Cẩn trọng tình trạng lừa đảo hợp đồng xuất khẩu sang Mexico

(VOV) - Một số doanh nghiệp Việt Nam phản ảnh tình trạng lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm, để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp

Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương) dẫn báo cáo quý I/2013 của Thương vụ Việt Nam tại Mexico cho biết, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại nước này đã nhận được hồ sơ của một số doanh nghiệp Việt Nam phản ảnh tình trạng lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm, để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp Việt Nam do không sử dụng Thư tín dụng (L/C) trong thanh toán quốc tế và do doanh nghiệp nước ngoài lập chứng từ giả.

Nhân các sự vụ đã xảy ra, Bộ Công thương lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần thận trọng khi ký kết và thực hiện Hợp đồng Ngoại thương. Cụ thể như sau:

Người ký hợp đồng nhập khẩu phải là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp hoặc phải là người được ủy quyền hợp pháp để tránh trường hợp khi xảy ra tranh chấp nếu phía doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện, sẽ dẫn đến hợp đồng vô hiệu.

Trong hợp đồng ngoại thương phải ghi rõ địa chỉ email, điện thoại, fax theo đăng ký kinh doanh của nhà nhập khẩu. Trên thực tế, người nhận hàng và người được thông báo (Consignee & Notify) không có trách nhiệm phải trả tiền cho doanh nghiệp Việt Nam nếu họ không phải là nhà nhập khẩu.

Tại mục người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp trong các hợp đồng ngoại thương phải ghi tên, không được để trống và phải có bằng chứng người ký hợp đồng là đại diện hợp pháp cho doanh nghiệp. Phía dưới chữ ký người đại diện phải ghi họ tên và chức danh. Có trường hợp người giao dịch khác với người ký kết hợp đồng (người đại diện hợp pháp) - doanh nghiệp cần lưu ý trường hợp này.

Khi xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp trong nước nên sử dụng phương thức thanh toán bằng Thư tín dụng không hủy ngang (Irrevocable Letter of Credit At sight – viết tắt là L/C), đây là hình thức an toàn nhất nhưng vẫn cần lưu ý các trường hợp ký hậu vận đơn chấp nhận thanh toán.

Khi chấp nhận phương thức thanh toán TT, doanh nghiệp Việt Nam hết sức thận trọng vì có thể gặp rủi ro trong các trường hợp như giá thị trường tiêu thụ xuống, đối tác không có thiện chí thanh toán, hoặc lý do khác... đối tác nhập khẩu không thanh toán hoặc từ chối thanh toán khiến doanh nghiệp Việt Nam bị mất vốn, đối với doanh nghiệp nhỏ, số tiền này có thể dẫn đến phá sản.

Các doanh nghiệp cũng cần thận trọng khi thấy đối tác chỉ sử dụng email giao dịch tại Yahoo, Gmail, Hotmail, không có email chính thức tại nước sở tại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên