Bộ trưởng Xây dựng phản hồi phát biểu của Chủ tịch Hà Nội

VOV.VN -Bộ trưởng Xây dựng cho biết, giá nhà ở Hà Nội giảm bình quân 10—30%, có dự án giảm tới 50%.

Báo cáo tại phiên họp của Chính phủ với các địa phương, sáng nay (24/12), Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, trong đó đặc biệt là gắn với thực hiện chiến lược nhà ở đã đạt kết quả tích cực.

Giá bất động sản đã giảm mạnh đến giá trị thực, phù hợp khả năng thanh toán của nền kinh tế. Giá giảm bình quân 10—30%, có dự án giảm tới 50%. Do trước đây là giá ảo và các DN phải giảm về giá trị thực để tăng thanh khoản, cũng như việc tiết giảm các chi phí để giảm giá thành, cấu trúc lại sản phẩm cho phù hợp khả năng thanh toán của người dân.

Ví dụ, tại Hà Nội, chỉ số giá chung cư giảm từ quý 1 đến nay, cụ thể, Quận Cầu Giấy quý 3 giảm 27% so với quý 1. Chung cư trung cấp giảm 15%, chung cư cao cấp cũng giảm tương tự. Các khu vực Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Khánh đều giảm 12-21%. Giá đất nền cũng giảm mạnh, đặc biệt dự án Nam An Khánh giảm tới 50% so với 2010.

Giao dịch bất động sản ngày càng tăng về cuối năm, đặc biệt là phân khúc nhà xã hội, nhà chung cư cao cấp và trung cấp có vị trí thuận lợi. Qua thống kê, giao dịch thành công 2 quí cuối năm đã gấp 2 lần 2 quí đầu năm. Theo báo cáo của 17 DN, 5 sàn bất động sản tại Hà Nội, đến hết tháng 11, Hà Nội đã có 4062 giao dịch thành công; 2 tháng 10 và 11, có 1.420 giao dịch thành công, dự báo quý 4 có 2.000 giao dịch thành công. Trong khi đó quý 1 chỉ có 556 giao dịch; quý 2 có 774 giao dịch. Các phân khúc nhà xã hội tại các vị trí phù hợp ở Hà Nội và TP HCM đang thiếu nhiều so với nhu cầu người dân.

Tại TP HCM, giao dịch bất động sản quí 3 và 4 đã gấp 4 lần lượng giao dịch quý 1 và 2 (theo báo cáo của 10 DN ở 2 sàn bất động sản).

Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm mạnh dù nguồn cung nhà ở được bổ sung. Hết tháng 11/2013, tồn kho bất động sản còn 96.850 tỷ giảm 24,69% so với cuối quý 1/2013, trong đó Hà Nội giảm trên 20%, TP HCM giảm trên 30%. “Như vậy, những khó khăn của thị trường bất động sản đã dần được tháo gỡ” – vị Tư lệnh ngành Xây dựng khẳng định.

Tuy nhiên, cũng tại phiên họp này, sáng 23/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói: “Tôi hơi thấy lạ là trong khi thị trường đóng băng mà các dự án nhà ở, bất động sản xung quanh Hà Nội không thấy giảm giá gì cả'.

Ông Thảo cho rằng, các chính sách vừa qua, đặc biệt là chính sách về nhà ở xã hội dù sao cũng chỉ mang tính hỗ trợ mà thôi. Vì thế, tới đây phải có một “giải pháp mạnh” về tín dụng thì mới vực được thị trường bất động sản. Trong đó, ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại nên đưa ra một “gói tín dụng” riêng của mình để giải cứu chính lượng vốn của mình đang ứ đọng tại các dự án chứ không hẳn chỉ là để giải cứu bất động sản.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản cũng phải chấp nhận quy luật của thị trường. Đó chính là khi mà thanh khoản kém thì buộc phải giảm giá, tăng khuyến mại, chiết khấu...

Về giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tiếp tục có chuyển biến nhưng còn chậm. Nhà nước, các NH cần có gói tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ người dân nghèo, khó khăn nhà ở được cải thiện nhà ở. “Đây không phải là gói để cứu thị trường bất động sản, nhưng nếu thực hiện tốt thì gói này góp phần tăng cầu cho nền kinh tế”.

Muốn giải ngân nhanh gói này phải có nhiều DN tham gia làm nhà ở xã hội và phải có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, nhưng hiện nay còn rất ít. Hiện nay, thủ tục cho vay chặt chẽ, sự vào cuộc của các cơ quan, các cấp chính quyền còn chưa hiệu quả.

Trở lại với kết quả đạt được của ngành xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Tổng sản phẩm xây dựng năm 2013 đạt 191 .215 tỷ, đóng góp 5,3% cho GDP, chưa kể ngành sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 179.470 tỷ, tăng 6,8% so với năm 2012. Đầu tư xây dựng đã tăng so với 2012.

Năm 2013, ngành Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản, đặc biệt là Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị và Nghị đinh 15 về quản lý chất lượng xây dựng. Đây là hai nghị định có đổi mới hết sức quan trọng. Nghị định 11 nhấn mạnh về tiền kiểm, quyền và trách nhiệm của công chức, viên chức ở các Bộ, ngành ở trung ương và địa phương trong việc tiền kiểm các công trình xây dựng từ khâu thiết kế và dự toán đối với công trình nhà nước. Đối với các công trình ngoài nhà nước thì kiểm tra chất lượng.

Từ tháng 4/2013, kiểm tra trên 3.000 công trình tại các địa phương và đã kiểm tra 27.000 tỷ vốn đầu tư, giảm bình quân 8,4%. Nhiều địa phương giảm mạnh như Sở Công thương Hà Nội giảm 2,4%, Sở Xây dựng Bạc Liêu giảm 4,56%, Vĩnh Phúc giảm 24%...  "Qua thẩm định hơn 1000 tỷ đã giảm được 200-300 tỷ, góp phần giảm thất thoát vốn Nhà nước. Nếu không kiểm tra, giám sát chặt thì số tiền này sẽ được đưa vào giá trị gói thầu, đấu thầu" - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ có thêm những đợt hạ giá bất động sản?
Sẽ có thêm những đợt hạ giá bất động sản?

Hàng loạt dự án địa ốc tài Hà Nội bắt tay với ngân hàng hỗ trợ khách hàng, ồ ạt khuyến mãi, giảm giá, tặng quà để thu hút người mua.

Sẽ có thêm những đợt hạ giá bất động sản?

Sẽ có thêm những đợt hạ giá bất động sản?

Hàng loạt dự án địa ốc tài Hà Nội bắt tay với ngân hàng hỗ trợ khách hàng, ồ ạt khuyến mãi, giảm giá, tặng quà để thu hút người mua.

TP HCM: Giảm giá bất động sản liệu có khả thi?
TP HCM: Giảm giá bất động sản liệu có khả thi?

(VOV) - Hiện TP HCM lượng hàng tồn kho hiện khoảng 10.000 căn hộ chung cư, 1.000 căn nhà thấp tầng, 19.000m2 văn phòng.

TP HCM: Giảm giá bất động sản liệu có khả thi?

TP HCM: Giảm giá bất động sản liệu có khả thi?

(VOV) - Hiện TP HCM lượng hàng tồn kho hiện khoảng 10.000 căn hộ chung cư, 1.000 căn nhà thấp tầng, 19.000m2 văn phòng.