Các hãng hàng không dự kiến khai thác đường bay quốc tế trong tháng 7
VOV.VN - Các hãng hàng không đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế bất kể lúc nào khi được Chính phủ đồng ý, từng bước gượng dậy sau đại dịch Covid-19.
Đại diện các hãng hàng không trong nước cho biết đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế bất kể lúc nào khi được Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam cấp phép. Trong đó, Vietnam Airlines và Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác đường bay quốc tế trong tháng 7/2020.
Sau thời gian dài nằm đất do dịch Covid-29, các hãng hàng không đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế bất kể lúc nào khi được Chính phủ đồng ý, từng bước gượng dậy sau đại dịch. |
Covid -19 khiến hàng không “mất máu đột ngột”
Tại buổi hội thảo hàng không, nỗ lực vực dậy sau dịch Covid-19 vào chiều 12/6, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines lấy báo cáo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) và cho biết, tính đến ngày 9/6, ngành hàng không thế giới đã “bốc hơi” khoảng 419 tỷ USD trong năm 2020, đây là mức sụt giảm chưa từng có.
IATA đánh giá: Không chỉ trong năm nay, Covid -19 sẽ ảnh hưởng trong thời gian dài, có thể mất vài năm tới, dự báo đến tháng 6/2022 mới có thể trở về bằng cuối 2019, còn với những chặng bay đường dài, có lẽ đến năm 2023 mới bắt đầu trở lại.
Với mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, dự báo đến tháng 5/2020, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ không còn hãng hàng không nào trên thế giới còn tiền trong tài khoản. Bởi lẽ, hàng không không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả chi phí vận hành, thuê tàu bay, bảo dưỡng, đặc biệt là việc khách khách phải hoàn trả một lượng vé rất lớn khiến dòng tiền thâm hụt.
IATA cũng nhận định, Covid-19 khiến ngành hàng không “mất máu đột ngột”, nhiều hãng hàng không không đủ tiềm lực đã phá sản.
Vietnam Airlines và Bamboo Airways đã sẵn sàng khai thác lại các đường bay quốc tế nếu được Chính phủ đồng ý. |
“Mức tàn phá của Covid-19 đối với ngành hàng không rất khủng khiếp. Tôi học tài chính đã nhiều năm nay, nhưng không có một kịch bản nào khốc liệt như vậy. Covid-19 lan rộng từ tháng 2/2020, nhưng đến đầu tháng 4/2020, Vietnam Airlines chỉ còn 5% đưa ra năng lực sản xuất, hoạt động cầm chừng. Trước Covid -19, số dư trong tài khoản của Vietnam Airlines là 8.800 tỷ nhưng đến tháng 3/2020 chỉ còn 4.000 tỷ đồng”, ông Trần Thanh Hiền nói.
Theo ông Hiền, dù không bay, nhưng Vietnam Airlines vẫn phải trả tiền thuê, trả nợ vay, trả khấu hao, bảo dưỡng tàu bay...Ước tính, chỉ trong 1 tháng không bay hãng lỗ 21 tỷ đồng/tháng. Tính đến thời điểm (9/6) Vietnam Airlines đã bay trở lại ngay sau khi giãn cách nhưng sẽ rất lâu mới về lỗ 1.000 tỷ đồng/tháng. Còn với Jetstar Paciffic (JPA) hiện cũng ghi nhận mức lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây là gánh nặng và là thách thức lớn với Vietnam Airlines trong thời gian tới.
Sẵn sàng bay quốc tế trong tháng 7
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết, hiện hãng đã sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế trên cơ sở cho phép của Chính phủ Việt Nam và các nước.
Để làm điều này, Vietnam Airlines đã xây dựng và ban hành các quy trình, quy định về khai thác bay và phục vụ hành khách để đảm bảo an toàn dịch tễ cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và phòng dịch của cơ quan chức năng.
Hiện, Vietnam Airlines đã triển khai khai thác thường lệ các đường bay chở khách từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh-Seoul (Hàn Quốc) với tổng 5 chuyến/tuần và dự kiến sẽ tăng lên 14 chuyến/tuần vào tháng 7/2020 để chở khách Việt Nam sang Hàn Quốc.
Sẽ còn rất lâu nữa hành không mới có thể phục hồi như thười kỳ đầu năm 2019. |
Mặt khác, Vietnam Airlines cũng đã sẵn sàng khai thác các thị trường Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN ngay trong tháng Bảy tới khi Chính phủ cho phép nối lại các đường bay đồng thời chuẩn bị các phương án bay lại Châu Âu vào cuối năm 2020.
Cụ thể, dự kiến trong tháng 7/2020, hãng sẽ khai thác đường bay đi Hong Kong 3 chuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh và 4 chuyến từ Hà Nội. Đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Đài Loan dự kiến cũng sẽ trở lại trong tháng Bảy với tần suất 3 chuyến/tuần và Hà Nội-Đài Loan với tần suất 4 chuyến/tuần.
Các đường bay Đông Nam Á cũng được Vietnam Airlines lên kế hoạch khai thác trở lại trong tháng 7/2020 như Thành phố Hồ Chí Minh-Bangkok (Thái Lan) được hãng dự kiến khai thác từ 9/7 với tần suất 7 chuyến/tuần, tương tự là đường bay Hà Nội-Bangkok từ 2/7 với tần suất 7 chuyến/tuần.
“Dịch COVID-19 khiến ngành hàng không thiệt hại nặng nề và hồi phục sẽ rất lâu vì hiện trên thế giới vẫn còn trên 50% số tàu bay đang nằm đất. Đến cuối tháng 5/2020, Vietnam Airlines đã hồi phục lại 100% các đường bay nội đội, cùng đó mở thêm 13 đường bay mới. Kích cầu nội địa với các hoạt động du lịch và tạo cầu nối giao thương trong nước quay trở lại bình thường”, ông Trung cho hay.
Hàng không Việt: “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”
Trả lời về việc tàu bay nhưng khách còn ít và có thể lỗ nếu so với tàu nằm đất, ông Trung cho rằng, hệ số lấp đầy ghế của Vietnam Airlines lên tới 85% trong tháng 5 và tháng 6. Việc khai thác sẽ hiệu quả do phần doanh thu đem lại vẫn lớn hơn chi phí cố định phát sinh mỗi tháng mất tới 21 tỷ đồng, nên bay hay không bay vẫn chi trả số tiền này. Nếu hãng bay sẽ bù đắp thêm được 500-600 tỷ đồng hỗ trợ cho chi phí cố định.
Với hãng hàng không Bamboo Airways cũng phát đi thông báo cho biết bay lại các chuyến quốc tế từ 1/7 với các hành trình Hà Nội đến Đài Bắc, Cao Hùng (Đài Loan), Incheon (Hàn Quốc) với tần suất 7 chuyến một tuần. Từ ngày 1/9, hãng này dự kiến có thêm chặng Đà Nẵng, Cam Ranh đi Incheon với tần suất 14 chuyến mỗi tuần. Đến ngày 25/10, Bamboo Airways sẽ tung thêm 10 đường bay quốc tế, trong đó có các hành trình đi Melbourne (Australia) và Praha (Séc).
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 9/6 vừa qua, về việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay với các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc COVID-19. Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, quản lý, cách ly phù hợp với các đối tượng này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước.
Trong bối cảnh hàng không thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hàng không. Mới đây nhất là Chính phủ đồng ý giảm 50% phí cất hạ cánh bay, giảm 30% phí bảo vệ môi trường nhiên liệu bay./.