Tọa đàm: Người Hà Nội thanh lịch

Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Báo Điện tử VOVNews tổ chức cuộc tọa đàm Người Hà Nội thanh lịch, với sự tham gia của các vị khách mời: Giáo sư Phan Khanh, Thạc sĩ Phùng Quang Trung và nhà văn trẻ Vũ Quỳnh Hương.

MC: Thưa quý vị và các bạn,

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Người Hà Nội nổi tiếng là thanh lịch, hào hoa. Tuy nhiên, gần đây, Hà Nội ngày một phát triển rộng lớn hơn, đông đúc hơn, và cuộc sống dường như cũng trở nên xô bồ hơn. Không ít người nghĩ rằng, sự thanh lịch thật hiếm hoi, hay nói cách khác, bóng dáng người Hà Nội thanh lịch thực sự chỉ còn trong hoài niệm.

Làm thế nào để giữ được nét thanh lịch, tao nhã của người dân sống ở một thủ đô ngàn năm văn hiến? Câu hỏi đó chính là lý do để ngày hôm nay, Báo Điện tử VOVNews tổ chức cuộc tọa đàm “Người Hà Nội thanh lịch”.

Đến dự cuộc tọa đàm hôm nay, xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời:  GS. Phan Khanh- Hội Di sản Văn hóa Việt Nam,  Thạc sĩ Phùng Quang Trung- Phòng Xây dựng Nếp sống và Gia đình, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch HN, Nhà báo, nhà văn trẻ Vũ Quỳnh Hương.

Xin trân trọng cảm ơn sự có mặt của các vị khách mời đã đến tham dự chương trình với chúng tôi.

MC: Thưa GS Phan Khanh, người ta có thể hiểu thế nào về truyền thống thanh lịch của người Hà Nội? Sự thanh lịch ấy có từ bao giờ, vì sao mà có được và nó được thể hiện ra sao?

GS Phan Khanh: Nói về vấn đề người Hà Nội thanh lịch là vấn đề rất thú vị và có thể nói rất dài. Muốn hiểu một người Hà Nội thanh lịch, người ta phải hiểu được cụm từ “thanh lịch”. Từ  “Thanh” trong cụm từ “thanh lịch” có nghĩa là trong sáng, không thô, không tục; còn “lịch” là lịch lãm, lịch thiệp, lịch sự; người ta còn nói đến thanh nhã nghĩa là vừa trong sáng, vừa nhã nhặn lại vừa lịch sự. Thanh lịch có nghĩa là vừa trong sáng, vừa lịch sự, lịch thiệp, nhã nhặn. Như thế, khác hoàn toàn với sự thô tục, với những gì đục, không thanh thì người ta gọi là thanh lịch. Người ta đã dùng cụm từ “thanh lịch” để nói về người Hà Nội từ lâu lắm rồi, ít cũng một vài thế kỷ.

Cách đây trăm năm, sự thanh lịch của người Hà Nội đã đi vào ca dao, tục ngữ. Hà Nội vốn là nơi hội tụ nhân tài từ khắp bốn phương, chứ không phải chỉ có người Hà Nội: có người về làm vua quan, có người làm thầy, có người làm thợ… Tất cả họ đều là những người giỏi, khi về đất Thăng Long, làm cho Hà Nội trở thành nơi hội tụ những người giỏi, luôn luôn sôi động bởi sự cạnh tranh của những người giỏi luôn muốn làm ra những sản phẩm có chất lượng. Khi mà ai cũng làm ra những sản phẩm chất lượng cao, muốn hàng hóa của mình bán được đòi hỏi họ phải có sự khéo léo, nói năng ngọt ngào, cho bùi tai người ta, đặc biệt là chữ tín để người ta mua hàng nhà mình, để người ta còn giới thiệu tiếp cho những người khác đến mua hàng.

Thanh lịch cũng chính là sự tự trọng, có tự trọng mới lịch sự, có tự tin mới lịch sự được.

MC: Nhiều người cho rằng, trong nhịp sống gấp gáp hiện nay, yếu tố nhẹ nhàng, thanh lịch không còn phù hợp, nếu người ta quá nhấn mạnh đến yếu tố thanh lịch thì không bắt kịp được với nhịp sống thời đại, nhận xét của GS. đối với ý kiến này ra sao?

GS. Phan Khanh: Tôi chưa tán thành ý kiến này...

GS Phan Khanh: Đây chỉ là ý kiến của thiểu số. Tôi chưa tán thành với ý kiến này là bởi trong xã hội hiện nay, sự khéo léo luôn rất cần thiết, việc giữ chữ tín cũng rất cần thiết. Nếu chỉ cần thông tin mà không có sự khéo léo thì đó chính là sự “ăn xổi ở thì”. Đã là người Hà Nội văn minh, thanh lịch thì phải biết tự kiềm chế, bất kỳ ai, từ người lớn, trẻ con, người già, người trẻ đều phải biết tự kiềm chế chính điều đó giúp cho con người ta khéo léo, tự trọng, vì chữ tín… tạo cho người ta một nền nếp. Để có được nền nếp ấy, đều bắt nguồn từ sự giáo dục trong mỗi gia đình. Mọi sự giáo dục đều phải quay lại và bắt nguồn từ gia đình chứ không thể từ ngoài đường phố. Trong tương lai, xã hội thông tin sẽ còn phát triển rất mạnh, nhưng việc giáo dục từ trong mỗi gia đình thì không gì có thể thay thế được.

Những cảnh xô bồ, mất lịch sự thế này không thể tồn tại ở Hà Nội

MC: Câu hỏi tiếp theo xin được dành cho Vũ Quỳnh Hương. Là một người trẻ tuổi viết văn, làm báo, và cũng rất yêu Hà Nội, chị hẳn phải có những suy nghĩ riêng về sự thanh lịch của người Hà Nội?.

Vũ Quỳnh Hương: Tất cả những  điều nói về sự thanh nhã, hào hoa, cư xử giữa con người với con người phải dựa trên nền tảng cơ bản là xây dựng cuộc sống và tình yêu thực sự đối với cuộc sống và con ngươi xung quanh, như hành động nhường ghế trên xe buýt, lời  nói nhẹ nhàng, sự quan tâm thực sự đối với người thân… Đơn giản là khi ra ngoài xã hội, bạn cẩn thận trong lời nói, hành động trước những người xa lạ nhưng đôi khi đối với người thân thiết bạn lại lãng quên điều đó.

Cho nên sự thanh lịch phải đối với những người thân thiết, đối với những người trong gia đình mình thì mới có thể thực sự văn minh và văn hoá. Thanh lịch của con người thời đại mới còn thể hiện ở chỗ văn minh với môi trường, cách cư xử văn hoá nơi công cộng, cách cư xử với phụ nữ, với trẻ em….

MC: Có ý kiến cho rằng, giới trẻ hiện nay đang có những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống, và chính giới trẻ đã không còn giữ được những nét thanh lịch, văn minh của đất kinh kỳ xưa. Chị là một gương mặt có thể nói là đại diện cho giới trẻ hiện nay, chị nghĩ thế nào về điều này?

Nhà văn, nhà báo trẻ Vũ Quỳnh Hương
Vũ Quỳnh Hương: Trên thực tế mà nói ý kiến này thực sự khe khắt với giới trẻ. Bởi vì khi chúng ta nói về giới trẻ là chúng ta nói về một cộng đồng có số đông, bao gồm nhiều thành phần trong đó. Chúng ta co một tập hợp người trẻ được học hành, được giáo dục kỹ càng trong nhà trường, nhưng đồng thời chúng ta lại có một tập hợp người trẻ khác có một kiến thức nhất định, trong cuộc sống không được đào tạo, không được chỉ dạy để có thể cư xử một cách hoàn hảo đối với gia đình và xã hội. Giới trẻ hiện nay chịu nhiều áp lực hơn do với ngày trước, bởi do một phần của tính chất xã hội ngày càng phát triển, được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin, nhiều luồng văn hoá, trong đó cũng có nhiều luồng thông tin không tích cực…

Cho nên “sức đề kháng” của giới trẻ trước luồng thông tin đó như thế nào phải phụ thuộc vào tri thức, vào bản lĩnh của mỗi người. Chẳng hạn, hiện nay thông tin trên mạng khá đa dạng, tích cực có, tiêu cực có, mỗi người có thể tự mình có những phát ngôn trên mạng, cho nên giới  trẻ hiện nay vừa được tiếp xúc với luồng thông tin đa dạng nhưng lại phải đối mặt với nhiều luồng thông tin không tích cực. Vì vậy, việc giáo dục trong gia đình, trong cộng đồng, trong nhà trường đối với giới trẻ, vì khi họ có tri thức, họ sẽ có cách hành xử văn minh đối với gia đình và xã hội.

MC: Gần đây có kiến cho rằng: nếu cứ nói chung chung hai chữ Thanh Lịch thì thật là trừu tượng. Thời đại "số hóa" như hiện nay,  sẽ dễ dàng hơn nếu sự thanh lịch được cụ thể bằng những tiêu chuẩn 1, 2, 3, 4... phải được định tính định lượng cho rõ ràng cụ thể; và cũng để có thể đưa vào thực tiễn quản lý đô thị.

Xin được hỏi GS. Phan Khanh, GS. nhận xét thế nào về ý kiến này? Có hợp lý hay không?

GS Phan Khanh: trong thời đại số hoá thì cũng phải điều chỉnh hành vi của con người...

GS. Phan Khanh: Theo tôi trong thời đại số hoá thì cũng phải điều chỉnh hành vi của con người, để làm cho con người thích hợp với hoàn cảnh mới của xã hội. Thanh lịch không chỉ phải ở trong lời nói mà ăn uống cũng thanh lịch, mặc, ở cũng phải thanh lịch…. Vì thế theo tôi nếu có thể được rất nên viết ra những dạng nhẹ văn vần, ca dao, hò vè về từng dạng một. Trong các đoàn thể thì nên có lời khuyên cho phù hợp với từng đối tượng như thanh niên, phụ nữ, thiếu niên….

Theo tôi để hiện đại hoá việc này nên có những quy định và quy định nên giản dị, viết thành văn vần cho phù hợp với từng đối tượng, như thế nó dễ đi vào lòng người. Ngày bé, bố mẹ tôi thường dạy tôi bằng những cách như vậy và có một bài ca dao đến giờ tôi vẫn nhớ: Con ơi muốn nên thân người/Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha/Gái thì giữ việc trong nhà/Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa…

MC: Vâng. Thưa GS., một số người cho rằng, thời đại thay đổi, con người thay đổi, thì khái niệm thanh lịch của người Hà Nội cũng cần và nên thay đổi. Nhất là giới trẻ hiện nay, không phải là họ không quan tâm đến thanh lịch, văn minh, nhưng cách nhìn nhận của họ về vấn đề này khác xa so với cách nhìn của thế hệ ông bà, cha mẹ. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

GS. Phan Khanh: Theo tôi thay đổi thì tôi tán thành, có thể thay đổi trong cách ăn, cách ở, cách đi lại…. Nhưng nếu quan niệm thanh lịch của thanh niên bây giờ khác xa với các cụ ngày xưa thì không nên, đời sống mới thì thanh lịch theo kiểu mới nhưng vẫn phải vào thưa, ra gửi, vẫn phải giữ lễ độ, sự lịch thiệp…. Độ lịch thiệp phải phù hợp với hoàn cảnh mới, còn sự thô tục chắc chắn phải loại bỏ.

Độ lịch thiệp phải phù hợp với hoàn cảnh mới

MC: Xin cảm ơn GS Phan Khanh. Còn nhà báo Vũ Quỳnh Hương, nhìn từ góc độ của một người trẻ, chị nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Vũ Quỳnh Hương: Trước hết mình phải nói rằng ý kiến đưa ra các cuộc thi, đặt  các tiêu chuẩn thanh lịch thành các bài vần vè như GS Khanh nói là một ý kiến rất thú vị. Tuy nhiên nếu xét trên phương diện một xã hội mới của một thời đại mới thì “bài toán” GS. Khanh đưa ra là một bài toán về nhận thức. Và để cải thiện nhận thức củau con người đòi hỏi phải có quá trình dài lâu và kiên nhẫn. Trong khi đó, dưới góc độ quản  lý, để biến đổi nhận thức nên có một chế  tài về định tính và định lượng, để  cải biến hành động của một số đông. Con người thời đại mới cần học cách tuân thủ kỷ luật để học cách văn minh.

MC: Chị nghĩ thế nào về việc nên hay không nên đặt ra tiêu chuẩn  cụ thể về một người Hà Nội thanh lịch, nêu thành quy định để mọi người thực hiện theo?

Vũ Quỳnh Hương: Đây là một câu hỏi tương đối rộng. Tuy nhiên nếu nói quy chuẩn để áp dụng cho một số đông, vì Hà Nội ngày nay không còn là Hà Nội ngày xưa nữa, Hà Nội được mở rộng, có thêm những luồng dân cư và những luồng văn hoá mới. Sự đa dạng trong văn hoá, trong  con người trở thành một bài toán khó để đưa ra mẫu số chung. Mẫu số chung cuối cùng trong vấn đề thanh lịch ở mỗi con người là xây dựng quan hệ giữa con ngươi với con người, giữa con ngươi với môi trường, chúng ta cư xử văn minh thân thiện mới môi trường, với người thân, với xã hội thì đó là vấn đề cao nhất trong việc quy chuẩn về vấn đề thanh lịch.

ThS. Phùng Quang Trung: Người Hà Nội gốc không còn nhiều...

MC: Thưa Thạc sĩ Phùng Quang Trung, việc tuyên truyền quảng bá về truyền thống Hà Nội thanh lịch văn minh đã luôn được thực hiện. Gần đây, để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, công tác này đang được đẩy mạnh hơn. Tuy vậy còn nhiều băn khoăn, quan ngại là liệu sức lan tỏa của nếp sống thanh lịch này có đủ mạnh để nó trở thành một hành trang cho mỗi người dân bước vào thế kỷ mới, khi trên đường phố hiện nay có quá nhiều hiện tượng cho thấy sự kém thanh lịch của con người: như vứt rác ra đường, vượt đèn đỏ, chen lấn xô đẩy, nói năng không ôn hòa, thậm chí văng tục chửi bậy… Cơ quan chức năng của Hà Nội đã và đang làm gì để góp phần giữ gìn nếp sống văn hóa Hà Nội?

Ông Phùng Quang Trung: Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết thực hiện nếp sống văn hóa của thành phố, từ năm 1990, ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã tham mưu cho thành phố vận động người dân tham gia xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu dân cư văn hóa…

Năm 2006, Thành ủy Hà Nội cũng đã hoàn thành chương trình 08 về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 41, ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền. Thông qua việc triển khai đồng bộ đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng đảng viên, chúng tôi xác định tiêu chí của người Hà Nội thanh lịch là yêu nước, có tâm huyết, trách nhiệm với thủ đô; có lối sống tự trọng, nghĩa tình, nếp sống văn hóa trong gia đình và nơi công cộng.

Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến hành vi ứng xử văn hóa trong gia đình, cơ quan và trong cả cộng đồng. Quán triệt việc phải giáo dục nhân cách người Hà Nội là văn minh, thanh lịch, cấp tiến, hội tụ và tỏa sang. Người Hà Nội thanh lịch đã có truyền thống ngàn năm, từ ăn uống, đi lại, nói năng, rồi trong phong tục, trang phục. Đặc biệt văn hóa trong gia đình, chú trong triển khai phong trào gia đình văn hóa là cốt lõi: gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng mỗi thành viên sau này của xã hội.

Bên tượng đài Lý Thái Tổ

MC: Thưa ông Trung, không ít người nghĩ rằng, nét đẹp của Hà Nội nằm ở những người Hà Nội "gốc"... Theo ông quan điểm này có phù hợp với Chiến lược xây dựng con người Hà Nội trong thời đại mới hay không? 

Ông Phùng Quang Trung: Chúng tôi xác định, khi có sự hội  nhập, sự mở rộng địa giới của thủ đô thì với số lượng 29 quận, và số người dân, thì đối tượng rất là đa dạng. Người Hà Nội gốc hiện không còn nhiều, nhất là người Hà Nội ở các phố cổ.

Trong việc chúng ta phát huy giá trị về thanh lịch của người Hà Nội hiện nay, chúng tôi cũng xác định có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn. Đó là vấn đề về quy hoạch, đó là các tiết chế văn hoá của chúng ta chưa hoàn chỉnh. Việc thứ hai là các công trình văn hoá tầm cỡ chúng ta chưa có, ngoài Trung tâm Hội nghị quốc gia. Thứ ba là môi trường văn hoá, thể hiện trong việc thanh lịch văn minh nơi công cộng như ngắt hoa, vứt rác… Lớp trẻ nói chung trong việc nhận thức về vấn đề này còn thiếu ý thức, nặng về hưởng thụ… Chúng  tôi cũng xác định ngành VH-TT-DL tham mưu cho thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Chúng tôi cũng đang tham mưu cho UBND thành phố ban hành những quy chế cụ thể xử phạt hành chính trong vi phạm lối sống văn minh công cộng.

Du xuân ngày Tết

MC: Thưa GS Phan Khanh, gần đây nhiều lễ hội văn hóa được tổ chức ở Hà Nội nhưng cách ứng xử của những người tham gia những lễ hội này lại không đẹp chút nào. Liệu có phải, nét đẹp Tràng An đã không còn được người ta chú ý? 

GS Phan Khanh: Trong lễ hội hiện nay có nhược điểm là tất cả lo kiếm được nhiều tiền và kiếm được nhanh. Do sự nóng vội như thế nó gây ra những sự lộn xộn trong xã hội. Vì thế cần phải có những chế tài quy định cụ thể, như trong lễ hội cấm không buôn bán, và được bán thì ở những điểm như thế nào… Có chế tài  xử phạt nghiêm thì dần dần sự lộn xộn mới đi vào nền nếp.

MC: Thưa GS Phan Khanh, nhà văn Tô Hoài từng bày tỏ tha thiết đề nghị đưa môn Hà Nội học vào dạy cho học sinh ở thủ đô, để trẻ em được giáo dục về truyền thống và phẩm chất của con người Hà Nội, theo ông việc này có hợp lý không và có thể thực hiện được không ?

GS Phan Khanh: Theo tôi vấn đề dạy môn Hà Nội học là rất cần thiết, tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của nhà văn Tô Hoài. Và Hà Nội có lịch sử ít nhất là 1.000 năm, nên tuỳ từng đối tượng có các đối tượng, nội dung khác nhau nên theo tôi, rất nên cho các cháu được học. Nhưng cho các cháu học phải có thực tế. học lý thuyết ít thôi, có như vậy mới những kiến thức mới “ăn” vào tâm khảm các cháu.

* Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc Tọa đàm!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên