Chất lượng thủy - hải sản nội địa: Vẫn thả nổi!

Trong khi thủy - hải sản xuất khẩu được kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định về quản lý chất lượng thì thủy - hải sản tiêu thụ nội địa vẫn bị thả nổi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong nước.

Thủy - hải sản chất lượng kém tràn lan

Các chợ Kim Liên, Thành Công, chợ Hôm là nơi cung cấp lượng lớn thuỷ - hải sản cho người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội. Nhưng theo ban quản lý các chợ này, hiện nay, chất lượng mặt hàng này mới chỉ giám sát được bằng cảm quan, như kiểm tra xem hàng về chợ còn tươi không, thùng chứa có đúng quy cách hay không? Còn nguồn gốc hàng từ đâu đưa đến thì không biết chính xác. Việc lấy mẫu xét nghiệm chất lượng mặt hàng thuỷ hải sản chỉ được thực hiện định kỳ.

Chị Hòa, một người chuyên bán hải sản ở chợ Thành Công cho hay, thủy - hải sản chị mua từ các đầu nậu ở chợ đầu mối. Khi mua, hàng đã được “bảo quản” sẵn chứ không phải đợi đến khi bị ươn mới bảo quản, mua về chị cứ thế mang bán mà không cần phải tẩm ướp gì thêm. Khi được hỏi về chất “bảo quản” mà các đầu nậu dùng để tẩm ướp hải sản, chị khẳng định đó là urê “vì thủy - hải sản khi đến tay người tiêu dùng cũng gần 1 tháng, nếu tẩm urê thì hàng trông mới tươi và ngon được”.

Chị Nội ở Khâm Thiên kể, có lần chị đi chợ thấy cá thu tươi ngon, chị mua 1kg, nhưng về nhà nấu chín thì cá không có vị ngọt, mà nẫu nát, nặng mùi, lúc ấy chị mới biết mình mua phải cá bị tẩm ướp. Không may mắn như gia đình chị Nội, chị Thu ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội phải vào bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc sau khi ăn cá nục rán, nguyên nhân ngộ độc là do trong cá có tẩm ướp u rê. “Cá nục là món ăn ưa thích của gia đình tôi, nhưng sau lần đó, gia đình tôi chỉ sử dụng hải sản tươi sống còn những hải sản ướp lạnh như cá nục, cá thu thì không dám dùng nữa”, chị Thu cho biết.

Theo các bác sĩ khoa Chống độc, BV Bạch Mai, trong số các ca cấp cứu ngộ độc thực phẩm thì ngộ độc thủy - hải sản đang ở mức đáng báo động. Nguyên nhân ngộ độc chủ yếu là do ăn phải thủy - hải sản không còn tươi, thủy - hải sản có chứa dung dịch urê và bơm chích tạp chất. Phân urê khi hoà tan có thể làm lạnh môi trường xung quanh. Do tính chất không màu, không mùi nên mắt thường không phân biệt được nước có chứa dung dịch urê với nước biển hay nước đá lạnh. Nếu ăn phải các loại thực phẩm bị bơm tạp chất hoặc có chứa phân urê, thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với những biểu hiện như đau bụng dữ dội, ói, buồn nôn, tiêu chảy. Về lâu dài sẽ bị ngộ độc mãn tính: gây mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, trí nhớ giảm, hay cáu gắt. Nếu sử dụng nhiều hoặc thường xuyên loại hải sản này, nhẹ thì bị ngộ độc như chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, nặng sẽ không tránh khỏi tử vong.

Sẽ xử lý mạnh tay?

Urê là một loại phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp. Đây là loại hóa chất có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành rất rẻ nên không ít người kinh doanh thực phẩm thủy - hải sản tươi sống đã dùng phân urê để bảo quản thực phẩm. Trong khi việc quản lý những chất độc này vẫn còn bỏ ngỏ, thì thói quen sử dụng các loại thuốc kháng sinh, phân urê, tạp chất của người dân nuôi thủy - hải sản vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở thu mua, sơ chế thủy - hải sản đã tổ chức bơm tạp chất vào thủy - hải sản để chế biến rồi đưa ra thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Lương Lê Phương thừa nhận, với thủy - hải sản tiêu thụ nội địa, hiện vẫn chưa qua bất cứ khâu giám sát chất lượng hay đúng hơn là đang bị thả nổi. Việc quản lý thuỷ - hải sản hiện đang làm các cơ quan quản lý đau đầu vì các hộ kinh doanh chưa có sổ sách theo dõi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập về. Đến nay, việc phát hiện, ngăn chặn tận gốc hành vi này vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

Để chấm dứt tình trạng này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy - hải sản. Đối với hành vi thuê, mượn người khác đưa tạp chất vào thủy - hải sản hoặc có hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy - hải sản, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, có thể còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở thu gom, bảo quản, chế biến thủy - hải sản từ 6 - 12 tháng trong trường hợp cơ sở vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Nếu tàu cá sử dụng, tàng trữ trái phép hóa chất độc, thực vật có độc tố để khai thác thủy - hải sản sẽ bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực thủy - hải sản, việc kiểm soát chất lượng thủy - hải sản như hiện nay chỉ mới dừng ở thủy - hải sản xuất khẩu, còn đối với thị trường nội địa vẫn bị buông lỏng. Để hạn chế được tình trạng này, các cơ quan quản lý cần xây dựng chương trình quản lý hồ sơ chất lượng thủy - hải sản tại các chợ đầu mối. Sau khi có hồ sơ chất lượng tại chợ, thì bước tiếp theo là xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Với cách làm này sẽ biết được “đường đi” của từng mặt hàng thủy - hải sản khi chúng được đưa vào thị trường, đồng thời giảm thiểu tối đa việc sử dụng các chất bảo quản bị cấm sử dụng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên