Cần đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN và lĩnh vực tài chính

Điều này sẽ giúp Việt Nam khôi phục lại môi trường kinh tế vĩ mô bền vững, đồng thời xây dựng nền tảng để đạt được hiệu quả và năng suất cao hơn.

Đây là khẳng định trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB).

Về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Việt Nam, ông Bert Hofman, Kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho rằng: “Chính sách này đang bắt đầu gây áp lực đối với ngành ngân hàng”.

Theo phân tích của ông Hofmanm trước điều kiện thanh khoản thắt chặt hơn kể từ cuối năm 2010, các ngân hàng thương mại nhỏ đã đưa ra mức lãi suất huy động cao (lên đến 18%) để đảm bảo khả năng thanh khoản mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn duy trì lãi suất huy động ở mức 14% hoặc thấp hơn – gây nên cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng.

Tuy nhiên, do không có quy định về hạn mức lãi suất cho vay, các ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay lên tới 22-27%. Trong điều kiện nền kinh tế đang trên đà giảm, áp lực đối với người đi vay được dự báo sẽ lớn hơn nữa trong những tháng sắp tới, dẫn đến sự suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng trong năm 2011-2012.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ các ngân hàng yếu hơn thông qua việc bơm thanh khoản nhiều hơn cho các ngân hàng này, tuy nhiên Ngân hàng nhà nước cũng ám chỉ rằng nếu những ngân hàng nhỏ này không đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngành thì sẽ bắt buộc phải sáp nhập.

“Những vấn đề chưa thể giải quyết được trong ngành ngân hàng có thể sẽ vẫn là mối quan ngại đối với Việt Nam trong những năm sắp tới” – ông Bert Hofman nói.

Theo dẫn chứng của bà Ekaterina Vostroknutova, nhà kinh tế cao cấp WB, Nghị quyết 11 đề xuất cắt giảm khoảng 80.000 tỷ đồng (3,2% GDP) từ đầu tư vốn nhà nước; đầu tư ngoài ngân sách (trái phiếu phát triển Chính phủ); và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức công khác. Bộ Tài chính báo cáo tổng doanh thu tăng gần 23% trong 6 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010. Thâm hụt ngân sách năm nay dự kiến giảm xuống 5% GDP từ mức 5,6% năm 2010 (theo định nghĩa của chính phủ về thâm hụt ngân sách). Kế hoạch củng cố tài khóa chậm hơn dự kiến và thiếu triển vọng tài khóa trung hạn cùng với tình trạng nợ công lâu dài vẫn là một mối quan ngại lớn đối với các chủ đầu tư.

“Mức độ tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến, các dấu hiệu rủi ro kinh tế vĩ mô có nguy cơ xuất hiện lại sẽ là công cụ kiểm tra lòng tin của các nhà đầu tư cũng như cam kết của các cơ quan chức trách trong việc ổn định kinh tế vĩ mô” – bà Ekaterina Vostroknutova bình luận.

Trong một cuộc họp gần đây với một số các đối tác phát triển, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11. Thủ tướng cũng khẳng định rằng kiểm soát lạm phát sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, và Việt Nam sẽ không “đuổi theo” mục tiêu tăng trưởng cao. Mục tiêu lạm phát một con số và tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% được đặt ra cho năm 2012.

Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ WB, những kết quả từ công cuộc bình ổn nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa thực sự vững chắc, do đó việc nới lỏng chính sách quá sớm sẽ có nguy cơ lặp lại những bất ổn đã xảy ra gần đây. Việc cam kết thực hiện các biện pháp củng cố tài khóa và những yêu cầu cơ cấu được đề ra trong Nghị quyết 11, bao gồm tái cơ cấu và cải cách lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước và lĩnh vực tài chính sẽ có thể giúp Việt Nam khôi phục lại môi trường kinh tế vĩ mô bền vững, đồng thời xây dựng nền tảng để đạt được hiệu quả và năng suất cao hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng trung và dài hạn. Nhưng để thực hiện được các yêu cầu cải cách cơ cấu sâu rộng này đòi hỏi năng lực lãnh đạo mạnh mẽ, lộ trình triển khai thận trọng, hỗ trợ từ các đối tác phát triển và các nhà đầu tư nước ngoài cũng như yêu cầu Việt Nam có thể phải hi sinh một số lợi ích về ngắn hạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên