Bán hàng online, nhiều streamer dùng thủ đoạn lừa gạt khách hàng
VOV.VN - Người bán hàng tổ chức livestream dùng hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng nhưng lại giao hàng giả, hàng nhái, không có nguồn gốc, chứng từ…
Tính năng livestream trên các trang mạng xã hội đang trở thành trao lưu của người dùng. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tràn lan hiện tượng phát ngôn thiếu văn hóa, nói tục, chửi bậy, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội để dọn dẹp vấn nạn này.
Khi livestream trở thành tệ nạn
Livestream là tính năng truyền tải video trực tiếp thông qua môi trường mạng, người phát video trực tiếp gọi là streamer. Chức năng livestream tạo cơ hội tối đa cho người dùng trong việc truyền tải và sáng tạo nội dung mà mình muốn chia sẻ với mọi người. Trên thực tế, có rất nhiều buổi livestream hữu ích, chẳng hạn như livestream kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung trong lũ lụt; livestream kêu gọi mua vải thiều ủng hộ Bắc Giang, hay phát trực tiếp gây quỹ ứng phó với Covid-19…
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tràn lan hiện tượng lừa đảo, phát ngôn thiếu văn hóa, nói tục, chửi bậy, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong bán hàng online, không ít streamer dùng thủ đoạn lừa gạt khách hàng, như dùng hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng khi livestream, nhưng lại giao hàng giả, hàng nhái, không có nguồn gốc, chứng từ; hay dùng thủ thuật “chốt đơn ảo”, “chim mồi”, “số lượng có hạn”, “hàng xuất dư”… nhằm tăng lòng tin với khách hàng.
Nói tục, chửi bậy, lời lẽ thô tục, phản cảm, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác đã trở thành tệ nạn trong các buổi livestream, nhất là của những người nổi tiếng đang khiến công chúng phẫn nộ. Chẳng hạn, một ca sĩ dằn mặt đồng nghiệp rằng “gặp ở đâu đánh ở đó”; một cựu người mẫu livestream bán hàng với những lời mắng chửi xối xả, cộc cằn, thô lỗ. Tương tự, một số nghệ sĩ khác cũng từng có những phát ngôn thô tục, gây bức xúc cho người hâm mộ.
Không ít streamer ứng xử thiếu kiềm chế, đi quá giới hạn, phát ngôn kiểu “vơ đũa cả nắm”, dùng các ngôn từ mang tính thù hằn, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dựng chuyện vu khống, kết tội người khác thay cho tòa án. Có streamer sẵn sàng “khoe thân” khi số lượng người xem tăng dần; thậm chí có streamer còn lợi dụng cả đám tang của nghệ sĩ nổi tiếng để câu view. Một số cá nhân còn livestream hình ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ với những bình luận xuyên tạc, xúc phạm lực lượng chức năng...
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là xuất phát từ nhận thức của người dùng về mạng xã hội. Nhiều người dùng lầm tưởng rằng trang cá nhân của mình như Facebook, Instagram, Zalo là của riêng mình nên mọi tâm tư tình cảm, thậm chí là bực bội, uất ức đều trút lên đó để giải tỏa. Nhiều người dùng thiếu kiềm chế cảm xúc, trong một phút giây cao hứng, vô tình (hoặc cố ý) vi phạm chuẩn mực đạo đức, xúc phạm đến cá nhân hoặc tổ chức.
Nhiều người dùng bị tâm lý đám đông dẫn dắt, mặc nhiên thừa nhận điều gì đó mà không suy nghĩ, phản biện, trở thành công cụ cho người khác lợi dụng, lôi kéo, vô tình ủng hộ những điều sai trái, hoặc công kích vào những đối tượng không đáng bị công kích. Ngoài ra, tâm lý tò mò, thích hóng chuyện, thích kịch tính cũng góp phần làm cho nạn livestream tồn tại và phát triển. Khi chủ đề càng nóng, càng gây nhiều tranh cãi, nhiều tình tiết phản vai, liên quan đến nhiều người nổi tiếng, thì càng nhận được sự quan tâm và tương tác cao từ cộng đồng.
Một nguyên nhân khác là do người dùng muốn kiếm tiền với tính năng livestream do nhà cung cấp các dịch vụ cho phép. Chẳng hạn, Facebook cung cấp tính năng kiếm tiền từ livestream thông qua việc tặng sao, chia sẻ lợi nhuận qua video quảng cáo (Adsbreak), truy cập link qua cổng donate (quyên góp) gắn trên livestream. Trong bản cập nhật gần đây, YouTube thậm chí cho phép một số ngôn từ tục như “sh*t”, “b*tch”, “f*ck” được sử dụng trong 30 giây đầu tiên của video.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Để dọn dẹp nạn livestream lừa đảo trên mạng xã hội, trước hết, cần tiếp tục tuyên truyền Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là những hành vi bị cấm như xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Phổ biến Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cũng như văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 29/5, về việc đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, nhằm giúp người dùng nâng cao ý thức ứng xử theo chuẩn mực, có văn hóa, ngăn ngừa những hành vi lệch chuẩn từ việc sử dụng tính năng livestream.
Thứ hai, cùng sự phát triển của các trang mạng xã hội, cá nhân, tổ chức đều có thể đóng vai trò như một nhà xuất bản. Vì vậy, người dùng phải chịu trách nhiệm với nội dung của mình, có các hành vi ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo...
Xem xét kỹ điều mình phát ngôn có lợi, có hại cho ai, có thể gây hậu quả gì. Khi livestream, chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; kiểm chứng để bảo đảm độ chính xác của thông tin, không tùy tiện, dễ dãi trong việc phát ngôn, chia sẻ, dẫn lại các thông tin chưa kiểm định hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh.
Thứ ba, người xem livestream và tham gia bình luận, chia sẻ cần phát triển kỹ năng xem xét, chắt lọc, xử lý thông tin từ hiểu biết và kinh nghiệm của mình, không nên cả tin với những gì được nghe, được xem, đề cao cảnh giác trước những thông tin sai trái, xấu độc.
Để có được thông tin chính xác, tin cậy, người dùng nên xem nguồn gốc của thông tin từ đâu, thái độ, dụng ý của người đưa thông tin. Vững vàng về tâm lý, tuyệt đối không để tâm lý đám đông, hay cảm xúc nhất thời dẫn dắt. Nêu cao trách nhiệm công dân, bày tỏ thái độ, quan điểm cá nhân khi cần thiết, nhằm thúc đẩy những điều tích cực trên môi trường mạng.
Thứ tư, các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế kiểm duyệt sát sao hơn nữa trước những phát ngôn, hành vi của người dùng mạng xã hội. Cảnh báo kịp thời và xử lý nghiêm những vi phạm theo mức độ và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe giáo dục chung đối với toàn xã hội. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải tiến hành khởi tố theo luật định. Phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà cung cấp dịch vụ trong việc đưa ra khuyến cáo, cảnh báo người dùng về những vi phạm, đồng thời ngừng cung cấp dịch vụ đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm khi cần thiết.
Thứ năm, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong việc cung cấp những thông tin chính xác, tin cậy; vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, nhất là các vấn đề có tính nhạy cảm, phức tạp; phê phán những hiện tượng lệch chuẩn, phát hiện và ngăn chặn thông tin xấu, độc; hướng người dân thực hiện đúng các quy định khi tham gia mạng xã hội nói chung, sử dụng tính năng livestream nói riêng./.