Cảnh báo tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu điều “chụp giật”

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu điều của nước ta tự hủy bỏ hợp đồng, giao hàng kém chất lượng.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, do một số nhà nhập khẩu ở nước ngoài ham rẻ nên ký hợp đồng với những doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu điều nên đã xảy ra tình trạng này.

Bốn tháng đầu năm, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu được 55.000 tấn điều các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 400 triệu USD, giảm 5% so với năm ngoái. Tuy nhiên, Hiệp hội Điều Việt Nam cảnh báo, tình trạng một số doanh nghiệp xuất khẩu điều nước ta tự hủy bỏ hợp đồng hoặc giao hàng kém chất lượng không như cam kết đã khiến nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài tìm nguồn cung cấp từ Ấn Độ và Châu Phi. Điều này làm giảm uy tín và hình ảnh của hạt điều Việt Nam.

4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu điều giảm 5% so với năm ngoái

Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, các nhà nhập khẩu nước ngoài cần thông qua hiệp hội để tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp cung ứng điều, không vì ham giá rẻ mà ký kết hợp đồng nhập khẩu, nhất  là vào thời điểm thị trường có nhiều biến động.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho rằng tình trạng làm mất uy tín còn do phía các nhà nhập khẩu nước ngoài: “Có một số doanh nghiệp kể cả lớn và trung bình thì cũng không loại trừ làm ăn không có uy tín trên thị trường. Cụ thể những việc như: giao hàng chất lượng không đảm bảo, an toàn thực phẩm chưa cao. Có những hợp đồng đã ký rồi thì lại không giao hàng cho họ. Nhưng có một điều nó không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà nhiều khách hàng nước ngoài khi ký với Việt Nam thì cũng có trường hợp như vậy. Thậm chí đến cả triệu đô la họ cũng không thanh toán, đó là rủi ro trong kinh doanh của ngành điều trong thời gian gần đây”.

Theo thống kê, năm 2011, có 296 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu điều. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ, kể cả doanh nghiệp lớn không có nhà máy chế biến, nhưng vẫn đầu tư mua gom hàng hóa để xuất khẩu. Hiện nay, Hiệp hội Điều Việt Nam đang xây dựng đề án “Doanh nghiệp điều xuất khẩu có điều kiện”, trong đó quy định doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu phải có hệ thống nhà xưởng, công nghệ thiết bị hợp “Quy chuẩn kỹ thuật cơ sở chế biến hạt điều”, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thức phẩm. Nếu đề án trình Chính phủ và được phê duyệt thì sẽ có nhiều doanh nghiệp không đạt chuẩn, chỉ còn khoảng chục doanh nghiệp thực sự có uy tín mới được xuất khẩu nhân điều ra thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên