Ai cứu vườn dừa Bến Tre?

Giá dừa tuột dốc thấp nhất trong hàng chục năm qua, đời sống người dân trên xứ dừa này gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân phá bỏ vườn dừa...

Tỉnh Bến Tre có gần 60.000 ha vườn dừa, đây là địa phương có diện tích cây dừa lớn nhất cả nước. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, gần đây trái dừa và các sản phẩm từ dừa ở tỉnh Bến Tre liên tục giảm giá. Ở thời điểm này, giá dừa tuột dốc thấp nhất trong hàng chục năm qua. Đời sống người dân trên xứ dừa này gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân phá bỏ vườn dừa để chuyển sang mục đích khác. Giải pháp nào để cứu vãn cho vườn dừa thương phẩm? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa tìm được tìm được lời đáp.

Bế tắc đầu ra

Đến tỉnh Bến Tre những ngày này, mọi người dễ dàng chứng kiến cảnh trái dừa ế ẩm. Tại các khu vườn, trái dừa khô rụng đầy gốc dừa. Dọc theo các tuyến đường giao thông, trái dừa khô chất thành đống đang chờ thương lái. Nhà vườn tỉnh Bến Tre cho biết, chưa có bao giờ đầu ra của trái dừa bế tắc như bây giờ. Hiện tại, giá dừa khô được thương lái thu mua ở mức trên dưới 15.000 đồng/chục, tương đương khoảng 1.000 đồng/trái. Với mức giá này chỉ bằng 1/10 so với cùng thời điểm năm ngoái.

Dừa không tiêu thụ được, tồn từng đống lớn tại các nhà vườn

Tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Bến Tre, nông dân không bán được trái dừa khô phải để lên chồi, bỏ phế. Ông Nguyễn Văn Lường, nhà vườn xã Mỹ Thanh An (thành phố Bến Tre) nhẩm tính: “1ha trồng dừa chỉ thu được 15 triệu đồng/năm, nếu trừ đi chi phí cho nhân công thu hoạch dừa, thuốc… thì còn chưa đến 10 triệu đồng. Trong khi đó một trái bưởi da xanh hiện nay giá trị bằng 30 trái dừa. Như vậy cây dừa hiện nay thu nhập thấp nhất so với tất cả các lọai cây ăn trái. Nếu nhà nước không có giải pháp nào cứu vãn vườn dừa chắc nông dân phá bỏ dừa hết”.

Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, mỗi năm vườn dừa của tỉnh Bến Tre cung ứng cho thị trường trên 420 triệu trái, đạt 40% giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh. Các mặt hàng từ dừa có thể chế biến ra 100 mặt hàng để xuất khẩu ra 80 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ lực vẫn là cơm dừa nạo sấy. Thời gian qua, đầu ra của trái dừa vẫn bị phụ thuộc vào thị trường ngoài nước; trong đó Trung Quốc tiêu thụ khoảng 35%, các nước Trung Đông, Bắc Phi tiêu thụ khoảng 50% sản phẩm từ dừa.

Gần 1 năm qua, giá dừa liên tục giảm, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Riêng khu vực Trung Đông- một trong những thị trường tiêu thụ dừa Bến Tre còn bị bất ổn về chính trị. Đầu ra trái dừa thương phẩm bị thu hẹp nên đời sống người trồng dừa và hoạt động các doanh nghiệp chế biến dừa gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh Bến Tre có 80% dân số trồng dừa; 10 doanh nghiệp và gần 100 cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa giải quyết việc làm cho khỏang 50.000 lao động.

Người trồng dừa hoang mang

Theo thống kê, ở thời điểm này sản lượng dừa khô ở tỉnh Bến Tre tồn đọng trong dân khoảng 60 triệu trái. Doanh nghiệp và nhà vườn đang loay hoay tìm kiếm đầu ra cho trái dừa. Thời gian qua, Tỉnh ủy- UBND tỉnh Bến Tre đã có nhiều cuộc họp với các ngành hữu quan, các doanh nghiệp và nhà vườn để bàn giải pháp khắc phục khó khăn cho trái dừa.

UBND tỉnh Bến Tre ban hành chỉ thị về việc ổn định giá dừa nguyên liệu trong tỉnh; trong đó nêu ra hàng loạt các giải pháp các cấp các ngành liên quan phải khẩn trương thực hiện để cứu nguy cho người trồng dừa. Bến Tre kiến nghị TW miễn thu thuế xuất khẩu dừa. Tuy nhiên mặt hàng dừa vẫn trong tình trạng “cung vượt cầu”.

Nhiều vườn để dừa rụng nảy mầm

Đối với các doanh nghiệp chế biến dừa ở địa phương đã tích cực tìm kiếm thị trường, đa dạng sản phẩm, hạ giá thành để duy trì hoạt động và giải quyết lượng dừa tồn đọng của nông dân. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre dù đã nỗ lực hết mình nhưng giá trị xuất khẩu các mặt hàng từ dừa của đơn vị vẫn giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre: "Để phát triển kinh tế dừa, đầu tiên là phải phát triển công nghiệp chế biến các mặt hàng từ dừa. Bởi khi nền công nghiệp địa phương phát triển mạnh thì mới đảm bảo tiêu thụ lượng dừa cho bà con nông dân, giải quyết rất lớn lượng dừa hiện nay cho tỉnh nhà. Thứ hai, kiến nghị với TW công nhận dừa là cây công nghiệp kèm theo những cơ chế, chính sách hỗ trợ cây dừa. Thứ ba, tạo ra trong vườn dừa những cây trồng xen như ca cao... để khi cây dừa không ổn định thì có cây khác phụ trợ, giúp cho bà con có thu nhập ổn định”.

Gần đây, khi cây dừa kém hiệu quả nhà vườn ở một số địa phương đã phá bỏ một số diện tích dừa trồng các loại cây ăn trái khác như: ca cao, bưởi da xanh... Chính quyền, đoàn thể các địa phương đã kịp thời tuyên truyền, vận động nông dân không nên chạy theo “phong trào”, chỉ đốn bỏ những cây dừa lâu năm, năng suất thấp.

Về điều này, ông Phạm Bùi Minh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận (thành phố Bến Tre) cho biết: “Giá dừa hiện tại thấp nên người dân cũng hoang mang. Chúng tôi đã vận động người dân không nên quá hoang mang mà đốn bỏ dừa. Bởi vì thời gian trồng dừa rất lâu, 3-4 năm mới có trái. Nếu mình đốn mà sau này giá dừa lên mình khôi phục diện tích rất khó. Hiện tại, người dân ở đây đã nhận thức được nên đốn ít chứ không nhiều, chỉ tỉa bớt những cây kém hiệu quả”.

Các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai các dự án cải tạo, phát triển vườn dừa chất lượng cao; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chế biến dừa hiện đại.

Đặc biệt là dự án hỗ trợ 12 tỷ đồng cho bà con nông dân trồng dừa mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre vừa triển khai là liều “thuốc bổ” để nâng cao chất lượng vườn dừa thương phẩm. Những việc làm này, nhằm nâng cao giá trị của trái dừa và ngành chế biến dừa, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người trồng dừa.

Với sự biến đổi của kinh tế thị trường, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, mong rằng trái dừa Bến Tre sẽ có đầu ra ổn định. Cây dừa tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình, mãi mãi xanh tươi trên quê hương Đồng Khởi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên