Thư thính giả, độc giả từ 12-18/4

Nhiều chủ đề được bạn đọc quan tâm gửi ý kiến chia sẻ với VOVNews, đặc biệt là về lễ hội hoa anh đào được tổ chức cuối tuần trước.  

Thất vọng vì “Lễ hội hoa anh đào”

Một sự kiện văn hoá được nhiều người quan tâm và cũng lắm chuyện “lùm xùm” trong tuần qua đó là Lễ hội hoa Anh đào.

Bạn Viet Dung (kofaisao@...) cho rằng: Lễ hội hoa anh đào ở sân Quần ngựa tổ chúc chưa được tốt. Lực lượng công an, dân phòng chỉ chú trọng vào việc trông giữ hoa nên không để ý đến chuyện tắc đường ở ngoài và khu vực cổng vào. Hàng nghìn người chen chúc nhau kẻ đi vào, người đi ra vô cùng lộn xộn. Ban tổ chức không để lối đi vào - ra riêng biệt .

Bạn Nguyễn Lê Hoa (nguyenlehoa2000@yahoo.com) viết: Ban tổ chức nên xem lại cách tổ chức lễ hội hoa anh đào! Đến với lễ hội hoa anh đào lần này, tôi thấy thật thất vọng trước cách tổ chức thiếu khoa học. Trên các trang báo quảng cáo về lễ hội, không có trang báo nào nói rằng hoa anh đào thật chỉ xuất hiện vào khoảng 10 giờ sáng Chủ nhật ngày 12/4/2009. Người dân nô nức đến xem, mang theo cả con nhỏ để rồi tất cả đều buồn bã ra về khi chỉ được ngắm những cành hoa lụa được bảo vệ vô cùng cẩn mật.

Trước đó, họ đã phải vất vả để tìm được một chỗ để xe ở bên ngoài sân vận động với giá cắt cổ 10.000đ/xe. Không hiểu vai trò của Ban tổ chức ở đâu khi trên vỉa hè, nơi để xe do Ban tổ chức quản lý vẫn còn chỗ để xe nhưng họ lại được trả lời là không còn vé (lúc này là khoảng 19.10 phút tối 10/4/2009). Đến khu vực chiếu phim, một đoàn người chen chúc chờ đợi để được vào xem phim. Phim chiếu lúc 19.30 tối là phim hoạt hình (trong quảng cáo không yêu cầu phải có vé). Phim chiếu lúc 20.30 tối là phim cần phải có vé (đã phát 500 vé ngày 07/4/2009). Nhưng khi người lớn dẫn trẻ em vào xem phim hoạt hình thì tất cả lại được yêu cầu phải có vé mới được vào xem ?! Tại sao lại phải cần đến 5-6 người soát vé và xếp hàng vất vả như vậy mới được vào trong khi lượng ghế ngồi trong sân vận động thừa đủ cho tất cả mọi người vào xem?!

Ngồi chờ trong sân vận động tới 30 phút mà phim vẫn chưa được chiếu, khiến cho không ít người sốt ruột bỏ về. Thế là diễn ra nghịch lý, người ngồi trong thì muốn bỏ ra ngoài, người ở ngoài thì muốn được vào trong. May thay, sau 35 phút thì phim hoạt hình cũng được chiếu, một bộ phim có mở đầu nhưng không có kết thúc. Nó có vẻ giống như một tập đầu tiên trong một bộ phim nhiều tập. Chắc là Ban tổ chức cũng chưa xem xét kỹ nội dung của phim trước khi trình chiếu.

 Thu phí giao dịch ATM là chưa hợp lý

Sau khi có thông tin về dự thảo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thu phí các giao dịch ATM, bạn đọc Cuong (C_trancuong@...) viết thư tới VOVNews bày tỏ: Tôi thấy việc thu phí giao dịch ATM là không phù hợp lắm, bởi đa số người sử dụng thẻ là công nhân viên chức. Đây là điều bắt buộc nên CNVC họ phải tham gia giao dịch ATM để nhận tiền lương, tiền công của họ. Xét lại vấn đề này chúng ta có thể thấy nếu họ không phải nhận tiền công tiền lương qua thẻ ATM thì điều đương nhiên họ không phải tốn chi phí đi lại để giao dịch. Trong khi đó các cây ATM hoạt động không hiệu quả, hết tiền cán bộ CNVC phải đi lại nhiều lần. Như vậy nếu áp đặt việc thu phí giao dịch ATM khiến công nhân viên lại phải tốn thêm một khoản tiền nữa để nhận được tiền lương, tiền công. Tuy số tiền nhỏ nhưng nó lại công thêm vào những phiền hà do giao dịch quan ATM mang lại.

 Tin nhắn rác

Sau khi đăng bài viết “Tin nhắn rác: giải trí hay phạm pháp”, VOVNews nhận được khá nhiều ý kiến của độc giả, thính giả xung quanh chủ đề này.

Bạn Hoang Anh (hoanganh@...) Cần phải có biện pháp ngăn chặn những tin nhắn lừa đảo kiểu này (trong đó có thể có một số người trong tổng đài lợi dụng chức năng của mình để lừa đảo khách hàng). Nên loại bỏ ngay những người như vậy.

Bạn Hoa (hoa@...) cũng cho biết: Hiện nay tôi đang dùng mạng vinaphone, nhưng những ngày gần đây tôi thấy rất khó chịu vì những tin nhắn rác quá nhiều. Liệu Vinaphone có cách nào ngăn chạn bớt kiểu tin nhắn rác này không?

Chúng tôi cũng như các bạn, mong rằng nhà cung cấp dịch vụ (cụ thể ở đây là Vinaphone) sẽ sớm có cách xử lý để tránh phiền hà cho khách hàng. Bởi chính tác giả của bài viết này cũng là “nạn nhân” của tin nhắn rác.

Những phản hồi khác

Sau khi có những bài viết trân trọng về dòng họ Đặng (những người đã cung cấp các tài liệu quí hiếm về Trường Sa, Hoàng Sa, bạn Cao Chưởng Phong (Chuongphongthedu@...) viết “Lời chân tình cám ơn gửi họ Đặng!”. Thư bạn viết: “Tôi xin chân tình cám ơn rất nhiều và rất nhiều gia tộc họ Đặng! Suốt mấy ngày nay tôi lo lắng bồn chồn và... đến hôm nay được biết báu vật của gia tộc họ Đặng chính thức gửi cho Bộ Ngoại giao nghiên cứu tôi mới thực sự vui cùng đồng bào cả nước.

Nay tôi xin đề nghị các tộc họ, bà con ở Lý Sơn và cả kiều bào cùng đồng bào cả nước nên tìm kiếm lại những báu vật như vậy của gia đình họ tộc mình gửi cho Nhà nước ta nghiên cứu để khẳng định hơn nữa Hoàng Sa và Trường Sa là của Dân Tộc Việt Nam. Hãy nghĩ cho đất nước đừng vì cái lợi bé, cái hiềm khích nhỏ mà mang tội muôn đời với dân tộc, với tổ tiên, với Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ.

Bạn Trương Minh Thông (ghostnorton2000@...) đưa ra cảm nghĩ của mình về lễ hội Đâm Trâu! Bạn viết: “Bây giờ đã là thời đại văn minh, khoa học kĩ thuật đã phát triển vậy mà vẫn còn những người mê tín tin thần bán thánh, mượn danh nghĩ cầu tài lộc để làm ra những việc thật không xứng đáng. Con người ai cũng mong muốn mình là người sống hạnh phúc. Nhưng không phải bằng cách đâm chém các con vật. Những hình ảnh máu me tùm lum sẽ ngấm vào máu thịt của nhưng em nhỏ và không ai có thể biết trước sau này các em nhỏ này sẽ lớn lên như thế nào. Chúng ta đang tuyên truyền về những tác hại của phim bạo lực ảnh hưởng đến thế hệ trẻ vậy mà chúng ta lại góp tay chung vui, cổ vũ nhưng cái gọi là "lễ hội văn hoá". Tôi không biết nó có xứng với tầm vóc là văn hoá không. Chúng ta nên tuyên truyền và chấm dứt những hành động đâm chém, bởi nó thật quá dã man, thật tàn bạo.

Sau khi đọc bài viết “Những lò gạch xé nát bầu trời” bạn đọc có tên Tuấn  (phungtuan@...) khẳng định: “Cần sớm có biện pháp trước khi quá muộn. Nhà tôi ở gần khu vực bài viết nói đến. Tôi thường xuyên phải qua khu vực này và nhận thấy những lò gạch ở đây quả đúng là nỗi kinh hoàng với người dân. Mức độ ô nhiễm không khí khá nặng. Hơn nữa là một vùng quê mà đồng ruộng không thể cấy được lúa vì đất bị đào làm màu. Xin được cám ơn tác giả đã có bài viết khá thực tế!

Bạn Vũ Công Thọ (vucongtho2009@...) và bạn Bùi Hữu Tài (tai.bui@...) cùng chung mối quan tâm về y học cổ truyền.

Trong thư gửi đến VOVNews sau khi đọc bài Đổi mới công nghệ ngành Đông y (http://vovnews.vn/Home/Doi-moi-cong-nghe-nganh-Dong-y/20093/108325.vov) bạn Bùi Hữu Tài viết: “Qua bài viết trên với vị trí là nhà tư vấn thiết kế trong ngành Tây dược tôi xin có ý kiến như sau: Việc cải tiến trang thiết bị máy móc cho ngành Đông dược là hoàn toàn hợp lý nhưng để sản phẩm thật sự đạt chất lượng thì khâu bảo quản và môi trường không khí sản xuất cũng rất quan trọng. Đất nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió nóng ẩm thì việc xử lý ẩm trong khâu bảo quản thuốc & môi trường sản xuất tốt không bị ảnh hưởng bởi khí hậu nóng-ẩm từ bên ngoài là điều rất quan trong. Vì vậy nếu được hợp tác với Quý tòa soạn trong việc truyền tải những tin tức về kiến thức này đến ngành Đông dược là góp phần vào việc giúp ngành này ngày càng phát triển. Xin chân thành cám ơn Quý tòa soạn.

Bạn Bùi Hữu Tài cũng để lại địa chỉ email để những người quan tâm cùng chia sẻ: Bui Huu Tai SPACE ENGINEERING Co, Ltd. Level 1, 72 Ton That Tung, Dist. 1 HoChiMinh City, VietNam Telephone(+84) 62915386 Mobile:(+84) 0909494107 Web: www.SpaceEng.net Email: tai.bui@spaceeng.net

Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ tâm huyết của bạn về vấn đề này trên trang của VOVNews.

Một số thắc mắc

Bạn Duong (thangcoixuong@...) hỏi về lịch chiếu phim "Đừng Đốt" tại TP.HCM. “Bố mẹ tôi muốn xem bộ phim "Đừng Đốt" - chuyển thể từ tiểu thuyết của Đặng Thùy Trâm. Xin hỏi thời gian công chiếu, địa điểm công chiếu và tôi có thể mua vé phim tại địa chỉ nào?” - bạn hỏi.

“Đừng đốt” sẽ được công chiếu rộng rãi tại các rạp trên toàm quốc bắt đầu từ ngày 29/4, là bộ phim mở đầu cho tuần phim 30/4 năm nay. Vì thế, bạn có thể mua vé xem bộ phim này tại rất nhiều rạp chiếu phim.

 Bạn Ngô Gia Linh (ngogialinh_1950@...) Sống ở Hà Nội từ thuở bé, tôi chưa hề nghe thấy tên rạp Minh Châu bao giờ. Những năm 60 của thế kỷ trước tôi còn học cấp 1 đã có tên rạp Kim Đồng rồi. Hồi ấy chiếu phim cho thiếu nhi có 1 hào/vé.

Bạn thân mến, theo những ghi chép về rạp Kim Đồng, chúng tôi được biết: trước năm 1975 rạp có tên là Minh Châu, sau đó mang tên là rạp Tuổi trẻ trong một thời gian ngắn và có tên rạp Kim Đồng cho tới ngày nay.

Liên quan đến cuộc thi “Văn học tuổi 20”, bạn Nhược Lâm (my_newlife1991@...) hỏi: Năm nay Lâm 18 tuổi, vậy có đủ để tham gia cuộc thi văn học lớn này hay không? Mong nhận được câu trả lời sớm!(^.^)

Bạn thân mến! Đây là cuộc thi dành cho người viết trên cả nước và người Việt ở nước ngoài. Tên của cuộc thi là “Văn học cho tuổi 20” để viết về tấm gương những người trẻ tuổi, có chí khí vươn lên trong cuộc sống chứ không phải là cuộc thi chỉ dành cho những người 20 tuổi. Bạn muốn tham gia cuộc thi này thì hoàn toàn phù hợp.

Xin gửi tới bạn một số nét chính của cuộc thi: Các tác phẩm tập trung vào hai thể loại: truyện dài (không quá 200 trang A4) và tập truyện ngắn (ít nhất là 6 truyện). Tác phẩm tham gia cuộc vận động phải là sáng tác mới, chưa từng công bố trên các phương tiện truyền thông (báo chí, xuất bản, mạng Internet); không chấp nhận các tác phẩm phóng tác hoặc chuyển thể; bản thảo tham gia cuộc vận động phải đánh máy trên một mặt giấy (A4). Người gửi bản thảo tham gia cần ghi rõ bút hiệu, tên thật, năm sinh, nghề nghiệp và địa chỉ (cả địa chỉ email), số điện thoại để tiện liên lạc. Các thông tin cá nhân này không ghi trực tiếp vào bản thảo mà ghi vào một tờ giấy riêng gửi kèm theo. Không nhận bản thảo viết tay hoặc gửi qua email.

Trong tuần, chúng tôi còn nhận được thư của các bạn ThuyNguyen, Le Dinh Tuan, Ut Thien, Chu Thị Thuỳ, Hoàng Tuấn Vũ, Bạn Hue, Phạm Ngọc Danh (Quy Nhơn), Nguyễn Minh Quân, Nguyen Huu, Nguyễn Mạnh Dũng… và bài cộng tác của các bạn: Đình Thiệu, Thanh Hà, Thành Chung, Vũ Duy, Mai Hồng, Lê Bích, Duy Mến.

Cảm ơn các bạn đã viết thư trao đổi, cộng tác với chúng tôi.

Chúc các bạn một tuần làm việc mới vui vẻ, hiệu quả!

Chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên