Phố Hàng Thiếc

Hà Nội nổi tiếng với 36 phố phường, nổi tiếng với những phố nghề thủ công truyền thống. Một trong những phố ấy vẫn còn giữ được tên và nghề thủ công truyền thống đó là phố Hàng Thiếc.

Hàng Thiếc là một con phố có tuổi đời khá lâu ở Thăng Long – Hà Nội. Xưa kia, phố Hàng Thiếc nổi tiếng với nghề đúc thiếc làm đồ gia dụng, những sản phẩm nổi tiếng khi đó là lư hương, ấm pha trà, khay đựng trà… Đi trên con phố này, ta sẽ ở trong một không gian khá ồn ĩ bởi tiếng búa gò tôn, tiếng máy cắt sắt hoạt động không ngừng nghỉ từ sáng tới tối mịt.

Là một trong những phố vẫn giữ được nghề thủ công truyền thống đúng với tên gọi mấy trăm năm qua, những người thợ ở phố Hàng Thiếc luôn tự hào vì đến ngày nay vẫn giữ được nghề của cha ông.

“Ăn cơm mỗi bữa một giò

Lấy chồng Hàng Thiếc chẳng lo lắng gì

Cơm ăn mỗi bữa một trâu

Lấy chồng thợ thiếc chẳng giàu cũng vui”

Chỉ một câu ca dao ấy đã nói lên được niềm lạc quan và gắn bó với nghề của những gia đình làm nghề chì thiếc phố này.

Ông Trần Văn Đạt, ở số nhà 69 phố Hàng Thiếc, hậu duệ của ông tổ nghề thiếc cho biết: Ông tổ đời thứ 3 của họ Trần nhà ông quê ở Đan Hội – Hà Đông chính là người khai sinh ra nghề thiếc ở phố này. Từ thời nhà Lê, ông tổ có tên Pháp Phúc đã được nhà vua phong cho là Tích cục trưởng (Cục trưởng cục Thiếc). Dân đến lập nghiệp ở đây chủ yếu là ở Đan Hội – Hà Đông, Thường Tín, Bắc Ninh, Phú Thứ, Khương Thượng, Canh, Diễn… thậm chí có tài liệu còn cho biết còn có một ông tổ nghề thiếc ở mãi tận miền Trung có nghề thiếc mang ra kinh thành lập nghiệp…

Ông Đạt tự hào: “36 phố phường còn lại thì được bao nhiêu phố có tên là Hàng như Hàng Thiếc mà còn giữ nguyên được nghề chì thiếc? Thì phố này đã khẳng định được là không thể mất được, cái nghề chì thiếc ấy sẽ tồn tại mãi vì có những sản phẩm thủ công mà máy không thể làm được, có những dụng cụ và những đồ đặc biệt mà chỉ có tay nghề của người thợ thiếc mới có thể làm ra được…”

Đến những năm giữa thế kỷ 20, do nhu cầu về đồ làm bằng thiếc không còn nhiều, những người thợ ở Hàng Thiếc chuyển sang làm đồ sắt tây. Những thùng sắt tây đựng dầu hỏa do người Pháp mang sang là nguyên liệu chính để những người thợ Hàng Thiếc sử dụng để gò chậu giặt, gáo múc nước, thùng gánh nước…

Những ký ức về một thời “hoàng kim” của nghề gia truyền vẫn còn rất nhiều trong tâm trí những bác thợ cả ở đây. Ông Nguyễn Văn Chức, ở số nhà 33 Hàng Thiếc gần như là người thợ duy nhất còn lại ở đây có thể làm được những món đồ thủ công hoàn toàn. Được thừa hưởng nghề của cụ thân sinh, ông Chức bắt đầu bước vào nghề năm 15 tuổi, đến nay đã ngoài bảy mươi, những người khách với những yêu cầu khó tính luôn tìm đến ông bởi ở cả phố Hàng Thiếc này, gần như chỉ có ông và một hai người nữa có thể đáp ứng được những sản phẩm thủ công cao cấp cần tay nghề cao.

“Năm nay tôi 75 tuổi ta, bây giờ vẫn đang làm nghề. Tôi làm những sản phẩm bà con khu phố không làm được hoặc những sản phẩm cần sự tỷ mỷ thì bà con giới thiệu đến tôi. Thí dụ như bây giờ người ta yêu cầu làm những cái chậu cổ ngày xưa hoặc làm màng mỏng thổi nilon citilen thì cả phố không ai làm cái đó, tôi còn nhớ đã làm cái này 20 năm rồi mà bây giờ vẫn làm… Cái nghề này tôi tin tưởng không bao giờ mất sự tồn tại của nó sẽ mãi mãi…”, ông Chức nói.

Khẳng định của ông Chức là đúng, mặc dù hiện nay đồ nhựa gia dụng chiếm ưu thế. Ông Chức cho biết, có những thứ đồ gia dụng hay máy móc, chỉ có ở Hàng Thiếc mới đáp ứng được. Ví dụ như bồn chứa nước, bây giờ có rất nhiều hãng sản xuất, nhưng không phải điều kiện nhà ai cũng lắp đặt được. Những nhà trong phố diện tích chật chội phải thiết kế riêng bồn nước cho phù hợp thì phải đến đây đặt hàng. Rồi các loại bình tưới nước, ống hút khói,... là những mặt hàng tiêu thụ rất nhiều,…

Giờ đây, hầu hết các hộ làm nghề ở phố Hàng Thiếc chỉ chuyên làm những sản phẩm riêng lẻ theo đơn đặt hàng, còn lại những sản phẩm được sản xuất hàng loạt như thùng tôn đựng tài liệu, xô, chậu,… thì lại nhập về từ các làng nghề ven Hà Nội. Những thợ ở các làng nghề này đều học nghề ở Hàng Thiếc rồi về mở cơ sở sản xuất và đem hàng ra đây bán…

Ông Chức rất tự hào vì có con theo được nghề của mình. Ông tâm sự, giờ tuổi đã cao, tuy vẫn nhúc nhắc làm nghề nhưng dần dần sẽ truyền hết lại cho đứa con này, mong rằng nó sẽ giữ được nghề cha ông và thành đạt. Với những thợ trẻ ông cũng hết lòng truyền dạy kinh nghiệm làm nghề cho họ.

Yêu nghề cha ông để lại, những người như ông Chức, ông Đạt luôn trăn trở với nghề. Với ông Chức, dù rất tự tin khẳng định nghề sẽ còn mãi nhưng ông cũng phải nhìn nhận rằng, những thợ có tay nghề và làm sản phẩm hoàn toàn thủ công như ông bây giờ hầu như chẳng còn mấy ai. Những bạn đồng lứa với ông như ông Đính ở số 3 Hàng Thiếc rất giỏi làm đồ chơi thủ công như chiếc thuyền chạy dầu độc đáo, đèn lồng, ông Quan Công có thể tự múa võ nổi tiếng một thời giờ cũng không làm nữa vì đồ chơi nhựa Trung Quốc tràn ngập và rẻ hơn rất nhiều…

Còn với ông Đạt, hiện giờ ông đang dành thời gian còn lại trong đời để sưu tầm những dụng cụ làm nghề thiếc xưa và nghiên cứu lại lịch sử nghề tổ. Sắp tới, ông mong muốn sẽ có một bảo tàng để trưng bày những tư liệu ấy, giúp cho con cháu Hàng Thiếc biết và nhớ về cội nguồn cha ông mình…

Những phố nghề như Hàng Thiếc, những nghệ nhân như ông Chức, ông Đính là tài sản quý giá, là một phần không thể thiếu để góp phần vào làm nên một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên