Chính sách tiền tệ hậu khủng hoảng: Thắt chặt hay nới lỏng?

Nền kinh tế trên đà hồi phục và nguy cơ tái lạm phát được cảnh báo là vẫn rình rập, việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới đang là vấn đề được nhiều chuyên gia bàn thảo.

Về lý thuyết, thắt chặt hay nới lỏng vào thời điểm này đều gây ra những tác động nhất định đến nền kinh tế. Nếu tiếp tục nới lỏng, tổng lượng tiền trong lưu thông sẽ tăng thêm, trong khi những yếu tố tiềm ẩn của lạm phát vẫn còn cao, nên sẽ là nhân tố thúc đẩy tái lạm phát. Nhưng nếu thắt chặt khi các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, thì lại có nguy cơ đẩy sản xuất vào tình trạng đình trệ trở lại. Bởi vậy, việc lựa chọn chính sách tiền tệ như thế nào trong thời gian này là rất nhạy cảm và phải có sự cân nhắc kỹ.

Nới lỏng có kiểm soát

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Viettinbank phân tích: Thời gian qua, một mặt Chính phủ kích cầu, mặt khác Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại duy trì một số công cụ để hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng. Bản chất của vấn đề này là vừa kích cầu để nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và phát triển, duy trì sự ổn định cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng mặt khác, tăng trưởng tín dụng bao nhiêu là hợp lý, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ có 4-5% mà tăng trưởng tín dụng là 30-50% là quá nóng. Thực chất đây là chính sách nới lỏng có kiểm soát. Hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng được áp dụng ở những lĩnh vực rủi ro cao như: cho vay tiêu dùng, đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản. Mục tiêu là buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) phải cân nhắc xem cho vay lĩnh vực nào để vừa đem lại hiệu quả, vừa đảm bảo tính thanh khoản.

Việc các NHTM thời gian qua chạy đua lãi suất huy động vốn VND, theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, động thái này phản ánh đúng tình hình thực tế. Khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục thì nhu cầu vốn rất lớn, các DN đều muốn chớp thời cơ được hưởng mức lãi suất thấp nên các NH phải chạy đua nâng lãi suất để huy động vốn, vừa đảm bảo quan hệ với khách hàng, vừa đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Nó cũng cho thấy khả năng hấp thụ vốn cao của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi trần lãi suất cho vay vẫn được giữ nguyên trong khi trần lãi suất huy động được nhiều NH đẩy cao lên gần bằng trần lãi suất cho vay, thì theo ông Kiêm, đây là điều các NH phải chấp nhận, chứ không thể kêu khó được. Các NH cũng phải chia sẻ khó khăn chung với DN, không thể có nghịch lý là DN khó khăn, chật vật, thiếu vốn mà NH cứ tuyên bố lãi lớn mãi như vậy được. Việc 48/52 NH vừa thỏa thuận giữ lãi suất ổn định, không chạy đua như thời gian qua, theo ông Kiêm, nhìn chung sẽ có ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động được của các NH nhưng họ sẽ bù đắp bằng thị trường liên ngân hàng và tái chiết khấu vốn của NHNN nên nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn được đảm bảo.

Tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp

PGS. TS Nguyễn Thị Mùi nhận định, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi rất rõ rệt. Trong bối cảnh cần thiết phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý đi đôi với việc phải duy trì hoạt động của NH an toàn và phát triển bền vững thì chính sách tiền tệ cần theo sát tín hiệu thị trường, linh hoạt ở mức độ cần thiết và có sự kiểm soát của NHNN. Linh hoạt ở đây là khi cần thiết thì nới lỏng công cụ nào, thắt chặt công cụ nào.

Về nguy cơ tái lạm phát có thể xảy ra do chính sách tiền tệ nới lỏng, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng: Lạm phát năm nay có thể chỉ ở mức 7% để đảm bảo tốc độ tăng GDP 5%, đây là mức có thể chấp nhận được. Nó có thể có độ trượt sang năm 2010 nhưng khi đó chúng ta sẽ có biện pháp điều chỉnh. Theo nhận định của ông Kiêm, với những biện pháp đang thực hiện, trong đó có chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng có kiểm soát chặt chẽ luồng vốn ra thị trường thì khả năng lạm phát sang năm cũng không vượt quá 2 con số.

“Đây là điều chúng tôi đang theo dõi rất sát để có kiến nghị xử lý kịp thời. Về lạm phát, lo thì có lo nhưng không phải là quá cấp bách khiến chúng ta phải dồn sức vào quá mức mà vấn đề chính hiện nay vẫn là tập trung để chống suy giảm kinh tế” - ông Kiêm phân tích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên