quân giữ Ô Quan Chưởng

Tường cũ bia đề những chiến công

Hà Nội ngàn năm bền luỹ thép

Đông Đô muôn thủa vững thành đồng

Danh lam thắng cảnh rêu phong phủ

Dòng dõi rồng tiên gốc lạc hồng

Hà Nội có 36 phố phường nhưng chỉ còn lại duy nhất một cửa ô nguyên vẹn. Ngày nay, mỗi lần qua đây, ai cũng thấy xao xuyến không chỉ bởi đây là dấu tích sống còn lại của kinh thành Thăng Long xưa mà còn là một danh thắng, một cửa ngõ bước vào đất Hà Thành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên