Ai thu mua tạm trữ lúa gạo cho người dân được lợi?

(VOV) - Để địa phương chủ động trong thu mua tạm trữ lúa gạo hay VFA tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này cũng còn là câu hỏi lớn.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã kiến nghị Chính phủ giao việc thu mua tạm trữ lúa, gạo về các địa phương. Phương án này được tính đến với mong muốn, địa phương căn cứ vào sản lượng lúa trên địa bàn và năng lực của doanh nghiệp để phân bổ trực tiếp sản lượng thu mua, giúp giải quyết tốt hơn bài toán sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu địa phương hay doanh nghiệp tạm trữ thì sẽ mang lại lợi ích gì cho người nông dân? Đây mới thật sự là mấu chốt của vấn đề.

Người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách tạm trữ

Chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2012 - 2013 theo chỉ đạo của Chính phủ đã khép lại từ cuối tháng 3. Dù các doanh nghiệp đã mua đủ số lượng gạo, đạt 100% kế hoạch và có nhận định giá lúa cao hơn giá định hướng của Bộ Tài chính đưa ra. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều băn khoăn, lo ngại về hiệu quả của chính sách thực hiện.

Theo đánh giá của VFA, trong quá trình tạm trữ, giá lúa cao hơn trước từ 100 - 200 đồng/kg. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận là người nông dân không hoàn toàn được hưởng lợi từ “sự ưu việt” của chính sách tạm trữ. Ngoài ra, việc phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ cũng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa, gạo trên một số địa bàn do lượng tạm trữ chỉ bằng 15% sản lượng cần tiêu thụ.

Ông Trần Hoàng Minh, một nông dân sản xuất lúa ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn cho rằng, thiết nghĩ, việc mua tạm trữ là biện pháp tình thế, Nhà nước cũng không thể nào mà mua hết lúa của dân được. Vấn đề đặt ra ở tầm vĩ mô là nên chủ động tìm kiếm thị trường nhiều hơn. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng là làm sao giảm chi phí đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu....

Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo được triển khai là để giúp nông dân bảo đảm lợi nhuận, giải quyết lượng lúa hàng hóa tồn đọng khi bước vào thu hoạch rộ. Nhưng vừa qua, tỷ lệ thu mua tạm trữ hiện còn thấp hơn nhiều so với năng lực sản xuất của người nông dân.

Trong vụ Đông Xuân vừa qua, sản lượng lúa của ĐBSCL ước đạt gần 11 triệu tấn, trong khi khối lượng tạm trữ cả nước chỉ 1 triệu tấn quy gạo. Chính vì vậy, người dân và chính quyền các địa phương trong vùng có quyền đặt câu hỏi là thực hiện chính sách tạm trữ sẽ mang lại lợi ích cho ai?

Để địa phương chủ động trong thu mua tạm trữ lúa gạo hay VFA tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này cũng còn là câu hỏi lớn. 

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nêu rõ: “Cần có một cái nhìn ổn định và dài hạn hơn, đừng để thông qua mùa vụ. Nên có sự hài hòa giữa VFA và các địa phương. Trong ngắn hạn nên hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất để thu mua tạm trữ. Về lâu dài hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu, đó mới là chính sách phù hợp, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nông dân”, ông Hoan nói.

Nếu chuyển giao thu mua lúa gạo tạm trữ cho địa phương thì công việc tìm đầu ra đương nhiên sẽ do chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp tự thực hiện. Tuy nhiên, đa số các địa phương đều còn “hạn chế” về năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm xúc tiến tìm thị trường. Trong khi đó, với thực tế như hiện nay thì nguy cơ lượng gạo tồn kho sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến giá lúa, gạo trong nước và xuất khẩu.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, hiện có 3 biện pháp để tạm trữ. Ngoài biện pháp hỗ trợ để dân tự tạm trữ thì cách vẫn làm lâu nay là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua. Tuy nhiên, cách làm này tác động gián tiếp, không trực tiếp để người nông dân hưởng lợi. Biện pháp này về lâu dài nên hạn chế.

Ông Năng cũng lý giải, việc giao địa phương hay doanh nghiệp tạm trữ cũng vẫn cần có những cơ chế để thực hiện. Chẳng hạn như đến nay đã thu hoạch bao nhiêu trên tổng diện tích xuống giống; giá ở thị trường xuống đến mức nào, có thấp hơn 30% theo quy định của Chính phủ là lợi nhuận của nông dân hay không.

Cũng theo ông Năng, tùy thuộc vào đặc thù từng tỉnh sẽ thu hoạch bao nhiêu căn cứ trên số lượng diện tích, từ đó có thể áp dụng cơ chế tạm trữ ngay từ đầu. Khi đã đáp ứng đủ 3 điều kiện này sẽ tức khắc thực hiện tạm trữ.

“Biện pháp thứ 2 giống như biện pháp của cánh đồng lớn. Gửi trong kho của công ty khoảng 1 tháng. Nếu nhà nước có hỗ trợ thì gửi thêm 2 tháng nữa nếu lúa chưa được giá. Và nếu giá lúa có lên xuống thì người dân được quyền quyết định bán hay không. Tôi thấy lúc đó quyền của người nông dân được giải quyết thỏa đáng”, ông Năng đề xuất.

Có thể thấy rõ, dù kiến nghị chính sách tạm trữ đưa về địa phương thực hiện mới đang được trình Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn rất cần sự phối hợp, nỗ lực của các đơn vị liên quan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đảm bảo nguồn vốn cho thu mua lúa gạo
Đảm bảo nguồn vốn cho thu mua lúa gạo

Các Ngân hàng thương mại cần chủ động cân đối nguồn vốn ngay từ đầu năm để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ của các vụ sản xuất chính trong năm 2010.

Đảm bảo nguồn vốn cho thu mua lúa gạo

Đảm bảo nguồn vốn cho thu mua lúa gạo

Các Ngân hàng thương mại cần chủ động cân đối nguồn vốn ngay từ đầu năm để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ của các vụ sản xuất chính trong năm 2010.

Đạt trên 82% chỉ tiêu thu mua lúa gạo tạm trữ
Đạt trên 82% chỉ tiêu thu mua lúa gạo tạm trữ

(VOV) - Tính đến hết ngày 13/3 lượng thu mua đạt 827.222 tấn quy gạo, đạt 82,72% chỉ tiêu thu mua.

Đạt trên 82% chỉ tiêu thu mua lúa gạo tạm trữ

Đạt trên 82% chỉ tiêu thu mua lúa gạo tạm trữ

(VOV) - Tính đến hết ngày 13/3 lượng thu mua đạt 827.222 tấn quy gạo, đạt 82,72% chỉ tiêu thu mua.