462 triệu USD xây dựng tổ máy 2 Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I

(VOV) - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I do EVN làm Chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ được giao nhiệm vụ quản lý thực hiện dự án.

Ngày 21/9, tại Cần Thơ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Nhà thầu liên danh Daelim-Sojitz (Hàn Quốc - Nhật Bản) tổ chức Lễ khởi công gói thầu số 11 “Cung cấp vật tư thiết bị và xây lắp Tổ máy số 2” - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I do EVN làm Chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ được giao nhiệm vụ quản lý thực hiện dự án. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I là một trong 4 nhà máy của Trung tâm Điện lực Ô Môn, thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ 7), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 và được Bộ Công nghiệp phê duyệt Quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 2523 QĐ/NLDK ngày 27/09/2004.

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I bao gồm 2 tổ máy, Tổ máy số 1 đã được xây dựng hoàn tất và đưa vào vận hành từ năm 2009, Tổ máy số 2 có công suất lắp đặt 330MW, được xây dựng tại khu vực Thới Lợi, Phường Phước Thới, Quận Ô Môn, cách trung tâm Thành phố Cần Thơ khoảng 20km và cách thành phố Hồ Chí Minh 185km. Nhà máy được đấu nối vào trạm 110/220kV Ô Môn để kết nối với lưới điện quốc gia.

Tổng mức đầu tư của dự án là 9.722 tỷ đồng (tương đương 462 triệu USD) gồm vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của EVN.

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I - Tổ máy số 2 là nhà máy nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi được thiết kế sử dụng 2 loại nhiên liệu là dầu FO và khí thiên nhiên từ lô B hoặc hỗn hợp dầu FO/khí.

Theo kết quả thăm dò, khảo sát, thẩm định trữ lượng các mỏ khí vùng biển Tây Nam thì đây là nguồn nhiên liệu lớn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó việc xây dựng tổ máy số 2 có thể đốt được khí từ lô B là cần thiết để tăng tính hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường khi đưa vào vận hành cả hai tổ máy và góp phần giảm giá thành sản xuất điện do tận dụng nguồn nhiên liệu rẻ, sạch.

Gói thầu số 11 là gói thầu Xây dựng nhà máy chính cho Tổ máy số 2, được thực hiện theo hình thức EPC (Thiết kế, cung cấp, lắp đặt, chạy thử, bàn giao đưa vào vận hành và bảo hành, bao gồm cả bảo hiểm xây lắp công trình) và Nhà thầu liên danh Daelim-Sojitz đã trúng thầu với giá trị hợp đồng là 349 triệu USD trước thuế (391 triệu USD sau thuế).

Theo kế hoạch, Tổ máy số 2 sẽ được hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại sau 36 tháng xây dựng (quý II/2015). Khi nhà máy đi vào hoạt động với sản lượng điện bình quân hàng năm khoảng 1,9 tỷ kWh sẽ góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện Quốc gia đồng thời góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện giai đoạn 2013-2015 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Nam nước ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên