Bảo hiểm tiền gửi chỉ áp dụng với VND

Ngoài ra, loại hình bảo hiểm này chỉ áp dụng với cá nhân, không dành cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước.

Chiều 23/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường để thảo luận, góp ý vào Dự án Luật bảo hiểm tiền gửi. Trong thảo luận các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi với mục đích xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ về thị trường tài chính - tiền tệ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát triển, góp phần ổn định thị trường tài chính và tăng lòng tin của người dân với hệ thống tài chính trong nước.

Đa số ý kiến nhất trí với đối tượng được bảo hiểm tiền gửi như quy định tại dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân. Vì tiền nhàn rỗi của các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, nhân đạo, từ thiện để gửi tại các tổ chức tín dụng không nhiều, và đã có những quy định cụ thể, riêng cho từng tổ chức quản lý chặt chẽ, nên không cần sự điều chỉnh của Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Về loại tiền gửi được bảo hiểm, đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng) vì chính sách quản lý ngoại hối nói chung chỉ cấm thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi đó nhà nước đang khuyến khích kiều hối và công nhận tiền gửi ngoại tệ, vàng và một trong các biện pháp đó chính là cơ chế bảo hiểm đối với các tài sản này.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) nêu ý kiến: “Hiện tại, đã cho phép gửi vàng, ngoại tệ thì NH cũng phải có trách nhiệm. Theo đó, NH có trách nhiệm qui đổi tại thời điểm gửi ra VND để thực hiện Bảo hiểm tiền gửi”.

Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đoàn Quảng Bình thì nhấn mạnh đến quyền lợi của người gửi tiền. Theo đại biểu này, việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền chưa được quan tâm đúng mức. Ví dụ như ở Điều 28, trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phá sản, thì tổ chức Bảo hiểm tiền gửi trở thành chủ nợ, và được phân chia tài sản theo thứ tự như người gửi tiền. Nhưng theo quy định của Luật phá sản trong trường hợp nếu tài sản không đủ để trả nợ thì mỗi chủ nợ được một phần tương ứng với khoản nợ của mình. “Như vậy thì phần lớn sẽ thuộc về tổ chức Bảo hiểm tiền gửi và người gửi tiền có tham gia vào quá trình thanh lý tài sản sẽ không được bao nhiêu” – đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói.

Về quản lý, một số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Luật, giao Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước thành lập và quản lý nhà nước. Như vậy, sẽ gọn hơn, bớt khâu trung gian trong việc thực hiện chức năng quản lý.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động. Không nên coi BHTG là 1 bộ phận của NHNNVN bởi điều này không phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, không phù hợp với vị trí pháp lý của BHTG hiện hành và sẽ không giải quyết được các bất cập của BHTG đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần vào việc đảm bảo tính an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Tổ chức BHTG cần có địa vị pháp lý độc lập tương đối thể hiện trong các chính sách về tổ chức, triển khai các nghiệp vụ, vị trí pháp lý, mối quan hệ với các cơ quan nhà nước… Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì cần thiết phải có cơ sở pháp lý để trao cho hệ thống bảo hiểm tiền gửi có thẩm quyền cao hơn trong việc xử lý ngân hàng thông qua các khủng hoảng, hạn chế được việc sử dụng ngân sách, tránh được mâu thuẫn lợi ích khi giao chức năng này cho cơ quan quản lý nhà nước, giảm thiểu được chi phí xử lý

Cuối phiên làm việc chiều nay, Quốc hội họp nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên