Cải cách kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với VN

VOV.VN -Nhiều nội dung liên quan đến vai trò của thể chế trong bảo đảm tăng trưởng bao trùm và bền vững đã được đưa ra thảo luận

Sau gần hai ngày làm việc, hôm nay (25/3), Hội thảo quốc tế “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” do Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức tại Hà Nội, đã bế mạc. 

Hơn 200 đại biểu, bao gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương và các nhà kinh tế của Việt Nam, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia, học giả kinh tế quốc tế tham dự hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe hai bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về tầm nhìn phát triển của Việt Nam đến năm 2020 và của Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark về chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 và các thách thức cho phát triển toàn diện con người.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra ba phiên thảo luận xoay quanh chủ đề chính là cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững với 16 tham luận của các diễn giả trong và ngoài nước.

Các đại biểu Việt Nam đã trao đổi với các chuyên gia, học giả quốc tế về kinh nghiệm phát triển kinh tế- xã hội, nhất là việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế nhằm đạt được tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Hội thảo đã đi sâu thảo luận nhiều nội dung liên quan đến vai trò của thể chế trong bảo đảm tăng trưởng bao trùm và bền vững, mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và gia tăng bất bình đẳng, các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tiềm năng của hội nhập khu vực và toàn cầu, các lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp và phát triển nông thôn… trong tiến trình cải cách kinh tế.

Các đại biểu cũng đã khẳng định tầm quan trọng của việc theo đuổi tư duy tăng trưởng bền vững như một yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Tuy có những cách tiếp cận đa dạng đối với cải cách kinh tế, song điểm chung nổi lên đó là nhu cầu theo đuổi tư duy về tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có dấu hiệu phục hồi từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức đối với các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Phát biểu tại phiên bế mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, không có một mô hình cải cách kinh tế phù hợp cho tất cả các nước và các nước cần căn cứ vào những điều kiện cụ thể để triển khai các biện pháp cải cách phù hợp, và theo đuổi các biện pháp cải cách đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: "Như thực tiễn tại nhiều quốc gia sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc áp dụng đơn lẻ các biện pháp kích thích kinh tế hoặc chính sách “thắt lưng buộc bụng” chỉ có thể đem lại những hiệu quả ngắn hạn và do đó không thể là giải pháp toàn diện cho tăng trưởng bền vững. Hội thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp cải cách đồng bộ, bao gồm triển khai đồng thời các biện pháp cải cách cơ cấu hướng tới các khu vực chủ chốt như doanh nghiệp, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp… và hoàn thiện thể chế kinh tế. Đây là yếu tố đã mang lại thành công trong tiến trình cải cách kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á”.

Một yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thành công của cải cách kinh tế được nhấn mạnh tại Hội thảo lần này đó là hội nhập quốc tế. Các đại biểu đã thảo luận và trao đổi rất sôi nổi về cách thức gắn kết giữa hội nhập quốc tế với cải cách kinh tế trong nước, bao gồm đánh giá tác động của hội nhập và liên kết đối với tiến trình cải cách, trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị về việc tranh thủ quá trình chuyển dịch các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu đối với các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên