“Biến khó khăn thành động lực”
VOV.VN - Cơ sở hạ tầng giao thông luôn được xem là mạch máu của nền kinh tế, mạch máu không thông suốt, kinh tế không tạo đột phá. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đặc biệt để phát triển hạ tầng giao thông.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030 Chính phủ đặt ra mục tiêu phải có 5.000 km đường cao tốc để góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước. Chủ trương đã có vấn đề đòi hỏi cấp bách và tất yếu không chỉ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội, mà còn hoàn thiện, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã đặt ra.
Là lái xe chuyên vận chuyển hàng hoá, ông Trần Văn Xuân (Công ty Thương Mại Nam Việt) có trụ sở tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội cho biết, từ khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào khai thác, sử dụng (từ năm 2015) đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu của Công ty tăng trưởng đáng kể.
Nếu như trước đây, việc giao nhận hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội qua Quốc lộ 5 mất nhiều thời gian, chi phí, sức lao động… thì nay các trở ngại đó đã được gỡ bỏ. Với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không chỉ kết nối Thủ đô với Hải Phòng, mở ra không gian phát triển cho vùng Đông Bắc Bộ, mà còn tạo ra tiền đề đột phá trong xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ của đất nước.
Ông Trần Văn Xuân chia sẻ: "Với những hệ thống giao thông mới như cao tốc Hà Nội Hải Phòng đi rất nhanh. Trước đây tôi đi mất 3-4 tiếng đồng hồ thì giờ chỉ hơn 1 tiếng, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí giúp người lái xe cảm giác thoải mái thư giãn hơn".
Nhớ lại những trăn trở của ngành giao thông vận tải từ những năm 2000, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, những kết quả về phát triển về hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc thời gian qua thật đỗi tự hào. Bởi, những khát vọng, tư duy chiến lược để đột phá xây dựng, phát triển hệ thống cao tốc đã trở thành hiện thực trong bối cảnh hệ thống giao thông chung của của đất nước thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn.
"Thời điểm trước hệ thống giao thông đường bộ rất khó khăn, chúng tôi rất trăn trở, nhưng khoảng chục năm nay, hệ thống cao tốc phát triển rất mạnh, rõ ràng, đúng với chiến lược phát triển hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam" - ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Trong xây dựng cơ chế, chính sách phải có tính đột phá, đồng bộ trên nguyên tắc bám sát thực tiễn theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian; tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện; trong huy động nguồn lực phải xây dựng các phương thức hiệu quả nhằm huy động tối đa nguồn lực hợp pháp, kết hợp giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường thu hút nguồn vốn tư nhân, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức Đối tác công tư (PPP).
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 –2020- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhận định: “Kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển”.
Chính vì vậy, những định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế bằng việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên tắc triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam, trong tổ chức, thực hiện phải mạnh dạn phân cấp từ Trung ương đến địa phương, áp dụng mô hình địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, nhằm phát huy tính tự lực, tự cường.
Vì thế, thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam có đảm bảo tiến độ như cam kết hay không thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Ví như, triển khai Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam. Tỷ lệ mặt bằng bàn giao tuy cao nhưng không liền mạch, “xôi đỗ”, giải bài toán mặt bằng rất cần sự phối hợp đồng bộ của đơn vị các cấp.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: "Cái khó nhất của thi công là mỏ đất, vật liệu và bãi đổ thải. Vị trí mỏ đất cần thống nhất giữa chính quyền địa phương với các chủ đầu tư, chính quyền địa phương với các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng, ban quản lý dự án để thống nhất vị trí, từ đó mới tiến hành được. Vị trí đổ thải như yêu cầu của Bộ Tài nguyên môi trường cũng cần xác định rõ để thực hiện".
Về đổi mới thủ tục hành chính cấp phép các mỏ vật liệu, đảm bảo tiến độ dự án cao tốc, ông Trần Văn Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Về thủ tục hành chính, tới nay, ngoài cơ chế đặc thù, Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn rút gọn tối đa theo luật. Giờ chờ sửa luật, dự kiến ban hành vào tháng 10/2024 Quốc hội thông qua. Trước mắt, Bộ đang soát các nghị định hướng dẫn thực hiện luật khoáng sản, theo thẩm quyền Chính phủ, đảm bảo thời gian cấp phép ngắn nhất".
Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, việc xây dựng các dự án cao tốc trên cả nước có sự phát triển vượt bậc, nếu như giai đoạn 1997- 2020, Việt Nam mới đưa vào khai thác 1.163 km thì trong 3 năm gần đây, chúng ta đã đưa vào khai thác 556 km và trong 6 tháng đầu năm 2023 hàng hoạt các dự án cao tốc đã khánh thành, nâng tổng số km đường cao tốc của cả nước lên hơn 1.700km. Để có được những km cao tốc rộng mở như vậy, những người làm cầu, làm đường ngành GTVT, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã “chung sức, đồng lòng”, với tinh thần cùng nhau vượt khó để góp phần hoàn thành mục tiêu mà cơ quan, đơn vị giao phó.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó TGĐ Tổng Công ty Trường Sơn - một nhà thầu lớn đang thực hiện thi công trên cao tốc Bắc – Nam, góp phần tạo nên từng km cao tốc chất lượng trong tương lai cho biết, thi công dự án cao tốc vừa là vinh dự vừa là nhiệm vụ nặng nề cần vượt qua.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh: "Đối với dự án này, có yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ. Trong quá trình thực hiện, có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật phát sinh, vì tuyến đi qua khó vực đất yếu cần có thời gian gia tải và chờ lún. Do vậy, chúng tôi đã có giải pháp, như xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, huy động nguồn lực, nhân lực, thiết bị và tiền vốn để đáp ứng tiến độ. Với tinh thần tiến độ là chất lượng, tiến độ là hiệu quả".
Với tinh thần “đi trước mở đường”, từ cơ sở của những kết quả đã đạt được và hoàn thành mục tiêu năm 2025 cả nước có 3000km đường bộ cao tốc, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án đường bộ cao tốc, đó là cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Biên Hoà-Vũng Tàu, Khánh Hoà-Buôn Ma Thuột, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Hà Nội, với tổng chiều dài khoảng 1.300km, tổng mức đầu tư gần 400.000 tỷ đồng.
Riêng tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, theo quy hoạch sẽ có chiều dài hơn 2.000 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố có vai trò hết sức quan trọng đối trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh nghiệm đặt ra là“thấy khó không nản” và phải quyết tâm vượt qua, không để khó khăn thành rào cản phát triển đường cao tốc.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng: "Một số khó khăn khi triển khai mà nếu chúng ta chùn bước thì chính là một rào cản vì vậy phải tìm mọi giải pháp để vượt qua. Đây chính là một bài học kinh nghiệm rất có giá trị, chúng ta phải tập trung để lãnh đạo chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và những điểm nghẽn mà thuộc thẩm quyền của từng cấp, từng ngành".
Bên cạnh các dự án cao tốc sử dụng vốn đầu tư công, bài học đẩy mạnh phân cấp và nguyên lý lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân từ thực tiễn triển khai thành công các dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái đã và đang có hiệu ứng lan tỏa tới các địa phương, các dự án khác như Bắc Giang - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Trung Lương-Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang), Đồng Đăng-Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), Tân Phú-Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng)…
Đây chính là những bài học về sự tự lực, tự cường, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, hành động vì mục tiêu tiêu sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà. Điều đó thể hiện ở ý chí thực hiện các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Từ đó, nhiều tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện giao thương kết nối, người dân đi lại tiện lợi, nhanh chóng và còn có ý nghĩa nhiều mặt. Nhiều công trình dự án được đầu tư xây dựng không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn kết nối văn hóa vùng miền và phát huy các giá trị văn hóa.
PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông phân tích: "Để hấp dẫn, không thuần túy về kinh tế, mà còn cả những vấn đề về xã hội, văn hóa. Tôi lấy ví dụ, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh chẳng hạn. Nơi đây có di sản non nước Cao Bằng; hay dự án cao tốc đi Cà Mau chẳng hạn. Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa để các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào các dự án cao tốc, mang lại kết nối lan tỏa không chỉ kinh tế, mà cả văn hóa, xã hội, vì sự phát triển bền vững của đất nước".
Rõ ràng, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc là yêu cầu tất yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề dễ dàng, bởi chi phí đầu tư cao tốc luôn ở mức cao, trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn hẹp. Vậy đâu là lời giải cho vấn đề này?
Cùng loạt bài: "Mục tiêu 5000 km cao tốc - Bước đột phá tư duy để phát triển"
Bài 1: “Biến khó khăn thành động lực”
Bài 2: Chuyển đổi hình thức đầu tư công – bước đột phá chính sách
Bài 3: Mục tiêu 5000 km cao tốc – chủ trương trúng, hành động đúng