Chính sách thuế chưa khuyến khích doanh nghiệp nói thật

(VOV) - Theo ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, một chính sách mà không khuyến khích người nộp thuế nói thật là thất bại

Cuộc tọa đàm góp ý dự thảo dự án sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp do Hiệp hội Các nhà bán lẻ và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 9/4.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đinh Trịnh Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc sửa luật phải đảm bảo các nguyên tắc như khắc phục được các điểm bất hợp lý; dễ áp dụng, dễ hiểu và minh bạch; tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp, phải giảm thu nhưng không giảm quá lớn.

Việc giảm thuế là cấp thiết

Ông Hải cho biết tới ngày 17 và 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến về mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, DN nhỏ và vừa sẽ được áp mức thuế 20% kể từ ngày 1-7-2013 thay vì từ ngày 1/1/2014 như đề xuất trong dự án luật. Còn doanh nghiệp lớn áp dụng thuế suất phổ thông 23% bắt đầu từ ngày 1/1/2014 cho đến ngày 31/12/2015. Từ ngày 1/1/2016, sẽ áp dụng chung một thuế suất 20%.

Đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà ở xã hội sẽ áp dụng luôn thuế suất ưu đãi 10%. Việc giảm thuế giá trị gia tăng của một số nhóm ngành khác cũng đang được xem xét.

“Nếu có điều kiện ta giảm ngay 20% chứ không có gì phải cò kè là doanh nghiệp to hay nhỏ. Nhưng mỗi một phần trăm giảm xuống thì ngân sách giảm thu hơn 6.000 tỉ đồng. Nếu giảm một lúc 5% thì ngân sách mất trên 30.000 tỉ đồng. Mong rằng người dân và Nhà nước sẽ rất đồng thuận về điều này” - ông Hải hi vọng.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nguyên tắc để sửa luật là phải khuyến khích doanh nghiệp nói thật. Hiện nay chúng ta chưa làm được điều này. “Với quan điểm Nhà nước phải thu đúng, thu đủ tiền thuế và khuyến khích người nộp thuế nói thật. Còn một chính sách mà không khuyến khích người nộp thuế nói thật là thất bại” - ông Phú nói.

Ông Phú dẫn chứng siêu thị Unimax (Hà Nội) đang kinh doanh trên diện tích 750m2 mà tiền thuế cả năm nộp là 12 tỉ đồng với đủ loại thuế. “Trong điều kiện sức mua khó khăn như hiện nay, doanh số bán lẻ ba tháng đầu năm sụt giảm, việc giảm thuế là hết sức cấp bách. Ngoài ra, thuế VAT phải được giảm để khuyến khích sức mua” - ông Phú khuyến nghị.

Phải nghiêm trị hành vi trốn thuế

Trao đổi tại hội thảo, ông Hải thẳng thắn thừa nhận chính sách thuế chưa khuyến khích doanh nghiệp nói thật. “Gia đình tôi cũng có doanh nghiệp, chúng tôi bảo nhau là chia nhỏ lợi nhuận ra để giảm tiền thuế. Lỗi này không phải của doanh nghiệp mà do không quản lý được, dẫn đến buông lỏng và chưa xử lý nghiêm những đối tượng trốn thuế” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, thời gian qua những trường hợp trốn thuế nếu bị phát hiện thì chỉ thu hồi là xong. Do đó hiện tượng trốn thuế diễn ra, gây thất thu lớn cho ngân sách. “Nếu chính sách công khai, minh bạch và xử lý nghiêm trường hợp trốn thuế thì ta hoàn toàn có quyền giảm thuế cho dân. Theo tôi, cần quy định trốn thuế đến mức độ bao nhiêu đó phải đưa vào xử lý hình sự. Nói thật là ta đang mới phát triển, đang làm lò mò thì phải lò mò làm sao để đến được đích” - ông Hải thẳng thắn.

Cũng theo ông Hải, nên định nghĩa lại chi phí quảng cáo là gì vì thực tế có nhiều chi phí khác như tiếp khách, lễ tân... cũng đặt vào đây. Nếu chưa quản lý được chi phí quảng cáo thì cần phải chấp nhận mức khống chế là 15% tổng số chi được trừ. Nhưng mức trần này phải có lộ trình và tiến tới phải bỏ. Song, nhiều đại biểu cho rằng tạm thời khi Nhà nước chưa kiểm soát được thì nên tính tỉ lệ khống chế trên doanh thu thay vì các chi phí. Quy định phải khuyến khích doanh nghiệp làm thế nào vừa quảng bá được sản phẩm và thương hiệu nhưng lại vừa tiết kiệm được chi phí./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên