Bộ phim Hàn bằng cả triệu chiếc ôtô: Văn hóa tạo giá trị kinh tế rất lớn
VOV.VN - Cho rằng tác động của kinh tế thông qua lĩnh vực văn hóa là rất lớn, ĐBQH dẫn chứng có bộ phim Hàn Quốc giá trị bằng 1,5 triệu ô tô Huyndai Sotana.
Góp ý cho dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ngày 15/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị phải mở rộng hơn các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên |
Trong tình hình hiện nay văn hóa cũng là một lĩnh vực tạo ra lợi nhuận về kinh tế rất lớn, ông Kiên nói, đồng thời lấy ví dụ về hệ thống phát hành phim trong thời gian vừa qua ở Việt Nam để làm minh chứng cho lĩnh vực văn hóa.
Về tập trung kinh tế, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phải bổ sung thêm mục nữa về các lĩnh vực liên quan.
Ông Kiên dẫn chứng: Khi Hàn Quốc công chiếu bộ phim "Oldboy" năm 2016 cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-Sam có lời tuyên bố về giá trị kinh tế của bộ phim bằng 1,5 triệu ô tô Huyndai Sotana. Như vậy, tác động của kinh tế thông qua các lĩnh vực văn hóa là rất lớn.
'Oldboy', bộ phim gây sốc trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc |
Do đó, đại biểu Kiên đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một mục nữa trong phần tập trung kinh tế.
Về vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, ông Nguyễn Đức Kiên nêu ví dụ trong lĩnh vực phim: Từ khâu sản xuất, phát hành, chiếu bóng và đến rạp thì cả 4 khâu tạo ra lợi nhuận của một bộ phim. Nhưng nếu chỉ xem xét trong một lĩnh vực về rạp chiếu hoặc phát hành phim thì chưa thấy được vị trí chiếm lĩnh độc quyền của một doanh nghiệp.
Vì thế, theo đại biểu này, khi xem xét đánh giá doanh nghiệp độc quyền hay không, cần phải xem xét cả trong chuỗi giá trị của sản phẩm đó thì mới phù hợp.
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, các đại biểu Quốc hội và trong Quốc hội đã được đại biểu đánh giá cao, có sự đồng thuận cao về ý nghĩa tính chất cũng như nội dung cụ thể của dự án Luật.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh |
Dự án Luật lần này mở rộng phạm vi điều chỉnh ra không còn trên lãnh thổ Việt Nam mà cả những hành vi có liên quan đến phản cạnh tranh và ảnh hưởng cạnh tranh tác động đến cạnh tranh lành mạnh của Việt Nam diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, Bộ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh cho hay, mở rộng phạm vi điều chỉnh ra các đối tượng là không chỉ còn là doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn các cơ quan nhà nước. Nhiều đại biểu đề cập cần bổ sung tiếp là các Hiệp hội ngành hàng, các Hiệp hội doanh nghiệp… mới có tính chất tham gia và có thể là chủ thể của những hoạt động liên quan tới các hành vi và liên quan đến cạnh tranh và được điều chỉnh trong dự luật lần này.
Người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh, sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu trong một số lĩnh vực vụ thể, ví dụ trong mảng quản lý nhà nước về viễn thông hay trong vấn đề về văn hóa hoặc nhiều lĩnh vực khác để tránh những điểm trống, điểm mờ về pháp lý liên quan đến vấn đề cạnh tranh./. Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh
Uber, Grab “đấu” taxi truyền thống: Cú huých cho thể chế cạnh tranh?