Tứ trấn của thành Thăng Long

Tứ trấn Thăng Long có lịch sử gắn bó ngàn năm với Kinh thành, như một dấu ấn văn hóa tâm linh Việt

Kinh đô Thăng Long thờ 4 vị thần trấn giữ 4 phía: đông, tây, nam, bắc của thành Thăng Long từ ngàn năm trước cho đến tận ngày nay. Người khai sáng Thăng Long - Vua Lý Thái Tổ - vốn là một võ tướng, có lẽ vì vậy mà cả 4 vị thần trấn giữ Thăng Long đều là võ thần chứ không phải văn thần.

Trấn Đông - Đền Bạch Mã

Trước kia thuộc phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, nơi cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng, đoạn sông Tô Lịch nơi đây đã bị lấp. Hiện nay đền ở số nhà 76 phố Hàng Buồm, thành phố Hà Nội.

Đền thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương. Đền Bạch Mã lấy tích từ câu chuyện kể về Lý Thái Tổ cầu thần Long Đỗ mong được sự phù trợ định đô, xây thành, nên nằm mơ thấy: Bằng dấu chân của mình, một con ngựa trắng đã chỉ cho vua biết đường thành Thăng Long phải trải qua những đâu thì đắp mới được vững vàng. Vì thế khi xây xong thành, nhà vua đã phong thần Long Đỗ là Thành hoàng quốc đô Thăng Long và đặt tên cho đền là Bạch Mã.

Trấn Đông - Đền Bạch Mã

Tương truyền đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ IX và được trùng tu nhiều lần. Trong đền còn bức hoành phi ghi 4 chữ: “Đông trấn chính từ” (đền chính trấn giữ phía Đông). Thời Nguyễn vào năm 1939 dựng thêm Văn chỉ bên trái đền, lại dựng phương đình (tức đình hình vuông) để làm nơi cúng lễ.

Đền quay mặt về phía Đông Nam. Trong đền còn giữ được 15 tấm bia, các bia chép sự tích đền và thần, nghi lễ cúng bái, các lần trùng tu tôn tạo… Tấm bia cổ nhất vào đời Chính Hoà thứ 8 (1867). Lúc đó đền thuộc phủ Phụng Thiên, huyện Thọ Xương, phường Hà Khẩu. Triều Nguyễn có bia đề Minh Mạng nguyên niên (1820), Tự Đức nguyên niên (1848). Đền Bạch Mã với diện tích hơn 500m2, là một công trình đồ sộ còn được gìn giữ, bảo quản khá tốt. Tuy đền đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc thời Trần, Lê. Các cửa võng, các mảng điêu khắc trong đền mang tính nghệ thuật cao.

Vào thời Trần, ba lần quân Mông - Nguyên sang xâm lược, đốt phá kinh thành, nhưng đền vẫn vô sự. Lúc hoàn giá kinh đô, Thái sư Trần Quang Khải đã có thơ đề ở đền: “Hoả bốc tam khu thiêu bất tận; Phong trần nhất trận phiếu nan khuynh”. Tạm dịch: “Bốn bề khói lửa, không sao hết; Gió bụi một trận chẳng hề chi”.

Trấn Tây - Đền Linh Lang

Còn gọi là đền Voi Phục, nay nằm trong khu công viên Thủ Lệ, Ba Đình. Đền thờ Linh Lang đại vương, là hậu thân của thần Linh Lang từ thuở lập quốc, Linh Lang đại vương thời Lý là tước thần của hoàng tử Hoằng Chân, trấn giữ mặt phía tây Thăng Long. Tên gọi của đền không chỉ biểu thị một ý nghĩa cụ thể về 2 con voi quì phục trước cửa ngoài khi du khách bước vào đường chính đạo tới đền, nó còn mang một ý nghĩa linh thiêng, gắn bó với sự tích anh hùng của buổi đầu dựng nước.

Trấn Tây - Đền Linh Lang  (Voi phục)

Cuốn Thần tích tại Đền thờ Linh Lang đại vương ghi chép sự tích, công lao của Linh Lang đại vương đã được trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) cho sao chép lại: ...“Khi ấy có tướng giặc Tống là Triệu Tiết, Quách Quì thống lĩnh 9 tướng: Hồng, Châu, Vũ, Nhị, Dư, Tỉnh, Hoàng, Vĩnh, Trinh phối hợp với quân Chiêu kéo đến xâm lược nước ta. Quân giặc tới miền Quốc Oai, thế giặc rất mạnh, Kinh thành náo động, nhà vua lo lắng, vua sai sứ giả đi chiêu mộ người tài đánh giặc. Sứ giả đến trại Thủ Lệ, Vương lúc này đang nằm, nghe thấy sứ giả, đã xin mẹ mời sứ giả vào. Vương xui nhà vua sắm cho một ngọn cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi đực. Nhà vua không những chuẩn theo lời đề nghị của Vương, mà còn cấp thêm hơn mười vạn binh lính, Vương lại mộ thêm nghĩa sĩ của bản trại được 121 người. Sắp đặt quân tướng xong, Vương hạ lệnh bá quân xông lên. Đến phủ Phú Lương, ngọn cờ đào vừa vung lên, quân giặc đã tan vỡ. Sau khi thắng trận, Linh Lang trở về đất cũ, được ít lâu thì hóa ở đấy. Nhà vua phong tước cho Linh Lang và cho sửa lại nơi ở cũ của Người để làm đền thờ”.

Thần Linh Lang được nhiều nơi trong cả nước thờ cúng, mỗi nơi đều có bản thần tích riêng. Theo thống kê tại kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã có trên 70 vạn bản thần tích ghi chép về sự tích thần Linh Lang. Hình tượng thần Linh Lang là hình tượng người anh hùng trong công cuộc dẹp giặc ngoại xâm ở buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trấn Nam - Đền Kim Liên

Nằm ở số 148 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, là một “tứ trấn” - trấn phía Nam của Kinh thành Thăng Long xưa. Đền còn có đình Cao Sơn, văn bản cổ nhất về di tích này (niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 năm 1510) gọi nguyên tên đình là “Cao Sơn đại vương thần từ” (đền thần Cao Sơn đại vương).

Trấn Nam - Đền Kim Liên

Được khởi dựng từ đầu triều Lý, thờ thần Cao Sơn, vị thần núi có công trấn giữ sơn mạch nước Việt từ ngàn xưa, từng là vị thần sát cánh với Sơn Tinh hiển hách trong truyền thuyết cổ. Cao Sơn được chọn làm vị thần trấn giữ mặt nam của Thăng Long. Thần Cao Sơn có sự tích nằm trong hệ thống huyền thoại thời dựng nước và giữ nước đầu tiên được thờ ở rất nhiều nơi, trong địa bàn tụ cư của người Việt cổ. Truyền thuyết về Cao Sơn đại vương rất phong phú và ngày càng được lịch sử hóa. Sớm nhất, là chuyện kể về thần Cao Sơn là con Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, một trong 50 người con theo mẹ lên núi. Vị thần thứ hai được thờ trong đền là Tản Viên Sơn thánh. Đến thời Lê thần Cao Sơn đã được lịch sử hóa, có tên gọi và quê quán. Đó là Nguyễn Hiền, cùng với em ruột là Nguyễn Sùng (tức là thần Quí Minh), đều là con người chú ruột của Sơn Tinh Nguyễn Tuấn. Họ là người ở trang Thanh Uyên (nay là xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Đầu thời Lê Trung Hưng, Cao Sơn đại vương được đặc biệt đề cao, do có công phù trợ vua Lê giành lại ngai vàng. Bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh tự” dựng năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772) khắc lời văn của sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ niên hiệu Hồng Thuận 3 (1510) cho biết: Khi vua Lê Tương Dực dấy quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của nhà Lê, có 3 vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ, Nguyễn Văn Lữ thụ mệnh đem quân đi chinh phạt, đến địa phận huyện Phụng Hóa (Nho Quan) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ mang 4 chữ “Cao Sơn đại vương”, thì lấy làm kinh dị, bèn khẩn cầu được thần phù trợ, quả nhiên 10 ngày đã thành công. Vì thế, vua Lê Tương Dực cho xây dựng lại đền thờ, và tấm bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” vốn ở huyện Phụng Hóa, đến đời Hoằng Định (1600-1619) lại nổi lên ở bến Bồ Đề và được dân phường Kim Liên rước về đặt ở di tích như ngày nay.

Trấn Bắc - Quán Trấn Vũ

Cũng gọi là đền Quán Thánh, xưa kia gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ quán, nằm ở ngã tư đường Quán Thánh và đường Thanh Niên. Khu vực quán Trấn Vũ xưa kia rất rộng, kéo dài đến tận phố Châu Long, là huyệt đất được chọn làm Hậu chẩm cho Hoàng thành Thăng Long, xây năm 1010. Quán thờ Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế, là một trong các vị thánh kiệt xuất của đạo Lão, từng giúp dân Việt chống các cuộc xâm lăng của phương Bắc. Từ khi định đô Thăng Long, Huyền Thiên Trấn Vũ được cho trấn giữ phía Bắc thành.

Trấn Bắc Quán Trấn Vũ

Sự khác nhau về hành trạng, xuất xứ của các vị thần, cho thấy sự giao tiếp văn hóa của Thăng Long từ khởi thủy. Trấn Vũ là vị thánh của đạo Lão, có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại. Dùng một vị thánh như vậy để bảo vệ cửa ngõ phía bắc Thăng Long, hẳn rằng không một thế lực nào có thể xâm phạm được. Trấn yểm cửa Bắc cũng có nghĩa là trấn yểm cả phương Bắc. Tục truyền Trấn Vũ đã từng 3 lần hiển linh giúp dân Việt đánh thắng giặc ngoại xâm. Cao Sơn trấn giữ phía nam không những giữ yên Thăng Long mà cho cả Đại Việt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên